Họp báo Quốc tế: Các hợp đồng dầu khí ở Biển Đông vẫn tiếp tục
18h05: Phần hỏi đápVietnamnet: Trung Quốc đang tiến hành xây dựng một số công trình kiên cố trên quần đảo Trường Sa. Xin ông cho biết quan điểm?
Ông Lê Hải Bình: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thời gian qua, Trung Quốc có xây dựng một số công trình trái phép trên đảo Gạc Ma và một số đảo khác mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động trái phép trên.
Hãng tin AP: Ông Thập nói có 61/100 hợp đồng dầu khí còn có hiệu lực. Các nhà đầu tư có bày tỏ lo ngại trước tình hình này không? Ông Dương Khiết Trì tuần này có đến Việt Nam, chủ đề cuộc họp này là gì, có nhắc tới vấn đề biển Đông hay không?
Ông Nguyễn Quốc Thập: Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, các công ty dầu khí lớn của Mỹ, Nga, Ấn Độ, Canada đều thể hiện sự chia sẻ và ủng hộ lập trường, tuyên bố của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chính phủ Việt Nam. Họ khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết đã ghi trong hợp đồng ký kết. Chúng tôi cũng đang triển khai các kế hoạch khai thác dầu khí tích cực nhất, hiệu quả nhất.
Ông Lê Hải Bình: Trong các chủ đề sẽ được thảo luận, tôi tin rằng vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép chắc chắn sẽ được bàn đến. Việt Nam luôn tìm mọi kênh thông tin để giải quyết vấn đề. Do đó, cuộc gặp này chắc chắn sẽ là cơ hội để 2 bên giải quyết vấn đề.
Hãng truyền hình Nhật Bản: Phía Trung Quốc đưa ra những hình ảnh, clip cho rằng Việt Nam đâm tàu vào Trung Quốc, ông đã xem các hình ảnh đó chưa? Có hay không thông tin Việt Nam đưa người nhái, các vật thể lạ ngăn cản tàu Trung Quốc?
Ông Ngô Ngọc Thu: Tôi chưa được xem clip Trung Quốc đưa ra trong buổi họp báo của Trung Quốc. Trong buổi đó, Trung Quốc có đưa ra thông tin tàu Việt Nam đâm 1547 lần, đó là thông tin sai sự thật. Chỉ có các tàu Trung Quốc chủ động đâm va, sử dụng vòi phun nước để chế áp tàu pháp chế của Việt Nam. Các hình ảnh mô tả hỏng tàu phía Trung Quốc là sai sự thật. Thông tin người nhái, vật nổi gây ảnh hưởng đến hoạt động của Trung Quốc là sai, chúng tôi xin bác bỏ. Một số vật trôi nổi là lưới của ngư dân Việt Nam đánh bắt, bị tàu Trung Quốc bao vây, áp đảo nên phải bỏ chạy. Phía Trung Quốc vớt về, nói là vật cản. Một số vật khác như thùng phuy, đoạn gỗ đều là bị vòi rồng của Trung Quốc phun, bay xuống nước.
Báo Người Lao động Tp. HCM: Những bằng chứng của Việt Nam về chủ quyền ở Hoàng Sa từ thế kỷ XVII có giúp Việt Nam đòi chủ quyền được không?
Ông Trần Duy Hải: Các văn bản, chứng cứ lịch sử từ thời phong kiến là những tài liệu có tính pháp lý, có tính xác lập chủ quyền.
17h55: Ông Hà Lê trình bày thêm về tình hình thực địa. Theo ông Lê, các tàu Trung Quốc chủ động tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam, sử dụng các phương thức tạo cớ như chặn đuôi, cắt mặt hoặc lùi lại để tạo cớ đâm vào tàu Việt Nam, gây bằng chứng giả.
Đến thời điểm này, đã có 15 kiểm ngư lâm bị thương, 23 tàu kiểm ngư bị va đâm, hàng trăm lần tàu cá Việt Nam bị xua đuổi, đâm va trên vùng biển khai thác hợp pháp.
17h30: Ông Ngô Ngọc Thu thông báo về tình hình thực địa trên biển.
Theo ông Thu, ngày 15/6 Trung Quốc sử dụng 110 tàu bảo vệ Giàn khoan, trong đó có 6 tàu chiến. Cụ thể có 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu tên lửa tấn công nhanh, 2 tàu mìn, 34 tàu hải cảng, 18 tàu kéo, 14 tàu vận tải, 33 tàu cá các loại… Trong đó có 2 lần máy bay bay quanh Giàn khoan với độ cao từ 300 – 500 m.
Sáng 15/6, Trung Quốc sử dụng 16 tàu, gồm tàu hải cảnh, 2 tàu kéo tiến hành ngăn cản tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, ở khu vực cách giàn khoàn từ 8,2 – 10 hải lý.
Trung Quốc sử dụng các nhóm tàu từ 10 – 15 chiếc áp sát tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, ngăn cản tàu thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp cận giàn khoan. Trung Quốc sử dụng máy phát tần số âm tần, vòi phun nước, đèn pha… gây ảnh hưởng đến thuyền viên Việt Nam.
Lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn tiếp tục bám hiện trường, tiến hành đấu tranh với tàu Trung Quốc. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam không sử dụng “người nhái” tại hiện trường. Các lực lượng đều hết sức kiềm chế, tránh đâm va vào các tàu Trung Quốc, chỉ vác loa tuyên truyền Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam. Việt Nam duy trì không sử dụng vũ lực, không đe dọa sử dụng vũ lực – đó là phương châm nhất quán của Việt Nam.
17h25: Ông Nguyễn Quốc Thập trình bày phản bác một số nội dung sai trái do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra.
Ông Thập đưa ra 2 nội dung: hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam phản đối những hành động thăm dò, khai thác dầu khí trái phép của Trung Quốc trên vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đã ký kết hơn 100 hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí, trong đó 61 hợp đồng đang triển khai. Các hoạt động dầu khí nói trên đều hợp pháp, diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hoàn toàn tuân thủ công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển.
Việt Nam đã tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc với các cấp của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc vu cáo, bóp mép sự thật, đưa ra nhiều bằng chứng sai sự thật. Việt Nam đã mời nhiều nhà báo trong nước và quốc tế ra hiện trường, chứng kiến tận mắt, tìm hiểu sự thật và đưa tin. |
Trong thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện khai thác hợp pháp diễn ra trong nhiều năm qua.
Về việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối, khẳng định sự phi lý của Trung Quốc trên vùng biển trái phép mà Trung Quốc coi là “đường lưỡi bò”. Yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Hải Dương của Trung Quốc rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chấm dứt các hành động trái phép trong tương lai.
17h05: Ông Trần Duy Hải có bài phát biểu phản bác các luận điểm thiếu căn cứ của Trung Quốc.
Thứ nhất là Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế bằng việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm của Trung Quốc.
Từ năm 2005, Trung Quốc đã có nhiều lần thăm dò địa chất, tái diễn các hành động vi phạm tại Việt Nam.
Trung Quốc nhiều lần cáo buộc tàu Việt Nam đâm va vào tàu Trung Quốc. Nhưng sự thật như thế nào thì nhiều nhà báo và nhân dân đã rõ.
Việt Nam bác bỏ các yêu sách đối với cái gọi là Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc. Trung Quốc đưa ra các tư liệu lịch sử nhưng đều là tư liệu cá nhân, không nhất quán. Các tài liệu này ngắt quãng, không đủ tính pháp lý, không hợp quy định của quốc tế.
Trong khi đó, Việt Nam đã công khai nhiều tư liệu từ thời phong kiến, ít nhất từ thời Nguyễn đã có nhiều hoạt động qua lại Hoàng Sa.
Các hội nghị quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ 2 cũng không giao Hoàng Sa cho Trung Quốc. Trung Quốc đã vi phạm các nguyên tắc chống đe dọa vũ lực, nhiều lần đưa quân chiếm đóng các đảo của Hoàng Sa.
Năm 1956, Trung Quốc xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã bác bỏ.
Năm 1959, Trung Quốc muốn chiếm đảo phía Tây nhưng không thành.
Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ Hoàng Sa. Hành vi này vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết bác bỏ mọi xuyên tạc của Trung Quốc về công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Tháng 9/1975, ông Đặng Tiểu Bình thừa nhận 2 nước có ý kiến khác nhau về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nên giải quyết sau. Việt Nam tôn trọng ý kiến đó.
17h00: Chiều 16/6, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo Quốc tế về tình hình Biển Đông giữa lúc Trung Quốc có nhiều hành động leo thang.
Tham dự buổi họp có ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; ông Nguyễn Quốc Thập, Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Cảnh sát biển; ông Hà Lê, Phó Cục trưởng cục Kiểm ngư; ông Lê Hải Bình, Vụ trưởng Vụ Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
Mở đầu cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, trong thời gian qua, Trung Quốc tiếp tục duy trì giàn khoan trái phép Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981), có nhiều hành động hung hăng, ngang ngược, đe dọa lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, đâm chìm các tàu cá khai thác trong vùng biển hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn mở rộng, xây dựng công trình trái phép ở Trường Sa. Buổi họp báo phản bác luận điệu sai trái của Trung Quốc, cung cấp các thông tin cần thiết về tình hình biển Đông.
Việt Nam đã nỗ lực và thiện chí giải quyết tình hình hiện nay trên biển Đông, liên lạc với Trung Quốc dưới nhiều hình thức. Việt Nam đã tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc với các cấp của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc vu cáo, bóp mép sự thật, đưa ra nhiều bằng chứng sai sự thật. Việt Nam đã mời nhiều nhà báo trong nước và quốc tế ra hiện trường, chứng kiến tận mắt, tìm hiểu sự thật và đưa tin.
Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp thông qua các luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển.
Nguồn Theo DVO
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư