Kinh Doanh

Gạo Việt thời "giảm lượng, tăng chất"

Viết Nguyên Thứ Bảy | 10/03/2018 08:30

Trung An, một trong những công ty xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, vừa trải qua một năm 2017 kinh doanh khấm khá.

Doanh thu của hãng này đạt hơn 1.400 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chiếm hơn 82% tổng doanh thu, đạt 51 triệu USD. Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An, con số này đã tăng gấp đôi so với năm 2016. Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Indonesia, Philippines… vẫn là những thị trường chính. Ngoài ra, Trung An còn xuất khẩu gạo sang các nước châu Âu, châu Phi.

Lý giải về hoạt động kinh doanh khả quan, ông Bình cho biết, thị trường xuất khẩu gạo năm qua đã có những thay đổi theo chiều có lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thế giới năm 2017 tiêu thụ gạo ở mức cao kỷ lục, lên tới 43,2 triệu tấn. Sang năm 2018, USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu có thể đạt tăng trưởng ở mức 1%. Nếu đúng theo kịch bản của USDA, đây sẽ là lượng giao dịch cao thứ 3 trong lịch sử thương mại gạo thế giới và là năm thứ 2 liên tiếp đạt tăng trưởng dương.

Indonesia và Philippines dự báo sẽ là hai thị trường tiêu thụ lớn, vì dự trữ gạo của các quốc gia này đã ở mức thấp. Còn Bangladesh do thiệt hại từ lũ lụt dự kiến sẽ tiếp tục nhập khẩu nhiều gạo. Châu Phi, Trung Quốc đều ước tính sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo.

Đi vào gạo ngon

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, ông Bình khẳng định, đóng góp chính cho tăng trưởng mạnh ở Trung An vẫn là do Công ty triển khai được chiến lược xuất khẩu bền vững. Trong đó, Trung An đã phát triển được vùng nguyên liệu khoảng 8.000ha, chuyên trồng các giống lúa thơm, ngon như Jasmine, Lài Sữa, Hương Lài, Đài Thơm..., đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu. Theo chia sẻ của ông Bình, tính chung, khoảng 70% gạo ở Trung An là cao cấp. Ngoài ra, Công ty còn dành một phần thử nghiệm trồng gạo hữu cơ.

Gạo hữu cơ là con đường ngách mà Công ty Viễn Phú đã chọn đi. Theo ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú, ở ngách nhỏ này, nguồn cung thường không đủ đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, vì sản phẩm hữu cơ đòi hỏi đầu tư lớn nên không phải ai cũng có thể dấn bước. Chẳng hạn, để có được các chứng nhận của USDA và EU, cho sản phẩm lúa gạo rộng đường vào Mỹ, EU, Đức…, Viễn Phú phải thỏa mãn các tiêu chí ngặt nghèo và mất 1-2 năm để có được chứng nhận. Hay để có những giống lúa tốt, không chỉ cung cấp lương thực mà còn tốt cho sức khỏe, ông Võ Minh Khải đã đi nhiều nơi, nghiên cứu tìm hiểu như gạo hữu cơ của Viễn Phú có tính giải độc cơ thể.

Viễn Phú phải tự lập vùng trồng riêng chứ không liên kết với nông dân, để kiểm soát vùng trồng trọt và đảm bảo chất lượng đồng nhất. Ngoài ra, trên 317ha hiện nay, mỗi năm Viễn Phú chỉ trồng 2 vụ. Ông Khải cho biết thêm, trong mảng gạo hữu cơ, các công ty chỉ có thể duy trì tăng trưởng ổn định chứ khó đột biến. Nhưng bù lại, gạo hữu cơ cho giá trị gia tăng cao, với giá bán 2.000-4.000 USD/tấn, tức cao khoảng 4-8 lần so với giá gạo xuất khẩu chung. Các doanh nghiệp tham gia cũng sẽ không lo ngại vấn đề đầu ra thị trường. Điểm đặc biệt là với dòng sản phẩm gạo hữu cơ, các công ty có thể đi ra thế giới với thương hiệu riêng. Hiện nay, thương hiệu xuất khẩu của Viễn Phú là Hoa Sữa (HoaSuaFoods).

Đối với các công ty xuất khẩu gạo ở phân khúc phổ thông hơn, gạo xuất đi khó mang thương hiệu riêng. Theo chia sẻ của ông Phạm Thái Bình, các nhà nhập khẩu vẫn chưa đánh giá cao thương hiệu gạo từ Việt Nam. Ông Bình kể, một đối tác ở Malaysia sẵn sàng trả tiền cao hơn 100 USD/tấn để mua gạo của Trung An nhưng lại không chấp nhận in tên Trung An vào bao bì. Một số nước như Trung Quốc chỉ cho phép tên của đơn vị cung cấp gạo xuất hiện ở dòng chữ nhà sản xuất.

Dù vậy, hễ sản xuất gạo đạt chất lượng yêu cầu, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để tạo dựng uy tín, vị thế, có được đầu ra tốt và có thể đàm phán, giữ giá trước các yêu cầu hạ giá từ nhà nhập khẩu. Theo quan sát của ông Bình, những công ty Việt Nam có khả năng này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trung An đang không ngừng đầu tư, mở rộng hoạt động. Năm 2018 và những năm sau, Trung An dự kiến sẽ mở rộng diện tích thêm 30-40%, hướng tới quy mô 21.000ha. Ở những nơi này, Trung An sẽ xây dựng các cơ sở xay xát, chế biến, đóng gói… Ngoài vùng trồng lúa ở Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Công ty sẽ mở rộng diện tích ra các vùng miền khác như mở rộng 3.000ha lúa ở Đồng Tháp.

Tăng tỉ trọng xuất khẩu gạo cao cấp

Những thành công của các công ty xuất khẩu gạo càng củng cố cho chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo sắp tới của Việt Nam. Đó là tập trung và nâng tỉ trọng gạo cao cấp trong xuất khẩu gạo cho Việt Nam. Cụ thể, đến năm 2020 Nhà nước đặt mục tiêu xuất khẩu gạo trắng cao cấp chiếm 25% giá trị xuất khẩu, gạo thơm, đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 30%, gạo nếp 20% và sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao, phụ phẩm khác khoảng 5%. Còn gạo cấp thấp và trung bình phải thấp hơn 20%.

Gao Viet thoi
 

Chiến lược là thế, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thừa nhận, xuất khẩu gạo cao cấp chưa nhận được nhiều hậu thuẫn từ Nhà nước. Chẳng hạn, Viễn Phú vẫn phải tự tính toán lấy nguồn vốn. Có thời điểm, Viễn Phú từng rơi vào khó khăn đến mức tính chuyển nhượng đất đai vì thiếu vốn. May cho Công ty là tìm được đối tác tham gia rót vốn đầu tư.

Đối với câu chuyện Nghị định 109, liên quan đến quy định chỉ 100 thương nhân được xuất khẩu gạo, đến các điều kiện cần có nếu muốn tham gia xuất khẩu gạo, đến vai trò của Hiệp Hội Lương thực Việt Nam (VFA), dù Thủ tướng đã có yêu cầu sửa đổi và phía Bộ Công thương cũng nhìn nhận là nên sửa đổi, theo hướng cởi trói, không bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có nhà kho, cơ sở xây xát, chế biến..., cho doanh nghiệp được tự do tự chủ tham gia xuất khẩu gạo, nhưng đến nay, mọi chuyện mới chỉ dừng ở bản thảo.

Ở góc độ vĩ mô hơn, theo một đại diện trong ngành, Việt Nam vẫn thiếu các hoạt động xây dựng thương hiệu gạo tầm quốc gia. Điều này ít nhiều gây bất lợi cho các công ty muốn phát triển thương hiệu riêng. Trong khi đó, các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia… liên tục tổ chức các hoạt động, tìm mọi cách để quảng bá thương hiệu gạo. Ở Campuchia, trong một cuộc thi sắc đẹp, Hoa hậu đăng quang được tặng... một bao gạo, như một cách “tranh thủ” tạo sự chú ý.

Trong vấn đề cạnh tranh, ông Phạm Thái Bình thừa nhận, doanh nghiệp Việt Nam thiếu tính gắn kết. Vì thế, trên thị trường xuất khẩu gạo thường xuyên xuất hiện tình trạng phá giá, giành giựt hợp đồng của nhau. Đó là chưa kể một số công ty kinh doanh không đẹp, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín chung.

Với quá nhiều thách thức, làm sao để ngành gạo Việt Nam chớp lấy thời cơ trong một thị trường tiêu thụ gạo gia tăng vẫn còn là ẩn số. Năm 2017, dù nhu cầu gạo trên thế giới tăng thêm gần 6 triệu tấn nhưng từ con số thống kê, Việt Nam chỉ mới tận dụng được 18,8% cơ hội do thị trường thế giới mang lại. Đặc biệt trong khu vực châu Phi - Trung Đông, nơi có tiêu thụ gạo tăng thêm cao nhất toàn cầu, tăng khoảng 15,5%, Việt Nam gần như đứng ngoài cuộc chơi khi chỉ tăng được 3-4% lượng bán gạo vào đây. Điều này trái ngược với Thái Lan, khi tăng tới 34,1%


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày