Kinh Doanh

Tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm, nhiều ngân hàng lo lắng

Cẩm Tú Thứ Sáu | 29/07/2022 11:53

Dự báo về lợi nhuận nửa cuối năm 2022, SSI Research cho rằng mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm. Ảnh: T.L

Thay vì gửi tiền không kỳ hạn chờ cơ hội lướt sóng, nhiều người chọn gửi có kỳ hạn để hưởng lãi suất, khiến tỷ trọng vốn rẻ của ngân hàng giảm.
Dự báo về lợi nhuận nửa cuối năm 2022, SSI Research cho rằng mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm. Ảnh: T.L

Vài năm gần đây, hầu hết các ngân hàng đều cố gắng nâng cao tỷ trọng của tiền gửi không kỳ hạn (CASA) nhằm huy động được nguồn vốn rẻ, cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Hiện nay, dòng tiền đang quay trở lại ngân hàng khi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền số... không nhiều hứa hẹn, nhưng thay vì để tiền trong tài khoản thanh toán chờ cơ hội đầu tư, nhiều người đã chọn gửi có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao hơn.

Mới đây, tỷ trọng CASA của Techcombank chỉ còn 47,5%, giảm so với mức hơn 50% của quý trước. "Sụt giảm CASA là một xu hướng chung của toàn ngành. Với khách hàng doanh nghiệp, cũng có doanh nghiệp khó vay vốn từ các tổ chức tài chính khác nên rút tiền gửi tại Techcombank ra để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông Jens Lottner - Tổng Giám đốc ngân hàng này nhận định.

Ảnh: T.L
Ảnh: T.L

Sau Techcombank, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), TPBank, ABBank cũng bị giảm tỷ lệ CASA so với quý trước. Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng tỷ lệ CASA trong các quý tới sẽ gặp áp lực giảm do thị trường đầu tư tài sản kém thuận lợi và dòng tiền nhàn rỗi rút ra để tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Điều đó có thể khiến chi phí huy động vốn của ngân hàng tăng, trong khi lãi suất cho vay lại chưa thể tăng tương ứng do nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Điều này phần nào sẽ tác động đến lợi nhuận ngân hàng trong nửa cuối năm. Riêng một số ngân hàng vốn có lượng khách hàng thường xuyên tăng nhanh như Techcombank, MSB, TPBank… sẽ có ưu thế hơn về nguồn vốn giá rẻ, giúp giảm được chi phí vốn trong dài hạn.

Nhìn chung 2 quý vừa qua, tín dụng tăng trưởng mạnh cùng với sự tăng trưởng tích cực các nguồn thu từ phí khác đã giúp các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận ấn tượng.
Trung tâm phân tích của Công ty Cổ phần chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, nhiều ngân hàng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý II cao trên 50% so với cùng kỳ như: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB)...

Dự báo về lợi nhuận nửa cuối năm 2022, SSI Research cho rằng mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận nửa cuối năm 2021 tương đối thấp.

Có thể bạn quan tâm:

Vì sao các ngân hàng đua tăng lãi suất tiền gửi?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày