Giao dịch cà phê robusta trên sàn Singapore

Theo ông Jeremy Ang, Giám đốc Điều hành Sàn Giao dịch Hàng hóa Singapore SICOM, Đông Nam Á đã trở thành nơi sản xuất và nhập khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Sàn giao dịch cà phê của SICOM hướng đến mục tiêu trở thành thương hiệu có vai trò quan trọng trong việc thiết lập tiêu chuẩn đánh giá cà phê Robusta tại châu Á.
Giao dịch cà phê Robusta trên SICOM sẽ được thực hiện theo hợp đồng tương lai. Có mặt tại buổi ra mắt sàn, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV, nhận định: “Hợp đồng tương lai sẽ là công cụ quản lý rủi ro hiệu quả cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã là nhà môi giới trên sàn London và NewYork từ năm 2006. Thêm SICOM ở Singapore, sẽ có thêm lựa chọn mới và có tác động tốt cho nhà sản xuất xuất khẩu cà phê Việt Nam”.
Thời gian giao dịch là 10h-12h và 16h-23h hằng ngày, biên độ dao động giá là 10% so với giá đã được chốt vào ngày trước đó. Quy mô thực hiện cho 1 lô là 5 tấn (riêng giao dịch thỏa thuận ít nhất là 80 lô/giao dịch). Hiện đã có 3 ngân hàng của Việt Nam gồm Maritime Bank, Techcombank và BIDV là thành viên giao dịch trên SICOM.
Có 2 điểm mà theo ông Quỳnh là doanh nghiệp cà phê Việt được hưởng lợi từ việc giao dịch tại SICOM. Thứ nhất là múi giờ chênh nhau không nhiều nên thời gian giao nhận hàng bảo đảm hơn. Thứ hai là chất lượng cà phê tuân theo chuẩn châu Á sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp Việt.
Bên cạnh đó, ông Ang đưa ra thêm một số điểm: Phản ánh đúng mức giá của châu Á; doanh nghiệp có thể giao hàng thực tế tại kho của SICOM ở TP.HCM. Nếu hàng hóa gặp lỗi hoặc bị trả về, doanh nghiệp sẽ xử lý và ứng phó nhanh hơn so với khi giao hàng tại các nước châu Âu. Lợi thế thứ 2 dẫn đến lợi thế thứ 3 là giảm chi phí lưu kho và vận chuyển cho doanh nghiệp.
SICOM cũng dẫn nguồn từ Tổ chức Cà phê Quốc tế cho thấy, trong 10 quốc gia sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 2, sau Brazil. Năm 2009, Brazil sản xuất được 39.470.000 túi cà phê 60 kg, chiếm 32% thị phần thế giới. Việt Nam sản xuất được 18.000.000 túi 60 kg và chiếm 14,6% thị phần. Brazil lợi thế hơn bởi họ chuyên sản xuất cà phê Arabica, sản phẩm được thị trường phương Tây ưa chuộng và có giá đắt từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với giá cà phê Robusta.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư