Kinh Doanh

Tỉ giá trung tâm đến thời: Doanh nghiệp phải làm gì?

Thứ Ba | 12/01/2016 09:00

Cơ chế tỉ giá trung tâm được áp dụng từ ngày 4.1.2016 sẽ khiến các doanh nghiệp phải xem xét việc bảo hiểm tỉ giá và dùng phái sinh ngoại hối.

Nếu trao giải chính sách vĩ mô ấn tượng trong năm ngoái, tỉ giá có lẽ sẽ giành ngôi quán quân. Chính sách tỉ giá đã thay đổi rất nhiều trong năm qua, từ việc giảm lãi suất tiền gửi đồng USD về 0% cho đến khái niệm tỉ giá trung tâm thay đổi hằng ngày.

Từ trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước luôn một mình “đấu trí” với tỉ giá, song với cơ chế tỉ giá trung tâm (được áp dụng từ ngày 4.1.2016), từ nay “đòn cân não” này đã được chuyển một phần cho phía doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tham gia cuộc chơi này, rủi ro tỉ giá sẽ nhấn chìm nỗ lực kinh doanh của họ, nhất là trong bối cảnh hàng loạt đồng tiền trên thế giới biến động mạnh.

Sự thay đổi lớn nhất trong chính sách tỉ giá lần này là việc Ngân hàng Nhà nước không còn “hứa” rằng tỉ giá sẽ biến động trong một khoảng cố định nào nữa. Hồi năm ngoái, tỉ giá được đặt ra mức kỳ vọng là tối đa 2%. Tuy nhiên, đến hết năm, tỉ giá đã tăng đến 5%, bao gồm cả việc mở rộng biên độ dao động từ mức 1% lên 3%.

Trong năm 2015, tỉ giá chỉ được công bố thay đổi 3 lần, còn năm nay sẽ được công bố hằng ngày. Tỉ giá này được gọi là tỉ giá trung tâm và được tính toán dựa trên 3 yếu tố chính: tỉ giá bình quân gia quyền từ một rổ 8 loại ngoại tệ là đối tác kinh tế chủ chốt của Việt Nam, cung cầu ngoại tệ và biến động các yếu tố vĩ mô.

Trên thế giới, tỉ giá hằng ngày do ngân hàng trung ương các nước công bố cũng có mức tham chiếu khác nhau. Trung Quốc dựa vào giá hôm trước làm tham chiếu cho ngày hôm sau, trong khi Singapore lại dựa vào rổ đồng tiền tệ chính của thế giới. Việt Nam thì tổng hợp cả 2 cách trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết. Theo đó, cách thức này hạn chế được nhược điểm của Trung Quốc là phụ thuộc nhiều vào các tổ chức tín dụng, còn Singapore là không phản ánh được nhu cầu của thị trường.

Dù vậy, cách tính cụ thể vẫn chưa được đưa ra để thị trường tham khảo. Theo hầu hết các chuyên gia, sự thay đổi về mặt điều hành tỉ giá lần này là tích cực, vì hướng đến yếu tố thị trường nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bản chất cách thức điều hành tỉ giá vẫn chưa có nhiều thay đổi. Bởi vì ngoài yếu tố định lượng cụ thể như tỉ giá bình quân một rổ tiền tệ thì việc xác định cung cầu ngoại tệ và các yếu tố vĩ mô đều là những biến số khó xác định, tương tự như trước đây.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, cách tính này đã từng được ấp ủ từ lâu nhưng bây giờ mới chính thức áp dụng, khi mà các yếu tố vĩ mô tương đối bình ổn. Trên thực tế, Trung Quốc cũng vừa mới chuyển sang chính sách tỉ giá linh hoạt thay đổi hằng ngày hồi tháng 8 năm ngoái, bên cạnh việc điều chỉnh giảm giá nhân dân tệ đến 5%. Khi đó, thị trường quốc tế đã rúng động và Việt Nam cũng có động thái điều chỉnh tỉ giá.

Mong muốn của Ngân hàng Nhà nước khi đưa ra chính sách này là dập tắt những kỳ vọng về tỉ giá. Vì biến động hằng ngày, tỉ giá này được cho rằng sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ, ít nhất là trong ngắn hạn. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước, biến động tỉ giá trong năm qua có đến 93% là do yếu tố tâm lý bị tác động bởi các diễn biến quốc tế.

Mặt khác, khi doanh nghiệp và người dân không còn chỗ dựa là lời cam kết của cơ quan quản lý, họ buộc phải chạy bằng cả 2 chân trong cuộc chơi tỉ giá mới này, thay vì chỉ đứng “tham quan” hay bước một chân như trước đây. Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, sự thay đổi này là có lợi. “Khi tỉ giá thay đổi theo biên độ nhỏ hằng ngày, doanh nghiệp sẽ quen với việc tỉ giá biến động và họ cũng sẽ chủ động hơn trong việc phòng chống rủi ro tỉ giá”, ông nói.

Khi tỉ giá được điều chỉnh hằng ngày, hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến đồng USD sẽ bị biến động hơn, nhất là với những doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vì mức giá cũng thay đổi hằng ngày. Để bảo vệ mình, doanh nghiệp cũng đã có công cụ ngừa rủi ro do phía ngân hàng cung cấp, thông qua các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, tương lai hay quyền chọn, hoán đổi lãi suất. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp không mấy mặn mà. Theo Công ty Chứng khoán VPBS, do Ngân hàng Nhà nước cam kết giữ ổn định tỉ giá nên số doanh nghiệp tham gia giao dịch phái sinh ngoại hối lâu nay chưa nhiều.

Theo số liệu của HSBC, trước đợt biến động tỉ giá hồi tháng 8.2015, có đến 90% doanh nghiệp nhập khẩu không bảo hiểm tỉ giá, 10% còn lại là các công ty đa quốc gia. “Con số này còn thấp so với các nước trong khu vực. Các hợp đồng bảo hiểm tỉ giá của các doanh nghiệp Việt Nam thường cũng rất ngắn hạn, với hơn 80% hợp đồng có thời hạn dưới 3 tháng”, ông Hải, HSBC, cho biết. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dầu khí, xuất khẩu nông sản) thường bỏ qua chuyện bảo hiểm cho các nghĩa vụ thanh toán dài hạn, ví dụ như các khoản vay USD trung và dài hạn ở nước ngoài.

Lơ là với bảo hiểm dẫn đến tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, song việc tham gia bảo hiểm trễ cũng làm tăng thiệt hại cho doanh nghiệp vì chi phí bảo hiểm đã tăng lên rất nhiều so với lúc thị trường còn ổn định. Trong khi đó, lợi ích thiết thực của quản trị rủi ro tỉ giá là giúp ổn định dòng tiền của doanh nghiệp. “Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tập trung vào mảng kinh doanh chính, thay vì đầu cơ kinh doanh chênh lệch tỉ giá - một lĩnh vực doanh nghiệp không có nhiều thông tin và chuyên môn”, ông Hải nói.

Chuyện mỗi cá thể tự bảo vệ mình trước rủi ro tỉ giá cũng đồng thời góp phần mang lại sự ổn định cho thị trường. Theo VPBS, các hợp đồng phái sinh về ngoại tệ sẽ làm giảm áp lực mua ngoại tệ giao ngay tại mỗi thời điểm nhất định. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích điều này. Trên thực tế, trong chính sách mới về tỉ giá trung tâm, cơ quan quản lý cũng đồng thời thay đổi cách thức giao dịch với các ngân hàng thương mại, từ hợp đồng mua bán giao ngay giờ chuyển sang hợp đồng kỳ hạn.

Nhìn về tương lai gần, mặc dù bộ khung mà Ngân hàng Nhà nước mở ra là biến động cả 2 chiều, song chiều tỉ giá tăng vẫn áp đảo hơn. “Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giảm dần can thiệp và cho phép tiền đồng giảm giá thêm nữa trong những tháng tới”, báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 1.2016 của HSBC nhận định.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng cho các tổ chức tín dụng với giá cao hơn 1% so với tỉ giá tại thời điểm cuối năm 2015. Ở góc độ nào đó, dường như đây vẫn là tín hiệu ngầm định từ phía cơ quan quản lý.

Năm 2016, thị trường chứng khoán được kỳ vọng có chứng khoán phái sinh thì đến lượt lĩnh vực ngân hàng cũng hy vọng các hợp đồng phái sinh tỉ giá sẽ tăng tốc. “Sản phẩm phái sinh ngoại hối do các tổ chức tín dụng được phép cung cấp sẽ có dư địa tăng trưởng mạnh”, VPBS dự báo.

Thanh Phong


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày