Kiểm tra hiệu suất năng lượng: Chi phí 149 triệu đồng cho 4 model tủ Cooler!
tietkiemnangluong.com.vn
Hiện nay, kiểm tra hiệu suất năng lượng, loại thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí nhất cho doanh nghiệp.TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo “Thực hiện nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách thủ tục hàng chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”, hôm 13.6.2018, khuyến cáo: “Nên bỏ dán nhãn năng lượng để thay bằng công cụ khác, tốt hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”.
Công cụ không hiệu quả
Thực ra, quá trình thực hiện Nghị quyết 19 từ 2014-2017, Bộ Công thương đã có một số thay đổi, như Thông tư 36/2016/TT-BCT quy định việc dán nhãn năng lượng thực hiện trước khi đưa ra thị trường, thay vì yêu cầu phải dán nhãn trước khi thông quan như trước đây.
Quy định dán nhãn năng lượng bắt buộc cho các thiết bị gia dụng có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2013. Các doanh nghiệp có sản phẩm nằm trong danh mục dán nhãn năng lượng, bắt buộc phải đưa sản phẩm đến các trung tâm kiểm định để thử nghiệm hiệu suất năng lượng. Nhưng đây mới chỉ là khâu đầu tiên trong quy tình xin lập hồ sơ dán nhãn năng lượng cho sản phẩm của Bộ Công thương.
Quá trình rà soát các cải cách thủ tục hàng chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG), đã phát hiện “kiểm tra hiệu suất năng lượng đang là loại thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí nhất hiện nay”.
Vị chuyên gia của GIG dẫn chứng một doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục nhập khẩu tại TP.HCM, tổng chi phí kiểm tra, chứng nhận hợp quy tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3) là trên 149 triệu đồng cho 4 model tủ Cooler.
Ông Phạm Thanh Bình cho biết, thời gian kiểm tra hiệu suất năng lượng là từ 2 đến 3 tuần. Nhưng, kết quả kiểm tra sản phẩm chỉ được áp dụng cho sản phẩm của doanh nghiệp nhập khẩu. Các doanh nghiệp khác, nếu muốn được áp dụng kết quả này, phải có văn bản ủy quyền của doanh nghiệp đã thưc hiện kiểm tra.
Trong khi đó, Nghị quyết 19 yêu cầu: Thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm tra, dán nhãn hiệu suất năng lượng, bãi bỏ các quy định không có hiệu quả thực tế, kéo dài thời gian thông quan, gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Thay đổi cách tiếp cận
Thực tế, cường độ tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị tăng trưởng GDP, chỉ tiêu duy nhất Bộ Công thương không hoàn thành trong năm 2017, cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất hạn chế, trong khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả được ban hành từ năm 2010.
Ông Lê Việt Cường, Phó Trưởng phòng Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Sở hữu Trí tuệ, Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, nói “chỉ là trường hợp cá biệt” đối với doanh nghiệp GIG dẫn chứng chịu chi phí cao, thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian.
Những chi phí của doanh nghiệp, theo ông Cường “cần được nhìn nhận tổng thể” trong vận hành thủ tục này sẽ tiết kiệm được bao nhiêu năng lượng và năng lượng được xem là một trong những giải pháp thực hiện giảm phát thải cacbon theo cam kết của Việt Nam tại Cop 21 Pari.
Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận, trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam hiện nay, tỷ lệ về hóa thạch rất nhiều. Ông cho biết: “Nếu đơn vị thử nghiệm nào có những hành vi chưa đúng, cứ báo với Bộ Công thương, chúng tôi sẵn sàng có những kiểm tra, đánh giá, xem xét lại”.
Quy định dán nhãn năng lượng, Bộ Công Thương áp dụng sau khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành. TS Cung cho rằng “dán một cái nhãn không có ý nghĩa” và “phải thay đổi vì công cụ này không có hiệu lực”.
Cách tiếp cận phổ biến trong xây dựng và thực thi chính sách công hiện nay là đặt ra mục tiêu quản lý, xem xét tính hiệu quả của công cụ và chi phí thực hiện mục tiêu. “Đến nay, chúng tôi vẫn kiên trì với cách tiếp cận này”, TS Cung cho biết.
Theo Viện trưởng CIEM, tiết kiệm năng lượng phải là một quy trình sản xuất, cả bên cung và bên cầu. Bên cung, là các nhà quản lý, phải có chính sách, đòn bẩy như thế nào để doanh nghiệp và người dân thực sự tiết kiệm được năng lượng. Bên cầu, là người tiêu dùng, sẽ ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, trong đó có chính sách về giá năng lượng.
Trên thực tế, giá năng lượng cũng có thể là đòn bẩy, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng, người đứng đầu CIEM khuyến cáo trong bối cảnh Nghị quyết 19 năm 2018 đang trong quá trình được thực thi.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư