Kinh Doanh

Lợi nhuận cao, ngân hàng thi nhau tăng cổ tức

Việt Dũng Thứ Ba | 25/04/2017 12:30

Ở khối các ngân hàng tư nhân, dù tỉ lệ chia cổ tức cao, nhưng hình thức chia cổ tức chủ yếu vẫn bằng cổ phiếu.

Bức tranh cổ tức mùa đại hội ngân hàng ít nhiều đã có sự thay đổi so với năm ngoái, sau một năm ghi nhận kết quả kinh doanh tốt đẹp.

Cổ tức tăng nhẹ

Hơn 10 năm qua, các cổ đông của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) chưa có cảm giác nhận cổ tức, một cổ đông cho biết trong kỳ đại hội cổ đông thường niên vừa qua của SCB. Hẳn nhiên, dự kiến trong 2 năm tiếp theo thực hiện đề án tái cấu trúc đã được phê duyệt, câu chuyện cũng sẽ tương tự như vậy.

SCB chưa thể chia cổ tức là điều dễ hiểu. Ngân hàng hợp nhất giữa 3 ngân hàng yếu kém trước đây vẫn đang trong quá trình vật lộn với nợ xấu. Trong cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB, cho biết, Ngân hàng đã “phục hồi” được 77% so với những kiến nghị của đoàn thanh tra đưa ra hồi năm 2015.

Giống như SCB, nhiều ngân hàng khác cũng tiếp tục xin “nợ” cổ đông phần cổ tức, như Maritime Bank, hay cả những ông lớn ngân hàng đang gặp trục trặc gần đây là Sacombank và Eximbank. Thậm chí Techcombank năm ngoái ghi nhận lợi nhuận cao hơn nhiều so với 2 năm trước đó, nhưng Hội đồng Quản trị vẫn duy trì quan điểm giữ lại lợi nhuận để mở rộng kinh doanh.

Có thể thấy năm nào cũng có những cổ đông đứng lên đòi quyền lợi được chia cổ tức, hoặc đòi chia bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu. Thực tế từ 3 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát câu chuyện chia cổ tức bằng tiền ở các ngân hàng, buộc những ông chủ nhà băng phải có trách nhiệm trích lập dự phòng đầy đủ các khoản nợ xấu theo quy định rồi mới được phép chia cho cổ đông. Không chỉ những ngân hàng nhỏ, các ngân hàng có quy mô lớn cũng đang trong tình trạng tương tự.

Tuy nhiên, một vài ngân hàng có kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm qua cũng đã tỏ ra “rộng rãi” hơn với cổ đông. VIB, chẳng hạn, dự kiến chia cổ tức với tổng tỉ lệ lên đến 44,6%, có thể bao gồm tiền mặt với tỉ lệ 5% (còn tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước) và số còn lại là cổ phiếu thưởng. Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với con số 25% trong năm trước đó.

Một trường hợp khác là VPBank với tỉ lệ chia cổ tức tăng lên đến gần 31,2% (năm ngoái là 13% bằng cổ phiếu). LienVietPostBank thì điều chỉnh tăng tỉ lệ lợi nhuận từ 8% theo kế hoạch lên 10% (năm ngoái là 4,5%), trong đó 4% trả bằng tiền mặt, còn lại là cổ phiếu.

Tương tự, một vài ngân hàng có quy mô lớn cũng điều chỉnh tỉ lệ chia cổ tức tốt hơn so với kế hoạch đặt ra trong năm như ACB hay Ngân hàng Quân Đội. Tỉ lệ chia cổ tức dù chỉ được điều chỉnh tăng lên một chút so với kế hoạch, nhưng rõ ràng những con số này cũng làm ấm lòng cổ đông vì cho thấy ngân hàng vẫn tiếp tục đi lên chứ không đi xuống.

Loi nhuan cao, ngan hang thi nhau tang co tuc

Trên bình diện chung, lợi nhuận cao đã cho phép một số ngân hàng điều chỉnh tăng mức chia cổ tức, cho dù chủ yếu bằng hình thức cổ phiếu. Lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank tăng gấp 3,2 lần, VPBank tăng 59%, ACB tăng 27%.

Ngược với bức tranh ở trên, khối ngân hàng thương mại nhà nước lại tỏ ra “dè dặt” hơn. Tỉ lệ chi trả cổ tức năm 2016 của Vietcombank là 8% (kế hoạch trước đó là 10%) bằng tiền mặt, cho dù lợi nhuận trước thuế tăng đến 25% và là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai trong hệ thống. Tương tự, VietinBank đưa ra mức trả cổ tức tỉ lệ 7% bằng tiền mặt (tương đương năm trước đó), còn BIDV dự kiến con số 7% (thấp hơn so với kỳ trước là 8,5%) và chưa quyết định hình thức bằng tiền mặt hay cổ phiếu.

Tập trung tăng vốn

Ở khối các ngân hàng tư nhân, dù tỉ lệ chia cổ tức cao, nhưng hình thức chia cổ tức chủ yếu vẫn bằng cổ phiếu. Năm ngoái, VPBank ghi nhận mức lãi kỷ lục nhưng lãnh đạo ngân hàng vẫn đề xuất với cổ đông tiếp tục nhận cổ phiếu thay vì tiền mặt, do Ngân hàng đang cần nguồn vốn lớn để mở rộng kinh doanh trong năm nay. Tương tự, VIB cũng có những kế hoạch lớn cho riêng mình.

Áp lực tăng vốn điều lệ không chỉ đến từ nhu cầu mở rộng kinh doanh, mà còn từ việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới. Ở góc độ này, khối các ngân hàng nhà nước chịu áp lực nặng nề hơn. Vietcombank tuy giảm tỉ lệ chia cổ tức, song cũng cần nói thêm rằng cuối năm ngoái, ngân hàng này tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỉ lệ 35%.

Năm ngoái, VietinBank và BIDV cũng “đấu tranh” để giữ lại tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng không thành công. Năm nay kế hoạch của VietinBank là chia cổ tức bằng tiền mặt, trong khi BIDV vẫn còn để ngỏ khả năng chia bằng cổ phiếu trong tờ trình kế hoạch phân phối lợi nhuận.

Với khối ngân hàng tư nhân, giá cổ phiếu ngân hàng xuống thấp cùng kết quả kinh doanh chậm cải thiện trong bối cảnh xử lý nợ xấu còn dai dẳng khiến cho các nhà đầu tư dễ nản lòng, đặc biệt là ở những ngân hàng nhỏ và chưa niêm yết. Do đó, một điểm thuận lợi đối với các cổ đông trong năm nay là các ngân hàng tư nhân đại chúng đang lên kế hoạch niêm yết trên sàn theo quy định của cơ quan quản lý.

Việc niêm yết trên sàn tạo thanh khoản cho cổ phiếu, giúp ích cho những cổ đông không thể kiên nhẫn thêm với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhưng cũng cần nhắc lại rằng kết quả kinh doanh trong năm nay được các ngân hàng đặt kỳ vọng lớn. Khảo sát của Vụ Dự báo thống kê, thuộc Ngân hàng Nhà nước vào cuối quý I/2017 cho thấy có 90,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ tăng so với năm 2016. VPBank năm nay đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỉ đồng, tăng gần 38%. Thậm chí năm nay Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.020 tỉ đồng, tăng 26%.

Việt Dũng


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày