Việt Nam sắp có sàn giao dịch nợ xấu
Hiện nay VAMC được Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, khoảng đầu quý III/2021 sàn sẽ ra đời. Ảnh: TL.
Tại tọa đàm với chủ đề: “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp”. Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, từ năm 2013 đến 31.5.2021, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đạt 392.084 tỉ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 359.477 tỉ đồng.
VAMC cũng thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường trên cơ sở thoả thuận và giá trị khoản nợ xấu được định giá lại, lũy kế từ năm 2017 đến hết 31.5.2021, VAMC đã mua 336 khoản nợ của 192 khách hàng với 11.541 tỉ đồng dư nợ gốc và giá mua nợ đạt 11.628 tỉ đồng.
Về kết quả xử lý nợ, lũy kế từ khi thành lập đến hết 31.5.2021, VAMC đã phối hợp cùng các TCTD xử lý nợ với kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 176.976 tỉ đồng. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 115.672 tỉ đồng, chiếm 65% tổng số thu hồi nợ lũy kế từ khi thành lập đến hết ngày 31.5.2021. Cũng sau khi có Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã hỗ trợ tối đa cho hoạt động xử lý, thu hồi nợ của VAMC, đến nay, 21 tổ chức tín dụng đã tất toán dư nợ cho VAMC.
Đến hết 31.5.2021, VAMC đã tổ chức thực hiện đấu giá thành công 21 tài sản (là khoản nợ/TSBĐ của khoản nợ) với tổng số tiền trúng đấu giá đạt 2.296 tỉ đồng. Ảnh: TL. |
Theo ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng cần tiếp tục kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 sau khi hết thí điểm hoặc nâng tầm lên; đồng thời cần quy định chi tiết, khả thi hơn quy định về thủ tục rút gọn và cho phép xử lý các khoản nợ trước khi có Nghị quyết 42 vì những khoản nợ đó không chỉ xấu mà là rất xấu.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP BIDV, cho rằng Nghị quyết 42 là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, giúp các ngân hàng giải quyết cục máu đông tồn đọng từ thời kỳ khủng hoảng tài chính giai đoạn năm 2011-2013. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cao nhất 1-3%. Như vậy 97- 99% đối tượng vay vốn là các khách hàng tốt. Việc có thể sớm xử lý các khoản nợ xấu giúp chính sách cho vay, giá cả cho vay và thủ tục vay vốn đối với khách hàng được thiết kế phù hợp hơn rất nhiều.
Nghị quyết 42 là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, giúp các ngân hàng giải quyết cục máu đông tồn đọng từ thời kỳ khủng hoảng tài chính giai đoạn năm 2011-2013. Ảnh: TL. |
Về hoạt động đấu giá khoản nợ/TSBĐ của khoản nợ, lũy kế từ năm 2018 (là năm đầu tiên VAMC thực hiện hoạt động đấu giá) đến hết 31.5.2021, VAMC đã tổ chức thực hiện đấu giá thành công 21 tài sản (là khoản nợ/TSBĐ của khoản nợ) với tổng số tiền trúng đấu giá đạt 2.296 tỉ đồng.
Đánh giá về thị trường mua bán nợ, xử lý nợ xấu trong thời gian qua, đại diện VAMC cho biết, thị trường mua bán nợ tại Việt Nam hiện còn khá sơ khai, khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia của thị trường mua bán nợ chưa đồng bộ, hạ tầng thị trường mới bước đầu hình thành và phương thức mua, bán nợ xấu còn hạn chế.
Hiện nay VAMC được Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, khoảng đầu quý III/2021 sàn sẽ ra đời. Ngoài ra, được phép của Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, VAMC còn thành lập câu lạc bộ với 23 thành viên, tạo diễn đàn để các bên lên tiếng, hướng tới các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ.
Tại buổi tọa đàm, Tổng giám đốc VAMC kiến nghị, nên tiếp tục nâng tầm Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thí điểm; Sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ, phải có khuôn khổ pháp luật cho thị trường ấy, các công cụ cũng cần được hoàn thiện. Hiện nay, mua bán nợ theo hình thức cạnh tranh hoặc đấu giá, còn rất sơ khai.
Việt Nam nhập siêu 1,35 tỉ USD trong nửa đầu tháng 6
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư