Kinh Doanh

Còn quá sớm để nói tăng trưởng kinh tế đã đi qua vùng trũng

Nhật Lệ Thứ Năm | 08/06/2023 15:04

Lãi suất giảm đã có những tác động đến thanh khoản của thị trường vốn. Ảnh minh họa: KD

Thị trường chứng khoán nhiều khả năng tiếp tục xu hướng chính là đi ngang đến khi các tín hiệu rõ ràng hơn.
Lãi suất giảm đã có những tác động đến thanh khoản của thị trường vốn. Ảnh minh họa: KD

Động thái nới lỏng chính sách tiền tệ đã có những tác động tích cực ban đầu lên thanh khoản của thị trường vốn. Cụ thể, sau gần 3 tháng Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhóm ngân hàng tư nhân lớn cũng như các ngân hàng quốc doanh đều có xu hướng giảm. Lãi suất giảm đã có những tác động đến thanh khoản của thị trường vốn. 

Số liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong tuần đầu tháng 6, giá trị khớp lệnh đã đạt gần 70.000 tỉ đồng, cải thiện so với mức bình quân tuần của tháng 4-5/2023 là 46.000 tỉ đồng, so với mức bình quân tuần của quý I/2023 là 38.000 tỉ đồng. Xét trong tương quan với mặt bằng lãi suất, mức thanh khoản và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện nay có phần tương đồng với giai đoạn đầu quý IV/2022. Tuy nhiên, VDSC đánh giá dòng tiền còn tập trung ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, do đó, VN-Index chưa thực sự bứt phá về mặt điểm số.

PMI tháng 5 của Việt Nam tiếp tục ở dưới mốc 50 điểm.
PMI tháng 5 của Việt Nam tiếp tục ở dưới mốc 50 điểm.

Có thể thấy Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã và đang sử dụng gần như tất cả các công cụ của mình để hỗ trợ môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

“Hiện tại, bối cảnh vĩ mô liên quan tới lạm phát, lãi suất và tỉ giá vẫn đang khá lành mạnh. Tuy nhiên, các động lực cho tăng trưởng kinh tế vẫn còn tương đối yếu và chưa ghi nhận biến chuyển tích cực nào rõ rệt”, VDSC đánh giá. 

 

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm đạt 262,5 tỉ USD và giảm 14,7 % so với cùng kỳ, trong khi PMI tháng 5 của Việt Nam tiếp tục ở dưới mốc 50 điểm, cho thấy triển vọng đơn đặt hàng xuất khẩu mới vẫn còn khá ảm đạm. 

Trong khi đó, cầu tín dụng vẫn còn tương đối yếu: tăng trưởng tín dụng còn khá chậm trong tháng 2 tháng gần nhất và thanh khoản thị trường 2 vẫn dư thừa khi lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm. 

VDSC cho rằng nguyên nhân chính là do thực trạng thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cũng như các hoạt động sản xuất, thương mại còn khá ảm đạm, kéo theo thu nhập người dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, phía ngân hàng dường như cũng đang thận trọng hơn trong việc cho vay lo ngại rủi ro nợ xấu (tăng nhanh trong 2 đến 3 quý gần đây, tỉ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) giảm nhanh), trong bối cảnh tổng huy động thấp hơn tổng tín dụng. 

“Thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để nói rằng nền tăng trưởng kinh tế đã đi qua vùng trũng. Chúng tôi cho rằng thị trường nhiều khả năng tiếp tục xu hướng chính là đi ngang đến khi các tín hiệu rõ ràng hơn cho thấy (1) sự “hấp thụ” của những chính sách hỗ trợ lên nền kinh tế như thị trường bất động sản, trái phiếu được cải thiện, kéo theo tăng trưởng tín dụng và (2) bức tranh lạm phát thế giới dần hạ nhiệt, cùng sự phục hồi của sức mua và dòng thương mại của Việt Nam”, VDSC đánh giá. 

Có thể bạn quan tâm 

74,7% các nhà giao dịch dự đoán FED không tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 6


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày