Làm sao để minh bạch hóa trạm thu phí?
truyenthongkhoahoc.vn
Thu phí tự động không dừng được đánh giá là một miếng bánh ngon trong mắt nhiều nhà đầu tư.Sự việc tài xế sử dụng tiền lẻ để phản đối trạm thu phí BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) Cai Lậy (Tiền Giang) dẫn đến việc chủ đầu tư phải “xả trạm” đã khởi nguồn cho một loạt vụ phản đối tương tự tại nhiều trạm thu phí khác. Quy trình thu phí thủ công vốn là một trong những kẽ hở tạo ra sự kém minh bạch tại các dự án BOT nay tiếp tục trở thành nguyên nhân gây ách tắc giao thông. Những rắc rối này khiến một lần nữa mục tiêu áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng (electronic toll collection - ETC) tại các trạm BOT trên toàn quốc được tiếp tục thúc đẩy.
Ứng dụng công nghệ là tất yếu
Được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt cuối năm 2015, Đề án Thu phí tự động không dừng dự kiến sẽ được thực hiện thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 2016-2019, công nghệ ETC sẽ được áp dụng cho 1-2 làn thu phí trên mỗi chiều xe chạy với thanh chắn giữ nguyên. Kể từ năm 2020, công nghệ này sẽ áp dụng trên tất cả các làn xe của các trạm thu phí trên toàn quốc, toàn bộ thanh chắn sẽ được dỡ bỏ. Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright, khẳng định áp dụng ETC là xu hướng tất yếu, khi công nghệ này sẽ giúp giảm chi phí cho xã hội qua việc tiết giảm thời gian xếp hàng chờ thanh toán qua trạm thu phí, tiết kiệm nhiên liệu do xe không cần dừng và giảm khí thải vào môi trường.
Một trong những nơi ở châu Á có hệ thống ETC thành công nhất là Đài Loan. Kể từ khi thẻ eTag được đưa vào sử dụng để thu phí tự động từ cuối năm 2013, Đài Loan đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới hoàn toàn thu phí tự động trên tất cả các trạm cao tốc nhờ hệ thống ETC. Hệ thống ETC sử dụng công nghệ RFID đã giúp cho việc thu phí tự động trở nên khả thi trong khi vẫn cho phép nhiều làn xe di chuyển tốc độ cao trên đường cao tốc. Đồng thời, đây là hệ thống thu phí dựa trên quãng đường di chuyển. Chỉ sau 2 năm áp dụng, tỉ lệ sử dụng hệ thống đã đạt trên 94%, trong khi Nhật phải mất 11 năm để đạt được tỉ lệ này và hệ thống trừ phí đã đạt được độ chính xác 99,9%.
Với mạng lưới ETC bao phủ trên 1.050km đường cao tốc, đây là hệ thống lớn nhất trên thế giới. Thời gian lái xe từ 5-30 phút cho tất cả các phương tiện, dẫn đến tiết kiệm nhiên liệu một cách đáng kể. Kết hợp với việc bỏ vé in, việc áp dụng hệ thống mới, tổng tiết kiệm vào khoảng 66 triệu USD hằng năm.
Với điều kiện địa lý tương đồng giữa Đài Loan với Việt Nam, trục đường bộ Bắc Nam nối liền, có thể thấy mô hình ETC của Đài Loan là đích đến của Việt Nam.
Vẫn còn những rào cản
Hiện nay, trên toàn tuyến quốc lộ cả nước có khoảng 86 trạm thu phí, trong đó 72 trạm thu phí do Bộ Giao thông Vận tải có thẩm quyền ký hợp đồng và 14 trạm thuộc quản lý của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Thu phí tự động không dừng được đánh giá là một miếng bánh ngon trong mắt nhiều nhà đầu tư.
Trong năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo áp dụng công nghệ ETC tại 28 trạm thu phí trên quốc lộ 1 và 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên), nhưng tiến độ bị chậm khoảng 1 năm. Nguyên nhân chính là do lợi ích và một số nhà đầu tư BOT muốn độc quyền. Mặt khác, dù 30.10 là thời hạn chót cho các nhà đầu tư lắp đặt công nghệ thu phí không dừng, nhưng một số nhà đầu tư dự án BOT vẫn chưa áp dụng. Lý do lớn nhất là phải sử dụng công nghệ của một nhà đầu tư.
Chủ nhiệm một hợp tác xã vận tải lớn tại TP.HCM, có kinh doanh tuyến Tây Nguyên (đi qua quốc lộ 1 và quốc lộ 14 - các tuyến thí điểm ETC giai đoạn 1), cho biết chưa sử dụng dịch vụ ETC cho các phương tiện thuộc hợp tác xã. Giải thích cho quyết định này, ông đưa ra 3 lý do: chưa rõ cách thức sử dụng, chưa có nhiều nhà đầu tư để có phí dịch vụ thấp hơn và tâm lý doanh nghiệp thích sử dụng tiền mặt.
Về cơ chế thực hiện, hiện nay người sử dụng phương tiện có 2 sản phẩm ETC để lựa chọn. Đó là sản phẩm OBU (on-board unit) do VietinBank cung cấp và sản phẩm thẻ eTag do liên danh Công ty Cổ phần Tasco - Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thu phí tự động VETC (Tasco - VETC) phát hành.
Ngày 14.12.2015, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt dự án thu phí không dừng áp dụng cho 28 trạm thu phí trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14, trong đó chỉ định Tasco - VETC là chủ đầu tư của dự án theo hình thức BOO. Công nghệ thu phí do VETC sử dụng là công nghệ RFID. Công nghệ này đã được chứng minh có độ chính xác cao, khá phổ biến trên thế giới. Nhiều nước trong khu vực có hạ tầng giao thông phát triển như Malaysia, Indonesia, Philippines đã dừng triển khai các công nghệ cũ (Smart card, OBU, DSRC) để chuyển đổi sang công nghệ RFID. Dự kiến đến hết năm 2017, TASCO - VETC sẽ hoàn tất lắp đặt ETC tại 28 trạm BOT trên cả nước.
VietinBank tham gia thị trường ETC từ năm 2010 nhưng bắt đầu với công nghệ DSRC sử dụng OBU. So với eTag, OBU có một số nhược điểm là giá bán cao hơn, cồng kềnh, không gắn chặt vào một phương tiện và khó tích hợp các dịch vụ khác (đỗ xe, kiểm soát ra vào). Phải đến tháng 6.2017, VietinBank mới tích hợp thành công công nghệ FRID vào hệ thống để cho phép khách hàng sử dụng OBU lẫn thẻ eTag đều có thể đi qua các trạm thu phí có làn ETC.
Dù ra đời sớm hơn nhưng cả nước hiện nay chỉ mới có 14 trạm có lắp đặt làn ETC của VietinBank. Vào tháng 3.2016, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép VietinBank triển khai ETC trên diện rộng, làm tăng tính cạnh tranh và thêm sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ là cả chủ đầu tư BOT và chủ phương tiện tham gia giao thông.
Tuy nhiên, sau đó vào tháng 5.2017, Bộ Giao thông Vận tải đã bác đề xuất của liên doanh VietinBank - Đèo Cả triển khai dịch vụ ETC sử dụng công nghệ FRID. Điều này một mặt đưa thị trường ETC trở về tình trạng độc quyền. Mặt khác, khiến cho các bên sử dụng dịch vụ bối rối khi hiện nay cả 2 hệ thống đều đang được vận hành song song trên toàn quốc.
Đối với người sử dụng dịch vụ vốn chưa am hiểu về công nghệ, lưa chọn nhà cung cấp nào là quyết định khó khăn. Bên cạnh đó, quy trình thanh toán điện tử cũng không phải là điều quen thuộc với nhiều tài xế. Lời giải thích của chủ nhiệm hợp tác xã nói trên là minh chứng cho quan ngại được đưa ra Diễn đàn Thanh toán điện tử - VEPF 2016. Như vậy, bên cạnh công nghệ tốt và sản phẩm có nhiều tiện ích, quy trình thanh toán đơn giản, tiện lợi sẽ là yếu tố quyết định nhà đầu tư nào có thể chiếm lĩnh được thị trường ETC.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, doanh nghiệp kinh doanh ETC có tính chất độc quyền tự nhiên. Tương tự như ngành điện và nước, không tồn tại song song 2 đường dây truyền tải điện hay 2 đường ống nước, chi phí đầu tư ban đầu lớn là một rào cản thâm nhập ngành và sẽ tạo ra lợi thế độc quyền cho các doanh nghiệp đầu tiên thâm nhập thị trường.
Trong trường hợp VETC đã được chọn làm nhà thầu, đã đầu tư công nghệ và cơ sở hạ tầng để gần như hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, thì như phân tích ở trên, rất khó để đòi hỏi thị trường cạnh tranh. Thay vào đó, hành động hợp lý của những người sử dụng dịch vụ là giám sát sự điều tiết về giá dịch vụ của Nhà nước và cam kết của VETC.
Một mặt, tương tự như giá điện, nước, Nhà nước cần tính toán và kiểm soát giá ở mức hợp lý. Mặt khác, việc tiến tới áp dụng thu phí tự động hoàn toàn sẽ lấy đi công ăn việc làm của hàng trăm người đang phục vụ tại những trạm thu phí thủ công và bán thủ công hiện nay. Vì vậy, để các chủ đầu tư BOT toàn tâm bàn giao trạm cho VETC, chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính, thì VETC và các cơ quan liên quan cần cam kết đảm bảo chuyển đổi công việc cho các lao động này.
Hằng Nguyễn
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư