Kinh Doanh

Thế Giới Di Động: Phiên bản tinh gọn

Trực Thanh Thứ Bảy | 28/12/2024 07:30

Quá trình tái cấu trúc này phản ánh qua chi phí bất thường trong báo cáo tài chính mới công bố của MWG.

Thị trường khá bất ngờ khi hơn 3.000 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trên toàn quốc đã trở thành các điểm giao dịch tài chính.
Quá trình tái cấu trúc này phản ánh qua chi phí bất thường trong báo cáo tài chính mới công bố của MWG.

Quá trình tái cấu trúc khốc liệt của Thế Giới Di Động đang đi vào giai đoạn hoàn tất khi mang lại kết quả kinh doanh khả quan sau cuộc khủng hoảng lớn đến từ COVID-19.

Thị trường khá bất ngờ khi hơn 3.000 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trên toàn quốc đã trở thành các điểm giao dịch tài chính, hoạt động như một cây ATM. Sau 7 ngày thử nghiệm mô hình này, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), cho biết: “Hệ thống đã ghi nhận tới 20.000 giao dịch nạp, rút, chuyển tiền với giá trị trung bình từ 5-6 triệu đồng mỗi giao dịch”.

Có thể thấy, MWG nhanh nhạy khi đón đầu xu hướng mở rộng đại lý ngân hàng. Động thái này cho thấy Công ty vẫn tiếp tục thử nghiệm dịch vụ mới trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ. Cần nhắc lại là quá trình tái cấu trúc toàn diện tại MWG diễn ra từ quý III/2023 khi hàng trăm cửa hàng bị đóng cửa, trong đó chuỗi nhà thuốc phải đóng cửa nhiều nhất, số nhân viên giảm cả chục ngàn người sau 2 năm.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của MWG, gọi đây là “văn hóa mới” khi Công ty tập trung “giảm lượng, tăng chất” định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm. “Với sự dịch chuyển này, chúng tôi chỉ tăng lương thưởng nhân viên, chứ không tốn thêm mặt bằng, điện nước và các chi phí khác. Tình hình kinh doanh theo đó cũng được cải thiện”, ông Tài phân tích.

Quá trình tái cấu trúc này phản ánh qua chi phí bất thường trong báo cáo tài chính mới công bố của MWG. Trong quý III/2024, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 2,8% so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp cao hơn dự kiến, tăng 270%, trong đó chi phí cho nhân viên tăng gấp 3,7 lần. Các chi phí khác tăng gấp 10 lần lên 258 tỉ đồng trong quý III/2024, chủ yếu liên quan đến chi phí đóng 398 cửa hàng của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.

Thêm một thông tin đáng chú ý trong những ngày cuối năm 2024 khi MWG công bố kế hoạch trích lập chi phí thưởng Tết gần 1.700 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Giải thích cho khoản chi này, Ban lãnh đạo MWG cho rằng: “Hiện quá trình tái cấu trúc của doanh nghiệp đã hoàn tất và chất lượng đội ngũ nhân viên hiện tại có thể đáp ứng yêu cầu vận hành hiệu quả”.

Thực tế, MWG ghi nhận kết quả khả quan bước đầu của tái cấu trúc khi doanh thu thuần tăng 12,7% so với cùng kỳ, đạt 34.146 tỉ đồng trong quý III. Trong đó, Điện Máy Xanh đóng góp tỉ lệ lớn nhất với 41,9%, tiếp theo là Bách Hóa Xanh (31,7%) và Thế Giới Di Động (23,8%). MWG đã đóng cửa 142 cửa hàng Thế Giới Di Động và 256 cửa hàng Điện Máy Xanh, dẫn đến mức tăng doanh thu mỗi cửa hàng lần lượt là 26,6% và 19,1% so với cùng kỳ. Chẳng hạn, doanh thu mỗi cửa hàng của Bách Hóa Xanh đã đạt mức tối đa khi doanh thu mỗi cửa hàng ổn định ở mức khoảng 2,1 tỉ đồng/tháng từ tháng 5/2024.

Theo báo cáo sơ bộ, biên lợi nhuận gộp của MWG trong quý III đã tăng 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đạt 20,2%, kéo theo lợi nhuận gộp tăng 21,4%, lên 6.892 tỉ đồng. Ban lãnh đạo chia sẻ thị phần của MWG trên thị trường điện thoại di động đạt gần 50% trong 9 tháng năm 2024, trong khi Công ty nắm giữ hơn 50% thị phần trên thị trường điện tử tiêu dùng.

Sau cuộc chiến về giá, các đối thủ của Thế Giới Di Động bao gồm FPT Shop, Viettel Store, Phong Vũ, Di Động Việt, CellphoneS, 24hStore, ShopDunk, ThinkPro... vẫn cạnh tranh quyết liệt. Tuy nhiên, lợi thế thị phần dẫn đến năng lực đàm phán mạnh hơn cũng như mối quan hệ đối tác chặt chẽ với các thương hiệu, sẽ giúp chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cung cấp các sản phẩm độc quyền với giá tốt hơn. Mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em thông báo trên fanpage cá nhân về việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với loạt thương hiệu điện thoại lớn đến từ Trung Quốc với mục tiêu đạt doanh số 4,5 triệu smartphone vào năm 2025.

Trong khi đó, chuỗi bán lẻ điện máy EraBlue ghi nhận lợi nhuận khi đang áp dụng chiến lược thành công từ Điện Máy Xanh để xây dựng vị thế cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường Indonesia. Đây là tín hiệu tốt khi trước đó MWG từng không thành công trong việc mở chuỗi ở nước ngoài do chọn sai thị trường là Campuchia và phải đóng cửa toàn bộ chuỗi điện máy Bluetronics.

Tại Indonesia, Công ty dự kiến tăng số lượng cửa hàng từ 86 trong năm 2024 lên 150 vào năm 2025 và 500 cửa hàng vào năm 2027, với mục tiêu doanh thu 1 tỉ USD (bằng 30,4% doanh thu của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh năm 2023). Ông Hiểu Em cho biết, chỉ sau khoảng 18 tháng gia nhập thị trường, chuỗi EraBlue đã vượt điểm hòa vốn và có lãi trong vòng 5 tháng liên tiếp. “So với tất cả các chuỗi đàn anh trước đó, để mở ra đạt điểm hòa vốn và có lời phải mất nhiều năm nhưng với EraBlue, chúng tôi chỉ cần 1,5 năm là đạt được kết quả này”, ông nói


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày