Các thương vụ M&A đang diễn ra sôi động tại thị trường Việt Nam
Trong những tháng đầu năm 2015, hoạt động mua bán-sáp nhập (M&A) tiếp tục diễn ra sôi động tại thị trường Việt Nam với nhiều thương vụ lớn và đang trở thành một hình thức đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đây là nhận định của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Diễn đàn Mua bán-Sáp nhập Việt Nam (M&A Vietnam Forum 2015) tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/8.
Ông Đặng Huy Đông cho biết việc hoàn thiện thể chế kinh tế, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn của Việt Nam mở ra nhiều cơ hội mới cho hoạt động M&A.
Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016-2020 với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động M&A tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo sức hút các dòng vốn mới.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang xem Việt Nam là thị trường hấp dẫn để khai thác. Các đơn vị môi giới, tư vấn nhìn thấy một lượng khách hàng dư thừa tiền mặt, sẵn sàng rót vốn để chốt thương vụ sớm nhằm thâm nhập thị trường Việt Nam, nếu họ tìm thấy các đối tác đáp ứng tiêu chí.
Đánh giá về hoạt động M&A tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư trong nước, hoạt động M&A tại Việt Nam đã không ngừng gia tăng.
Năm 2014, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam ước đạt khoảng 4,2 tỷ USD. Trong những tháng đầu năm nay hoạt động M&A tiếp tục diễn ra sôi động với nhiều thương vụ lớn.
Theo phân tích của giáo sư-tiến sỹ Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Sáp nhập, Mua lại và Liên kết (IMAA), Việt Nam đã có bước tiến trong bảng xếp hạng hoạt động M&A doanh nghiệp toàn cầu khi vươn lên xếp vị trí thứ 20.
Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Việt Nam chỉ xếp thứ 55 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì vị trí 20 về M&A là đáng chú ý. Tuy nhiên, các thương vụ M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài vẫn còn ở mức tương đối thấp với khoảng 10 thương vụ/năm. Trong đó một số thương vụ M&A đáng chú ý như Vinamilk tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Miraka - một nhà sản xuất sữa khô có trụ sở tại New Zealand; Tập đoàn FPT mua lại RWE IT hoạt động tại Slovakia SRO...
Giáo sư-tiến sỹ Christopher Kummer nhận định Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. ASEAN không chỉ trở thành thị trường tiêu thụ khổng lồ nhờ tầng lớp trung lưu tăng mạnh mà các nhà đầu tư nước ngoài còn ưa thích thị trường lao động giá rẻ và trẻ tuổi ở các nước đang phát triển như Campuchia, Indonesia, Việt Nam... Đặc biệt, năm 2015 là thời điểm các nước thành viên ASEAN thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tất cả 10 quốc gia thành viên sẽ hội nhập kinh tế toàn diện vào một thị trường chung thống nhất với quy mô 600 triệu người.
Trong khi đó, các chuyển động chính sách gần đây tại Việt Nam, với yếu tố đang thúc đẩy hoạt động M&A là chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ; xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp lựa chọn M&A như một chiến lược quan trọng để tái cấu trúc, hướng tới tăng trưởng bền vững./.
Nguồn Vietnam+
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư