Trách nhiệm với cộng đồng

Gần 300.000 ca tử vong trong 3 năm do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam

Thanh Hằng Thứ Bảy | 23/11/2024 16:46

Về mặt kinh tế, AMR có thể cản trở đáng kể tăng trưởng GDP. Nguồn ảnh: Medlineplus

Tỷ lệ kháng kháng sinh tại Việt Nam cao do nhiều yếu tố như lạm dụng thuốc, bán thuốc không có đơn của bác sỹ, chỉ định dùng thuốc chưa phù hợp.
Về mặt kinh tế, AMR có thể cản trở đáng kể tăng trưởng GDP. Nguồn ảnh: Medlineplus

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2020-2023, Việt Nam có khoảng 269.681 ca tử vong do đề kháng kháng sinh. Tỷ lệ kháng kháng sinh tại Việt Nam ở mức cao do nhiều yếu tố như lạm dụng và sử dụng kháng sinh quá mức, bán thuốc kháng sinh không có đơn thuốc của bác sỹ, và chỉ định sử dụng kháng sinh chưa phù hợp.

Nhằm kêu gọi người dân cùng hành động phòng, chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh để bảo vệ con người, xã hội và các thế hệ tương lai của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1121/QĐ-TTg. Hưởng ứng Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, vào tháng 11.2024, Sandoz đã khởi động Chương trình Cộng đồng về Phòng, chống kháng kháng sinh.

Ông Charaf Eddine Kadri, Tổng Giám đốc Sandoz Việt Nam, giải thích: “Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa người bệnh hay thường là cha mẹ của người bệnh tự ý lựa chọn kháng sinh hoặc thuốc chống nhiễm trùng để điều trị các bệnh lý thông thường, mà chúng không có hiệu quả.”

Việc mua kháng sinh không có đơn thuốc tại các nhà thuốc cho các bệnh như là cảm cúm thông thường, và việc sử dụng kháng sinh không phù hợp này sẽ gia tăng nguy cơ người bệnh bị tác dụng không mong muốn, làm cho kháng sinh trở nên kém hiệu quả khi điều trị các bệnh lý nhiễm trùng mà trước đó kháng sinh này có hiệu quả.

 

“Điều này sẽ tạo ra một vòng xoáy buộc phải sử dụng các loại kháng sinh mạnh hơn để điều trị những bệnh lý nhiễm trùng đơn giản, dễ điều trị trước đây cho người bệnh, kể cả trẻ em”, vị lãnh đạo của Sandoz phân tích.

Ông Kadri cho rằng tình trạng kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam gây ra nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, khiến các bệnh truyền nhiễm trở nên khó điều trị hơn, tăng tỷ lệ tử vong, và chi phí y tế tăng cao. AMR cũng gây nguy hiểm cho nhiều tiến bộ y học như phẫu thuật và điều trị ung thư, ảnh hưởng an ninh lương thực, và tác động đến năng suất nông nghiệp thiết yếu của quốc gia.

Về mặt kinh tế, AMR có thể cản trở đáng kể tăng trưởng GDP và gây tác động không tương xứng lên các cộng đồng dân cư nông thôn và thu nhập thấp, khiến tình trạng mất cân đối về y tế ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, ô nhiễm môi trường do dư lượng kháng sinh trong nguồn nước làm tình trạng AMR xấu hơn, ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng trên khắp Việt Nam.

Chương trình do Sandoz Việt Nam khởi xướng được triển khai trong thời gian 5 năm, từ ngày 1.11.2024 đến ngày 1.12.2028, tập trung tiếp cận thông tin và giáo dục cộng đồng rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Trong năm 2024, Sandoz dự kiến sẽ triển khai một chuỗi hoạt động giáo dục quy mô lớn.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày