Kinh Doanh

Doping iPhone 16 cho bán lẻ

Tuệ Lâm Thứ Ba | 26/11/2024 14:00

Bất chấp việc vẫn đối mặt với một số thách thức mang tính hệ thống, bức tranh tổng thể của ngành bán lẻ được dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong những tháng tiếp theo. Ảnh: TL

Bán lẻ, điện máy và hàng cá nhân - gia dụng đang là những “nhà vô địch” về tăng trưởng lợi nhuận.
Bất chấp việc vẫn đối mặt với một số thách thức mang tính hệ thống, bức tranh tổng thể của ngành bán lẻ được dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong những tháng tiếp theo. Ảnh: TL

Tín đồ của iPhone tại Việt Nam khiến cả thị trường thế giới phải thán phục khi ước tính tiêu thụ khoảng 130.000-150.000 chiếc iPhone trong tháng đầu ra mắt, tương đương doanh thu 4.500-5.000 tỉ đồng. Con số này khá ấn tượng khi nhu cầu mua sắm thiết bị điện tử vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, cũng đồng thời mang lại một quý kinh doanh bùng nổ cho các nhà bán lẻ.

Theo báo cáo mới đây của VNDIRECT, lợi nhuận ngành bán lẻ đã tăng mạnh trong quý III/2024 với mức tăng 142% so với cùng kỳ, dẫn đầu là Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG). Trong quý, MWG ghi nhận doanh thu thuần tăng 12,7% so với cùng kỳ, đạt 34.146 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tăng lần lượt 11,1% và 6,3% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu tích cực từ mảng điện thoại di động và doanh thu từ dòng sản phẩm máy giặt tăng trong điều kiện mùa mưa kéo dài. 

Ban lãnh đạo Công ty cũng chia sẻ, doanh số bán iPhone trong tháng 9 đã tăng 50% so với tháng trước sau vài ngày ra mắt iPhone 16. Bên cạnh đó, MWG đã đóng cửa 142 cửa hàng Thế Giới Di Động và 256 cửa hàng Điện Máy Xanh so với quý III/2023, dẫn đến mức tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng lần lượt là 26,6% và 19,1% so với cùng kỳ. Nhờ đó, lợi nhuận ròng quý III/2024 của MWG tăng 20,5 lần so với cùng kỳ, đạt 800 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của MWG đạt 99.767 tỉ đồng, tăng 15%; lợi nhuận sau thuế đạt 2.881 tỉ đồng, gấp hơn 37 lần so với nền thấp cùng kỳ năm 2023.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành bán lẻ là FPT Retail (mã FRT) cũng chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến nhờ “át chủ bài” chuỗi nhà thuốc Long Châu. Trong quý III, doanh thu của FPT Retail đạt 10.376 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp tăng 38% lên 1.890 tỉ đồng nhờ tiết giảm giá vốn. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Công ty đạt doanh số 28.657 tỉ đồng, tăng 24%. Cơ cấu doanh thu cho thấy Long Châu chiếm tỉ trọng lớn với 18.000 tỉ đồng, đóng góp 62% vào doanh thu của Tập đoàn. Trong khi đó, chuỗi FPT Shop mang về hơn 10.900 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Theo xu hướng chung của ngành bán lẻ nhằm tái cấu trúc hệ thống và cải thiện hiệu quả kinh doanh, FPT Retail đã đóng cửa 118 cửa hàng kém hiệu quả, hiện còn 637 điểm bán. 

Bà Nguyễn Đỗ Quyên, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành FPT Retail, nhấn mạnh đến bí quyết thành công của chuỗi Long Châu thông qua ứng dụng A.I (trí tuệ nhân tạo) vào các nhà thuốc. Chẳng hạn, với độ nhận diện chính xác lên đến 98%, A.I hỗ trợ người dùng thiết lập lịch uống thuốc và nhắc nhở theo liệu trình điều trị, góp phần giúp bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị một cách hiệu quả và thuận tiện hơn.

Thương hiệu lớn của ngành phân phối các sản phẩm điện máy là Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã DGW) ghi nhận doanh thu quý III tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 6.226 tỉ đồng, cao hơn 24,3% so với quý II; lợi nhuận gộp đạt 112 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ mảng điện thoại di động tăng tới 25,7% so với cùng kỳ, đạt 2.230 tỉ đồng. “Lượng iPhone 16 về nhiều hơn so với iPhone 15 trước đây nên quý này doanh số tốt hơn cùng kỳ”, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Digiworld, chia sẻ. Bên cạnh đó, khi hoạt động bán sản phẩm dần ổn định, khâu vận hành sẽ tinh gọn hơn, giúp Digiworld tối ưu hóa hoạt động và giảm áp lực chi phí. 

Chủ tịch Digiworld cũng cho rằng, thị trường tiêu dùng đã tạo đáy vào 2 quý đầu năm nay và đang có tín hiệu phục hồi trong nửa sau của năm, dù chưa phải mạnh mẽ. Digiworld hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành 100% mục tiêu đề ra, thậm chí có thể vượt kế hoạch năm 2024. Ông Việt kỳ vọng, nhu cầu sẽ tiếp tục đà khởi sắc khi bước sang năm 2025.

Bất chấp việc vẫn đối mặt với một số thách thức mang tính hệ thống, bức tranh tổng thể của ngành bán lẻ được dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong những tháng tiếp theo, trên cơ sở ổn định và triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, cũng như xu hướng nhộn nhịp hơn trong thời gian cao điểm cuối năm của thị trường này. 

Sau các khó khăn liên tiếp phủ màu ảm đạm lên ngành bán lẻ trong những năm qua, thị trường cũng thanh lọc không ít doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh, để lại dư địa cho những doanh nghiệp thực sự vững vàng vươn lên giành thị phần. 

MWG hiện vẫn chưa có kế hoạch mở rộng trở lại chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sau giai đoạn mạnh tay đóng cửa một loạt cửa hàng trong chiến lược tái cơ cấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MWG, vẫn tự tin về triển vọng của 2 chuỗi điện máy lớn với lợi thế về thị phần cũng như chất lượng dịch vụ được nâng cao, thu hút nhiều khách hàng mới. “Nếu thị trường ổn định vào năm tới, MWG sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và không rơi vào tình trạng bão hòa như một số lo ngại”, ông Tài cho biết. Bên cạnh đó, Bách Hóa Xanh đã tìm được công thức mở mới hiệu quả và dự kiến trong năm 2025 sẽ khai trương 100-200 cửa hàng.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày