Kinh Doanh

Giá cả hàng hóa lặng sóng, giới đầu tư lo lắng

Thứ Ba | 30/05/2017 13:11

Giới thương nhân, vốn là những người kiếm lời dựa trên sự chênh lệch giá, không thích điều này.

Trong vòng gần 10 năm trở lại đây, thị trường hàng hóa toàn cầu đã có nhiều "cơn sóng" lớn, đem lại niềm vui lẫn nỗi buồn cho không ít nhà đầu tư.

Đó là thời điểm trước Giáng sinh năm 2008, khi giá dầu thô WTI tương lai đã tăng mạnh gần 18% chỉ trong một ngày. Gần đây nhất, vào tháng 11 năm ngoái, giá hợp đồng WTI chứng kiến mức tăng 9,3% sau khi OPEC thông báo cắt giảm sản lượng.

Trong tháng 6/2014, giá đậu nành giảm 19% trong một phiên; ba tháng sau đó, giá đường nhảy vọt 14%.

Những đợt biến động đó xem ra chỉ còn là dĩ vãng, ít nhất là vào thời điểm này. Chỉ số Bloomberg Commodity Index, chuyên đo lường độ biến động giá cả hàng hóa trong 90 ngày, đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014 do sự sụt giá năng lượng, nông sản và kim loại quý. Độ biến động của giá vàng giao ngay hiện đang ở mức thấp nhất chưa từng thấy trong thế kỷ 21.

Gia ca hang hoa lang song, gioi dau tu lo lang
Chỉ số biến động giá cả hàng hóa trong 90 ngày của Bloomberg đang ở mức thấp nhất kê từ năm 2014. Nguồn: Bloomberg

Có nhiều lý do lý giải điều này. Lượng thông tin đầy đủ về tình trạng cung cầu, cũng như một loạt công cụ sẵn có để tiến hành các hoạt động đầu tư, đồng nghĩa rằng ngày nay sẽ có ít bất ngờ xảy ra hơn.

Trước khi trùm hàng hóa Marc Rich thành lập nên tập đoàn giao dịch khổng lồ mà ngày nay được biết đến với tên gọi Glencore, một trong những thành công lớn nhất của ông đến từ việc nghiên cứu thị trường thủy ngân, vốn là mảng mà ít người biết hay quan tâm tới khi đó.

Gia ca hang hoa lang song, gioi dau tu lo lang
Biến động giá vàng thường hiếm khi ở mức thấp như hiện nay. Nguồn: Bloomberg

Ngày nay, không như Marc Rich phải cất công đi điều tra tìm hiểu, một giao dịch viên thông thường cũng có thể dễ dàng kiểm tra dự báo thời tiết của Mato Grosso, một trong những bang sản xuất đậu nành lớn nhất Brazil, từ đó đưa ra quyết định đầu tư hay thoái vốn khỏi quỹ ETF trong lĩnh vực đậu nành, tất cả chỉ bằng điện thoại di động. Còn các nhà đầu tư khác có thể nghiên cứu hướng đi của các quỹ đầu tư để dự đoán sự dịch chuyển của thị trường.

"Mọi thứ đều minh bạch, mọi người đều nắm thông tin và có quyền tiếp cận chúng", Daniel Jaeggi, chủ tịch tập đoàn giao dịch dầu khí Mercuria Energy Group, nói.

Các yếu tố cơ bản cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng ít biến động giá. Đợt biến động giá hàng hóa mạnh mẽ nhất trong thế kỷ này là trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi nhu cầu hàng hóa quá lớn từ Trung Quốc đã tác động vào các thị trường thiếu cung, khiến giá tăng vọt. Song đến năm 2015, điều ngược lại đã xảy ra khi mức tiêu thụ của Trung Quốc sụt giảm, trong khi các nhà sản xuất xoay sở để trả khối nợ mà họ đã vay để gia tăng sản lượng những năm trước đó.

Giờ đây, chúng ta đang tiến gần hơn đến cái gọi là "nền kinh tế Goldilocks". Goldilocks là một cô bé trong truyện cổ tích vốn có tính cách kiêu căng, thô lỗ. Sau khi lẻn vào nhà ba chú gấu và gây rắc rối cho họ, cô đã nhận được sự tha thứ của họ, từ đó thay đổi và trở nên dịu dàng hơn. Một nền kinh tế Goldilocks là nơi "đàn gấu" (bear market - thị trường giá xuống) không gây rắc rối, và mọi thứ diễn ra ổn thỏa: tăng trưởng vừa phải, lạm phát thấp, không quá nguội cũng không quá nóng.

Như những gì mà chuyên gia Liam Denning của Gadfly viết vào tuần trước, chúng ta đang có nguồn cung dồi dào cả trong thị trường nông sản lẫn năng lượng, và sự phát triển của ngành dầu đá phiến Mỹ nói riêng đã làm cho thị trường có thể nhanh chóng phản ánh những cú sốc về nguồn cung vào giá cả, khiến cho giá mau chóng được cân bằng.

Đó có thể là tin tốt cho những người mua hàng hóa, những người thường không thích giá cả biến động quá nhiều. Tuy nhiên, đó lại là điều đáng sợ đối với giới thương nhân, vì họ kiếm lời dựa trên sự chênh lệch giá.

Đây cũng là lý do mà các nhà kinh doanh dầu như Vitol (Thụy Sĩ) và Trafigura Beheer (Singapore) đang trông chờ vào các khoản đầu tư vào những hoạt động kinh doanh ở thượng nguồn và hạ nguồn để có thể kiếm lời, ngay cả khi thị trường trầm lắng như hiện nay. Độ biến động đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, đó là nhận định đầu tháng này của Christopher Bake, thành viên ban điều hành của Vitol.

Nó cũng giải thích vì sao công ty giao dịch Glencore đang tiếp cận việc mua lại nhà kinh doanh ngũ cốc Bunge vào tuần trước, cho thấy Glencore đang tiếp tục chuyển đổi từ một nhà giao dịch sang nhà sản xuất hàng hóa tích hợp.

Những giai đoạn chuyển giao như thế này thường gây khó cho giới thương nhân, nhưng trong cái rủi thường có cái may. Như những lần thị trường hàng hóa trầm lắng trước đây, các biến động mạnh mẽ thường xuất hiện ở hồi kết.

Trường Văn

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày