CHU KỲ KINH TẾ & CHU KỲ CỔ PHIẾU CÓ SONG HÀNH?

Nền kinh tế trong suốt xu hướng vận động dài hạn của nó phải trải qua nhiều chu kỳ. Mỗi chu kỳ đều gồm một giai đoạn mở rộng, tăng trưởng lên đến đỉnh điểm, sau đó là giai đoạn thu hẹp, suy thoái và chạm đáy. Thị trường chứng khoán cũng vậy, luôn có tính chu kỳ và lấy nền kinh tế làm nền tảng.
Không cổ phiếu nào có thể chống lại xu hướng thị trường. Nhưng trong mỗi một chu kỳ của nền kinh tế và của thị trường chứng khoán, các ngành khác nhau và cổ phiếu của các ngành đó sẽ thể hiện sức mạnh vượt trội hơn toàn bộ thị trường ở từng thời điểm khác nhau. Dù trong giai đoạn tăng trưởng hay suy thoái của thị trường, biết lựa chọn cổ phiếu sinh lời chính là bí quyết thành công của nhà đầu tư.
Năm 2008, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, một số nền kinh tế đã chính thức bước vào suy thoái và kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Vậy nhà đầu tư có thể làm gì để kiếm lời ngay khi thị trường khủng hoảng và nắm bắt cơ hội khi thị trường phục hồi?
Thị trường chứng khoán nhạy cảm với thông tin luôn là tấm gương dự báo sớm những biến động của chu kỳ kinh tế. Trong lịch sử, mỗi chu kỳ kinh tế có độ dài ngắn khác nhau và sự khởi đầu hay kết thúc một chu kỳ đều có nguyên nhân khác nhau. Nhìn lại quá khứ, nhà đầu tư luôn cố gắng tự mình thiết lập ra những mô hình để đoán định về tương lai và đặt ra những câu hỏi:
Liệu lịch sử có lặp lại hay sẽ thay đổi?
Không phải những nhân tố đằng sau mỗi giai đoạn tăng trưởng hay suy thoái đều giống nhau. Vì thế, để trả lời câu hỏi trên, nhà đầu tư cần kiểm chứng liệu những yếu tố dẫn dắt thị trường hôm nay đã thay đổi hay chưa, thay đổi từ từ hay thay đổi về cơ bản.
Liệu thị trường đã phản ánh hết những dự báo tương lai vào chỉ số giá? Giả sử các nhân tố ảnh hưởng đến một ngành có tính chất chu kỳ và lặp lại, thị trường sẽ tính hết các nhân tố đó vào giá. Tuy nhiên, nếu có những nhân tố mới tác động, thị trường chưa chắc đã “lường trước” và có thể không có sự điều chỉnh tương ứng.
Biến động của cổ phiếu từng ngành qua nhiều chu kỳ kinh tế
Dựa trên nghiên cứu sự khác nhau về mức sinh lời đầu tư của 90 ngành so với mức sinh lời của chỉ số S&P 500 trong 10 chu kỳ kinh tế hoàn chỉnh từ tháng 12.1945 đến tháng 12.1995, Standard & Poor’s đã tổng kết được mô hình về mối tương quan giữa chu kỳ của thị trường chứng khoán và chu kỳ kinh tế. Mô hình này chỉ ra rằng, trong một chu kỳ kinh tế điển hình tại mỗi thời điểm khác nhau sẽ có những ngành sinh lời hơn so với toàn bộ thị trường.
1. Hàng tiêu dùng không có tính chu kỳ
Cổ phiếu của những ngành hàng tiêu dùng không có tính chu kỳ (thực phẩm) và các ngành hàng tiêu dùng có tính tăng trưởng (mỹ phẩm, thuốc lá, nước giải khát) có sức cầu khá ổn định và ít nhạy cảm với chu kỳ kinh tế. Do đó, các cổ phiếu này thường hấp dẫn nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán và chu kỳ kinh tế đạt đỉnh hoặc ở đầu giai đoạn suy thoái.
2. Hàng tiêu dùng có tính chu kỳ
Cổ phiếu thuộc nhóm này bao gồm hàng tiêu dùng lâu bền và không lâu bền khá nhạy cảm với lãi suất và chu kỳ kinh tế (hàng gia dụng điện tử và các mặt hàng xa xỉ khác). Nhà đầu tư thường tìm kiếm những cổ phiếu này vào điểm cuối của suy thoái kinh tế.
3. Ngành chăm sóc sức khỏe
Ngành chăm sóc sức khỏe bao gồm các công ty dược phẩm, trung tâm chăm sóc sức khỏe, công ty công nghệ sinh học và các hãng sản xuất thiết bị y tế. Cổ phiếu thuộc nhóm này có tính phòng vệ cao và không chịu tác động bởi chu kỳ kinh tế.
Các công ty dược phẩm chịu tác động bởi thị phần, thời gian cấp phép lưu hành thuốc, vòng đời của bản quyền sản xuất thuốc và kết quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong khi đó, các công ty công nghệ sinh học hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển và vận may của họ tùy thuộc rất lớn vào kỳ vọng của nhà đầu tư vào giá trị các phát minh mới. Trong tương lai, do việc huy động vốn gặp khó khăn hơn, nhiều khả năng sẽ có sự liên minh chiến lược giữa những công ty dược phẩm lớn và các công ty công nghệ sinh học.
4. Ngành tài chính
Cổ phiếu của những ngân hàng cho vay mua nhà đất thường có xu hướng phản ứng tốt với điều kiện lãi suất giảm. Nhà đầu tư thường nhắm đến các cổ phiếu này vào giữa hoặc cuối của kỳ suy thoái kinh tế.
5. Ngành công nghệ
Cổ phiếu công nghệ có tính chu kỳ, vì nó phụ thuộc rất lớn vào chi tiêu vốn và vào nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các công ty công nghệ có tiềm năng lớn trong dài hạn, vì các sản phẩm công nghệ thường có tính ứng dụng cao và công nghệ mới luôn thu hút người sử dụng. Cổ phiếu công nghệ thường được ưa chuộng ở giai đoạn bắt đầu hoặc giữa của giai đoạn tăng trưởng kinh tế.
6. Ngành công nghiệp cơ bản
Đây có thể là những ngành vật liệu xây dựng hoặc công nghiệp sản xuất đầu vào của các ngành công nghiệp khác. Lợi nhuận của ngành công nghiệp cơ bản bắt nguồn từ hiệu suất sử dụng máy móc cao và nhu cầu thị trường lớn. Do đó, cổ phiếu của ngành này thường hấp dẫn nhà đầu tư vào cuối của mỗi giai đoạn tăng trưởng kinh tế.
Đây là những ngành chế tạo máy móc thiết bị và công cụ cho ngành nông nghiệp và công nghiệp. Chi tiêu vốn thường tăng mạnh vào khoảng giữa của giai đoạn tăng trưởng kinh tế khi nền kinh tế đang “nóng” lên và nhu cầu hàng hóa cao hơn khiến các doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng năng lực sản xuất.
8. Ngành vận tải
Ngành vận tải đường sắt, đường bộ và đường thủy thường phản ứng rất nhanh với dấu hiệu kinh tế phục hồi. Trong khi đó, vận tải hàng không phụ thuộc rất lớn vào giá nhiên liệu, hiệu suất sử dụng máy bay và áp lực cạnh tranh về giá vé.
9. Ngành năng lượng
Ngành năng lượng bao gồm những công ty thăm dò dầu mỏ quốc tế hoặc nội địa, các công ty cung cấp dịch vụ năng lượng. Mỗi công ty có những động lực khác nhau, nhưng nhìn chung, đều chịu tác động bởi mối tương quan cung cầu năng lượng thế giới. Trong lịch sử, những bất ổn chính trị thường gây tác động rất lớn đối với ngành năng lượng. Nhà đầu tư ưa chuộng cổ phiếu năng lượng khi tăng trưởng kinh tế gần đạt đỉnh.
10. Ngành dịch vụ tiện ích
Trong lịch sử, các công ty điện rất nhạy cảm với lãi suất, do chi phí đầu tư lớn và phần lớn được tài trợ bằng vốn vay. Cổ phiếu ngành này thường lên giá trong môi trường lãi suất hạ.
11. Ngành kim loại quý
Cổ phiếu các công ty kim loại quý và khai thác mỏ có thể bị ảnh hưởng bởi nhu cầu của người tiêu dùng và các ngành công nghiệp khác, nhưng nhân tố ảnh hưởng lớn nhất chính là sức ép lạm phát. Nhà đầu tư thường săn lùng các cổ phiếu này vào cuối của giai đoạn tăng trưởng kinh tế.
Gợi ý nào cho nhà đầu tư?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm trong gần 8 năm phát triển. Nhiều giai đoạn thăng trầm có nguyên nhân từ nhiều yếu tố không liên quan đến chu kỳ kinh tế. Có giai đoạn thị trường tăng giá do hiện tượng khát cổ phiếu, sự kỳ vọng vào nền kinh tế sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), làn sóng đầu tư gián tiếp từ nước ngoài, rồi đến giai đoạn thoái trào do bão hòa nguồn cung, cổ phiếu bị định giá quá cao, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn…
Tuy chưa có một nghiên cứu thực nghiệm nào được thực hiện, nhưng có lẽ ai cũng phải thừa nhận rằng, chính chu kỳ kinh tế, đặc biệt là sự phát triển chậm lại của kinh tế thế giới, đang là nguyên nhân cơ bản khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào giai đoạn sụt giảm kéo dài kể từ giữa tháng 11.2007 và vẫn chưa có hồi kết.
Tại Việt Nam, thời gian tồn tại của thị trường chứng khoán chưa đủ dài để người ta có thể nghiên cứu và tìm ra quy luật song hành của chu kỳ kinh tế và chu kỳ của thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như nghiên cứu mức độ sinh lời của từng ngành khác nhau trong mỗi thời điểm của chu kỳ kinh tế. Hơn nữa, tại Việt Nam, cơ cấu ngành nghề còn nghèo nàn, số lượng công ty đại diện ngành tham gia thị trường chứng khoán chưa nhiều, thị trường chứng khoán chưa phải là phong vũ biểu cho nền kinh tế.
Vậy nhà đầu tư có thể làm gì trong giai đoạn này? Vẫn có những quy luật chung cho tất cả nền kinh tế và các thị trường chứng khoán. Dù chúng ta không thể đoán định đợt suy giảm kinh tế lần này sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng vẫn có thể phân thời gian phía trước làm 3 giai đoạn: giai đoạn đầu tiến đến giữa, giai đoạn đáy và giai đoạn kinh tế phục hồi. Nhà đầu tư cần tìm hiểu những nhân tố sâu xa tác động đến ngành như vốn, lãi suất, cung cầu thị trường… để tìm ra quy luật tăng trưởng.
Theo quan điểm của tác giả bài viết, chúng ta đang đi từ giai đoạn bắt đầu để tiến đến giữa suy giảm về kinh tế. Hiện cổ phiếu của những ngành hàng tiêu dùng không có tính chu kỳ, dịch vụ tiện ích, ngành chăm sóc sức khỏe như VNM, VSH, TBC, DHG… vẫn hoạt động ổn định và có tính phòng vệ cao. Tiếp đó, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn xấu, nhà đầu tư nên cân nhắc đối với các cổ phiếu thuộc ngành tài chính - ngân hàng, bất động sản, vận tải như ACB, SJS, PVT, VSP… Sau một thời gian bị thị trường “trừng phạt” khá nặng, cổ phiếu của những công ty này sẽ có sức bật nhanh khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi.
(*) Tác giả Nguyễn Lan tốt nghiệp Thạc sĩ Tài chính, Đại học New South Wales, Úc, hiện là Chuyên viên đầu tư của Quỹ Victoria Capital (Hà Nội).
Đuối sức Càng gần thời điểm Tết Nguyên đán, giao dịch trên thị trường chứng khoán càng trở nên khó đoán. Những tưởng thị trường có thể phục hồi khi tuần qua đã có lúc VN-Index đạt 319,58 điểm, mức điểm cao nhất trong 1 tháng trở lại đây. Đặc biệt, việc khối ngoại liên tục mua ròng trong hơn 10 phiên càng hỗ trợ cho niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã bất ngờ khi thị trường tỏ ra đuối sức trong 2 phiên cuối. Kết thúc tuần, VN-Index đạt 313,4 điểm, tăng không đáng kể so với cuối tuần trước (0,01%). HaSTC-Index cũng tăng nhẹ 0,02%, dừng ở 106,17 điểm. Xét về khối lượng, mặc dù bị đánh giá là kém thanh khoản ở 2 phiên đầu và cuối tuần qua nhưng nhìn chung giao dịch trong tuần đã có sự cải thiện. Cụ thể, khối lượng mua bán trung bình tại sàn HoSE đã vượt 11 triệu đơn vị/phiên. Riêng nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu bán ròng từ phiên ngày 8.1, mở đầu cho những tín hiệu không vui. Thực vậy, trước diễn biến thị trường chứng khoán các nước sụt giảm mạnh mẽ, không chỉ khối ngoại mà nhà đầu tư trong nước cũng tỏ ra nao núng. Bên cạnh đó, thông tin Ngân hàng BIDV hạ lãi suất cho vay xuống còn 6,5% cũng dự báo khả năng lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục giảm. Chưa biết tác động của thông tin này đến thị trường chứng khoán sắp tới sẽ thế nào, nhưng trước mắt, nhà đầu tư gần như lưỡng lự. Họ cũng đang chờ một hành động dứt khoát hơn từ Chính phủ để thúc đẩy kinh tế. Tuần qua, cổ phiếu HAG được chú ý do đã lấy lại phong độ của thời điểm mới lên sàn và tăng điểm nhiều phiên. Còn cổ phiếu SSI đã vượt qua STB để trở thành cổ phiếu được giao dịch nhiều, trung bình đạt khoảng 1 triệu đơn vị/phiên. Khởi động cổ phần hóa MobiFone Theo Công ty Thông tin Di động VMS (MobiFone), đơn vị tư vấn cổ phần hóa Credit Suisse đang triển khai các công việc cần thiết để chuẩn bị cho kế hoạch cổ phần hóa MobiFone trong năm 2009.Trên cơ sở định giá sơ bộ, giá trị của MobiFone được Credit Suisse xác định khoảng trên 2 tỉ USD.Tuy nhiên, kết quả chi tiết và phương án cổ phần hóa cụ thể hiện vẫn chưa được công bố. Về lộ trình cổ phần hóa, đại diện MobiFone khẳng định sẽ không có sự trì hoãn kế hoạch dù thị trường chứng khoán có tuột dốc. “Đảo chính” bất thành Đại hội cổ đông bất thường của Bông Bạch Tuyết được xác định rất quan trọng, quyết định số phận của Bông Bạch Tuyết, cũng được xem như sự kiện “đảo chính” trong nội bộ Công ty Bông Bạch Tuyết, đã không thể diễn ra như kế hoạch. Lý do là chỉ có 56,41% cổ đông tham dự, không đủ 65% theo như quy định. Như vậy, theo Luật Doanh nghiệp, trong vòng 30 ngày nữa, Dệt may Gia Định được quyền triệu tập đại hội cổ đông lần 2. Tuy nhiên, với sự thất bại trong lần tổ chức vừa qua, nhà đầu tư cảm thấy chán nản và lo ngại những mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo Bông Bạch Tuyết có thể sẽ khiến tình hình của Bông Bạch Tuyết thêm bế tắc. Sacombank không mua hết 25 triệu cổ phiếu quỹ như đăng ký Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) vừa cho biết, sau 1 tháng rưỡi triển khai, Sacombank đã mua lại tổng cộng 18,265 triệu cổ phiếu quỹ STB, chỉ tương đương khoảng 76% khối lượng đăng ký. Theo Sacombank, do mục đích chính của việc mua cổ phiếu quỹ là bình ổn thị giá STB nên khi thấy giá STB ổn định, Sacombank đã ngừng mua vào. Một số phiên khác do giá STB tăng trần, Sacombank cũng không đặt lệnh thành công. NGỌC THUỶ
|
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư