“Nút thắt” của ngành gỗ
Thị trường Hoa Kỳ, chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam. Ảnh: TL.
Ngành gỗ Việt Nam đang gặp nhiều thách thức từ các chính sách thương mại quốc tế, đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng cường cạnh tranh và thích ứng nhanh.Tại Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý III/2024, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, thị trường đã có những tín hiệu phục hồi tích cực, đặc biệt là đối với một số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng như dăm gỗ, gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ năm 2023.
7 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,36 tỉ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5 % so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu (EU) là những thị trường chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt lần lượt 5,02 tỉ USD; 1,22 tỉ USD và 555 triệu USD.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã phân tích thêm về khó khăn tại các thị trường chính. Thị trường Hoa Kỳ, chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, đã chứng kiến nhiều thay đổi về chính sách thương mại. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại liên tiếp; trong đó, Hoa Kỳ đã tiến hành ba vụ kiện liên quan đến ngành gỗ. Thêm vào đó, với việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, gây áp lực lớn lên chi phí và biên lợi nhuận.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ NN&PTNT. |
Tại thị trường EU, Quy chế Chống mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc sản phẩm và các yếu tố liên quan đến môi trường. Đồng thời, Đức cũng đã áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, yêu cầu các nhà xuất khẩu phải cung cấp thêm nhiều chứng nhận liên quan đến lao động và môi trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thị trường Đông Bắc Á, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng đã áp dụng các biện pháp mới làm tăng chi phí và rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hàn Quốc quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán của Việt Nam, trong khi Nhật Bản đang triển khai hệ thống mua bán tín chỉ carbon, yêu cầu tuân thủ các quy định khắt khe về khí thải đối với các sản phẩm gỗ.
Trước những khó khăn này, ông Lập cho rằng, giải pháp của ngành gỗ Việt Nam hiện tại và trong thời gian tới cần tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên năm trụ cột chính kỹ thuật, công nghệ sản xuất, giảm phát thải, quản trị (chuyển đổi số), xúc tiến thương mại và xây dựng tiêu chuẩn giám sát nội bộ.
Ngành gỗ cũng kiến nghị và phối hợp với các bộ, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ điều tra thương mại từ Hoa Kỳ; cập nhật thông tin chính sách từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm; đề xuất tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho các nhà máy chế biến gỗ; và quản lý hội chợ chuyên ngành, xây dựng các hội chợ tầm quốc tế.
Bên cạnh đó, phát triển bền vững ngành gỗ cũng là một yếu tố then chốt. Đồng thời, quản lý nguồn gốc gỗ và phát triển chứng chỉ rừng bền vững, điều tiết logistics để giảm thiểu chi phí vận chuyển, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 và giảm thiểu phát thải.
Có thể bạn quan tâm
Các doanh nghiệp xây dựng lạc quan về số lượng hợp đồng mới
Nguồn Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư