Tỷ giá USD/VND và 205 tỷ USD thông suốt
VnEconomy
Những hiện tượng cùng lúc xoay quanh tỷ giá USD/VND xuất hiện gần đây...Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/9, trên thị trường liên ngân hàng, giá USD đã lùi về 22.725 VND - mức mua vào của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ giá USD/VND tiếp tục nối dài quãng ổn định, trong bối cảnh có những hiện tượng cùng lúc ít thấy và tưởng như gây bất lợi.
Mốc 22.725 VND đánh dấu khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào ngoại tệ, sau khi dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng kỷ lục trong nửa đầu năm nay. Thực tế, dù không lớn và dồn dập, nhưng hoạt động mua ròng này vẫn tiếp tục thời gian gần đây.
Xóa nạn hai giá
Trong một lần trao đổi với VnEconomy, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu quan điểm: việc mua vào ngoại tệ gia tăng dự trữ ngoại hối là mục tiêu, nhưng trước hết và quan trọng nhất vẫn phải làm sao để người dân và doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ hợp pháp luôn được đáp ứng đầy đủ, thuận lợi, thị trường thông suốt.
Nhìn lại, với tỷ giá USD/VND, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã và đang có khoảng thời gian ổn định cần thiết để chủ động trong sản xuất kinh doanh. Thay vì phập phồng với biến động và rủi ro tại nhiều thời điểm trước đây, họ đã có thể để vấn đề tỷ giá sang một bên, dành thời gian và nguồn lực tập trung cho các hoạt động chính.
Với thị trường và hoạt động ngân hàng nói chung, tình trạng hai giá trong lòng hệ thống đã được xóa bỏ.
Nhiều năm trước, tại những thời điểm tỷ giá USD/VND biến động mạnh, cung - cầu mất cân đối, thị trường căng thẳng và ngột ngạt, tình trạng hai giá xuất hiện: doanh nghiệp không mua được USD ở giá trần, chính ngân hàng cũng phải nâng mua giá USD áp sát và có lúc sàn bằng giá trần…; việc mua USD từng phải chấp nhận trả các loại phí gián tiếp.
Tình trạng hai giá cũng từng có biểu hiện bằng nhiều hình thức lách trần biên độ tỷ giá, qua các kỹ thuật giao dịch mất thêm chi phí vòng qua đồng tiền thứ ba, lách trần gián tiếp bằng các hợp đồng tiền gửi có lãi suất “khác thường” bù cho chi phí tỷ giá USD/VND…
Với tình trạng trên, một mặt tỷ giá USD/VND và cơ chế điều hành đã không phản ánh được, không dẫn dắt được thị trường và theo đó có phần thụ động; mặt khác, cơ chế hai giá với các kỹ thuật lách trần, đi vòng trong giao dịch cũng góp phần dẫn đến tình trạng méo mó trong sổ sách và báo cáo của các ngân hàng thương mại.
Nay, như trên, thị trường và tỷ giá USD/VND ổn định kéo dài, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng thuận lợi, tình trạng hai giá mà cả ngân hàng và doanh nghiệp phải chịu trước đây đã được xóa bỏ.
Theo dự báo gần đây của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam năm nay có thể lên tới 205 tỷ USD. Tổng nhu cầu ngoại tệ tương đối và chủ yếu này của nền kinh tế hiện đã gấp đôi mức độ của những năm 2010-2011.
Với diễn biến tỷ giá USD/VND cùng thực tế giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với ngân hàng hiện nay, cùng cơ chế hai giá đã bị xóa bỏ, đó dự báo sẽ là 205 tỷ USD thông suốt nhất trong nhiều năm qua.
Những hiện tượng cùng lúc
Gắn với hoạt động Ngân hàng Nhà nước mua ròng ngoại tệ nói trên, trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND đã kéo dài “mặt bằng” thấp hơn mức niêm yết của các ngân hàng thương mại, thấp hơn khoảng 20 VND thời gian gần đây.
Điều đó có nghĩa người có ngoại tệ đã cân nhắc để bán lại cho ngân hàng, ở kênh chính thức, với giá tốt hơn, thay vì sức hút có thời điểm từng chênh tới khoảng 10% trên thị trường tự do trước đây.
Cũng ở thời điểm này, một trạng thái khác đang kéo dài trên thị trường liên ngân hàng: lãi suất VND các kỳ hạn ngắn và qua đêm giao dịch thấp hơn nhiều so với lãi suất USD. Điều này dẫn tới điểm hoán đổi lãi suất bất lợi cho tỷ giá USD/VND, thế nhưng tỷ giá vẫn ổn định cho đến lúc này.
Và cũng đã hai tháng kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm đồng loạt các lãi suất điều hành (từ 10/7), tỷ giá vẫn êm. Hiện tượng là, theo nhìn nhận của lãnh đạo chuyên trách kinh doanh ngoại tệ một ngân hàng thương mại, trong khoảng thời gian đó đến nay có những lúc trạng thái ngoại tệ toàn hệ thống dương khoảng 1,2 tỷ USD, nhưng tỷ giá vẫn không tăng lên.
“Cứ xem trạng thái ngoại tệ dương là một hoạt động đầu cơ, hoặc găm giữ trong khuôn khổ cho phép, sau khi lãi suất VND có xu hướng giảm. Vậy mà tỷ giá vẫn không bật lên, nên có lẽ cung - cầu vẫn là yếu tố có tính quyết định lớn nhất. Cung ngoại tệ vẫn đảm bảo, thậm chí dồi dào từ người dân chuyển đổi, từ vốn đầu tư nước ngoài giải ngân và vốn đầu tư gián tiếp vào chứng khoán vào mạnh từ đầu năm đến nay. Tất nhiên, giá USD trên thị trường thế giới giảm đáng kể cũng là một yếu tố liên quan”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nhìn nhận.
Theo người trong cuộc này, tỷ giá USD/VND gần như nằm im suốt thời gian qua mà trạng thái ngoại tệ có lúc dương cao, một phần do các ngân hàng nắm USD có lợi hơn xét về điểm hoán đổi lãi suất “đô - đồng” trên liên ngân hàng.
Và như điểm mà người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đặt ưu tiên, quan trọng nhất vẫn là cung - cầu ngoại tệ trên thị trường thông suốt, không bị tắc nghẽn, ngột ngạt và phải luồn lách bằng các thủ thuật méo mó trước đây. Thay vì lo rủi ro tỷ giá, phòng thủ và thụ động với tỷ giá hoặc tốn kém chi phí để luồn lách, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đã có thêm thời gian, bớt đi chi phí vì lộn xộn tỷ giá để tập trung cho sản xuất, kinh doanh.
Còn các hiện tượng xuất hiện nói trên trên thị trường tự do, trên liên ngân hàng, ở điểm hoán đổi lãi suất hay ở trạng thái ngoại tệ của hệ thống… ứng với sự ổn định của tỷ giá USD/VND có thể xem là một điểm thú vị ít thấy trong nhiều năm qua. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang nắm thế chủ động dẫn dắt.
Nguồn VnEconomy
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư