Sức nóng của 2 triệu chiếc máy lạnh
Ngành hàng điện máy tăng trưởng doanh thu đến 2 con số, nổi bật là sản phẩm máy lạnh. Ảnh: shutterstock.com.
Nắng nóng đỉnh điểm đang mang lại những kỷ lục về doanh thu cho các hãng máy lạnh tại Việt Nam.Mặc dù thời tiết đã có những ngày chuyển mưa nhưng thị trường máy lạnh tại TP.HCM vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Trong quý I/2024 Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận kết quả kinh doanh phục hồi mạnh so với cùng kỳ, doanh thu sản phẩm máy lạnh tăng trưởng đến 50%.
Nắng kỷ lục, doanh thu kỷ lục
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, một trong các lý do giúp kết quả này cao hơn kỳ vọng nhờ doanh thu bất thường từ máy điều hòa. Ngành hàng điện máy tăng trưởng doanh thu đến 2 con số, nổi bật là sản phẩm máy lạnh, trở thành động lực tăng trưởng chính vào tổng doanh thu 2 chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, đạt 21.300 tỉ đồng, tăng 7%. “Mùa nóng năm nay đến sớm nên máy lạnh bắt đầu được tìm mua nhiều hơn ở các tỉnh phía Nam. Lượng khách mua sắm tại Điện Máy Xanh được đánh giá tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái”, đại diện Điện Máy Xanh cho biết.
Trong bối cảnh này, từ đầu tháng 4, chuỗi FPT Shop cũng tuyên bố mở rộng kinh doanh máy lạnh tại hàng trăm cửa hàng thuộc hệ thống. Đại diện FPT Shop, ông Phạm Quốc Bảo Duy, Giám đốc Ngành hàng Điện máy, cho biết: “Giai đoạn cao điểm nắng nóng, chúng tôi ghi nhận mức tăng trưởng từ 4-6 lần so với thời điểm bình thường. Điển hình, có những ngày, số lượng máy lạnh bán ra đến hơn 1.000 bộ”.
Tương tự, chủ hãng máy lạnh Nagakawa ghi nhận doanh thu thuần đạt mức kỷ lục gần 680 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm, tăng 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng đạt đỉnh với hơn 13 tỉ đồng, tăng đến 82% so với quý I năm ngoái. Trong khi đó, doanh số bán máy lạnh trên kênh trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop cũng tăng mạnh 54% so với cùng kỳ, đạt 163 tỉ đồng trong quý I.
Nhiệt độ toàn cầu đã phá vỡ các kỷ lục, khi các đợt nắng nóng hoành hành và sông băng tan chảy chưa từng thấy. Nhiều cảnh báo năm 2024 còn nóng hơn nữa đã hiện diện trong từng gia đình với cách đối phó phổ biến là lắp đặt máy lạnh để hạ nhiệt. Phản ứng này của hàng triệu hộ gia đình khiến Việt Nam hiện là một trong những thị trường máy lạnh lớn nhất châu Á, dự kiến quy mô đạt 2,9 tỉ USD năm 2025 (theo Research And Markets). Hằng năm thị trường Việt Nam tiêu thụ trên dưới 2 triệu máy điều hòa và trên dưới 1 triệu tủ lạnh.
Nắng nóng kỷ lục vì thế cũng đang mang lại những kỷ lục về doanh thu cho các hãng máy lạnh tại Việt Nam. Thị trường này đang thu hút sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn trong ngành điều hòa như Daikin, Panasonic, Mitsubishi, Sharp, LG, Samsung... Trong đó, Daikin Industries của Nhật và LG Electronics của Hàn Quốc đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Panasonic của Nhật đang tăng sản lượng tại nhà máy Malaysia để mở rộng nguồn cung cho Việt Nam.
Khảo sát cho thấy trên thị trường hiện có hơn 50 thương hiệu lớn nhỏ về máy lạnh. Trong đó, các thương hiệu Nhật có thế mạnh về chất lượng và đang tập trung nhiều cho thị trường Đông Nam Á hơn là thị trường Mỹ hay châu Âu. Trong khi đó, các thương hiệu Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc khi đã đạt được thành công trong phân khúc bình dân và quy mô lớn, đang nỗ lực cải thiện chất lượng công nghệ và sản phẩm, sau đó tấn công các đối thủ Nhật ngay cả phân khúc cao cấp.
Cuộc chiến mọi phân khúc
Trong cuộc chiến này, các thương hiệu Nhật như Daikin, Panasonic thường dẫn đầu thị trường, chiếm khoảng 25% thị phần mỗi hãng. Kế đó là LG, Samsung của Hàn Quốc, Electrolux của Thụy Điển, Gree của Trung Quốc. Thời gian gần đây, thương hiệu Casper Thái Lan cũng tạo ra những đột phá về thị phần khi tung ra nhiều sản phẩm giá cạnh tranh ở phân khúc tầm trung. Năm 2023 thương hiệu điện máy đến từ Thái Lan này công bố lãi ròng hơn 33 tỉ đồng, trong khi năm 2022 lỗ gần 470 tỉ đồng.
Theo số liệu từ đơn vị nghiên cứu thị trường quốc tế, Casper Việt Nam đứng số 1 thị phần điều hòa ở Việt Nam trong tháng 6/2023 với 23% thị phần, tăng 1,4% so với tháng trước, tỉ lệ cách biệt 3% so với vị trí thứ 2. Đứng ở vị trí thứ 2 và 3 trong bảng xếp hạng là các thương hiệu Nhật với tỉ lệ lần lượt 20,4% và 15,1%.
Bên cạnh đó, các thương hiệu OEM hay Trung Quốc cũng có những lợi thế nhất định như Comfee, Midea, Nagarro, Kangaroo, Sunhouse... khi tập trung cho phân khúc giá rẻ. Và cũng không thể không nhắc đến sự xuất hiện của các sản phẩm “không nhãn hiệu” được sản xuất tại Trung Quốc nhưng vòng qua thị trường Thái Lan hoặc Indonesia để vào Việt Nam nhằm tránh thuế.
Trong khi đó, các sản phẩm thương hiệu Nhật tạo được uy tín ở thị trường Việt Nam từ lâu nhờ chất lượng, độ bền cao. Công nghệ điện lạnh của Nhật cũng đi trước nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... Vì thế, nhiều thương hiệu trên thị trường phải cạnh tranh bằng việc đưa ra các tính năng đi kèm như điều hòa khử mùi, đuổi muỗi, lọc bụi mịn... Daikin thậm chí có một dự án khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng có thu nhập thấp khi có nhu cầu sử dụng những sản phẩm tiết kiệm điện hơn.
Ông Nguyễn Trương Thành, Phó Tổng Giám đốc Casper Việt Nam, cho biết với tình hình nắng nóng tại nhiều khu vực từ đầu năm 2024, doanh số bán hàng trong quý I/2024 của Công ty đã tăng 30-40% so với cùng kỳ năm 2023. Xét toàn thị trường, Hãng nổi trội ở phân khúc phổ thông dưới 10 triệu đồng.
“Chúng tôi nhận thấy, khách hàng có xu hướng chọn mua những sản phẩm với mức giá tầm trung, có đầy đủ các tính năng và đáp ứng được nhu cầu sử dụng cơ bản của gia đình. Về yếu tố công nghệ, có thể thấy chỉ một tệp nhỏ các khách hàng quan tâm và chú trọng đến bởi các sản phẩm này thường có giá khá cao. Ngoài ra, chính sách bảo hành và dịch vụ lắp đặt nhanh cũng là những yếu tố mà khách hàng xem xét và quyết định chọn mua sản phẩm”, đại diện của FPT Shop cho biết.
Có thể bạn quan tâm:
Lực đỡ tuần hoàn của Vĩnh Hoàn
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư