Sức hút từ ngân hàng 0 đồng
Việc xử lý các ngân hàng yếu kém kéo dài nhiều năm dẫn tới rủi ro có thể ngốn nguồn lực khi phải cho vay đặc biệt để hỗ trợ các ngân hàng này. Ảnh: Quý Hòa.
Những nút thắt cuối cùng cho quá trình nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được gỡ.Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt đã được trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của 2 ngân hàng. Riêng với SCB, Ngân hàng Nhà nước đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại ngân hàng này sau đại án Vạn Thịnh Phát để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương.
Rốt ráo tiếp nhận
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ thúc đẩy các ngân hàng sớm tận dụng những cơ chế ưu đãi này để đẩy nhanh lộ trình chuyển giao. Danh sách các ngân hàng yếu kém gồm Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank).
Nhận chuyển giao các ngân hàng 0 đồng là chủ đề nổi bật tại nhiều cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của các ngân hàng. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, ngân hàng này đã hoàn thiện phương án và đang trình phê duyệt nhận chuyển giao CBBank. Dự kiến việc chuyển giao được thực hiện trong năm 2024.
Ngoài Vietcombank, còn có 3 ngân hàng khác công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là MB, VPBank và HDBank. Trong đó, MB đang hợp tác toàn diện với OceanBank, còn VPBank được cho là đang tiếp cận GPBank. Theo lãnh đạo của MB, ngân hàng này đã hoàn thiện đề án kỳ vọng có thể hoàn thành trong năm 2024 hoặc năm 2025.
Việc xử lý các ngân hàng yếu kém đã kéo dài từ năm 2015 với rất nhiều rào cản có thể gây ảnh hưởng tới không chỉ tình hình kinh doanh của từng ngân hàng nhận chuyển giao, mà còn ảnh hưởng tới an toàn hệ thống ngân hàng nói chung. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPBank, cho biết nếu xét ở góc độ tài chính đơn thuần, hầu hết các ngân hàng không mặn mà với việc tham gia hỗ trợ các ngân hàng yếu kém vì chúng lỗ lũy kế rất lớn và đang tiếp tục lỗ.
Tính toán thiệt hơn
Vì vậy, với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các ngân hàng tham gia nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém được “bù” bằng nhiều ưu đãi đủ hấp dẫn như tiếp cận khoản vay đặc biệt với lãi suất 0%; được miễn tiền lãi vay tái cấp vốn, vay đặc biệt; được bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm; được nhận tiền gửi hoặc vay của bên nhận chuyển giao bắt buộc...
Ban lãnh đạo MB từng tiết lộ ngân hàng được chuyển giao có lỗ lũy kế khoảng 20.000 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu 47%. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MB Lưu Trung Thái đánh giá đây là cơ hội giúp mở ra không gian phát triển mới cho MB, nhất là tăng trưởng tín dụng và nâng cao năng lực quản trị. MB kỳ vọng, với việc tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, Ngân hàng sẽ được phân bổ room tín dụng cao hơn.
Trong khi đó, theo lãnh đạo của VPBank, tham gia vào tái cơ cấu tuy không có lợi ngay về mặt tài chính, nhưng sẽ được ưu tiên tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành và được ưu tiên mở room nước ngoài. Các ngân hàng bị giới hạn room nước ngoài ở mức 30% và hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn tham gia vào VPBank.
Việc xử lý các ngân hàng yếu kém kéo dài nhiều năm dẫn tới rủi ro có thể ngốn nguồn lực khi phải cho vay đặc biệt để hỗ trợ các ngân hàng này. Vì vậy, rốt ráo thúc đẩy quá trình xử lý đang gửi những thông điệp tích cực cho hệ thống ngân hàng. Theo tính toán, nếu quá trình nhận chuyển giao bắt buộc diễn ra suôn sẻ, các ngân hàng yếu kém thoát lỗ sau 8-9 năm. Sau khi tái cơ cấu thành công, các ngân hàng yếu kém này có thể được ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sáp nhập vào để tăng quy mô hoặc bán đi như một khoản đầu tư hoặc cũng có thể lựa chọn phương án IPO thành một ngân hàng thương mại cổ phần độc lập.
Khác với 10 năm trước, tình hình thị trường tài chính đã thay đổi đáng kể, tăng tính hấp dẫn của các ngân hàng 0 đồng. Trong đó, hệ thống ngân hàng đã hoàn chỉnh hơn về khả năng kiểm soát rủi ro. Nhu cầu thị trường bùng nổ cũng cho phép các ngân hàng tái đầu tư mở rộng thị trường và một cách nhanh nhất chính là hoạt động M&A.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận các ngân hàng 0 đồng trước hết đòi hỏi ngân hàng tiếp nhận phải có nguồn lực tài chính và quản trị vững mạnh. Đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều rủi ro phía trước như nợ xấu ngân hàng tiếp tục có nguy cơ gia tăng. Trong đó, nổi bật các vấn đề nợ trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết, nhu cầu tín dụng cho sản xuất khó đạt mức tăng trưởng cao, gánh nặng từ gói hỗ trợ lãi suất 2% và các chương trình hỗ trợ lãi suất khác.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, hình thức chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém phù hợp với những ngân hàng phải chuyển giao bắt buộc có tổng tài sản dưới 100.000 tỉ đồng. Tuy vậy, với ngân hàng yếu kém có tổng tài sản quá lớn như SCB thì việc chuyển giao bắt buộc sẽ rất rủi ro với ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc.
Vì vậy, theo ý kiến của các chuyên gia ngân hàng, việc xử lý ngân hàng yếu kém cần dựa trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa các bên gồm Nhà nước, ngân hàng tiếp nhận, ngân hàng bị chuyển giao, trên cơ sở tính toán đến hệ lụy đối với hệ thống tổ chức tín dụng, nền kinh tế, quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư