8 điểm độc đáo của lễ hội ánh sáng i Light Singapore
Sau hai năm gián đoạn, i Light Singapore do Urban Redevelopment Authority (URA) tổ chức (tạm dịch: Cơ quan Tái phát triển Đô thị) đã trở lại với 20 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ánh sáng của các nghệ sĩ đến từ 14 quốc gia.
Ông Jason Chen - Giám đốc lễ hội và quản lý địa điểm tại URA cho biết lễ hội hướng đến mục đích "truyền cảm hứng để du khách suy ngẫm lại về mối quan hệ giữa họ và môi trường, áp dụng những thói quen thân thiện với môi trường và trân trọng những thay đổi nhỏ nhưng nhất quán trong hoạt động hàng ngày nhằm tạo tác động tích cực đến môi trường”.
Đặc biệt, i Light Singapore 2022 sẽ có một chiếc phao nổi mang tên Lightwave: Isle Of Light được thiết kế trên mặt nước Marina Bay - nơi công chúng trải nghiệm buổi trình diễn nghệ thuật ánh sáng ngoài trời này.
Lightwave: Isle Of Light do “gã khổng lồ” điện tử tiêu dùng Oppo vận hành. Đây là điểm tham quan bao gồm năm khu vực trưng bày giới thiệu các tác phẩm sắp đặt chẳng hạn như các hình ảnh nổi ba chiều, đồ họa chuyển động chiếu sáng và đổ bóng, hoặc với các chùm ánh sáng gợi liên tưởng đến một khu rừng huyền bí.
Lượng khách tham dự i Light Singapore đã tăng đều đặn trong những năm qua. Trong năm 2018 và 2019, lễ hội lần lượt thu hút khoảng hai và ba triệu khách tham quan. Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật đã được tuyển chọn vào năm 2019 trước khi lễ hội bị hủy bỏ vào năm 2020 do đại dịch. Với gần 200 đề xuất từ 34 quốc gia, phiên bản lễ hội năm nay có tổng cộng 9 tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Singapore.
Tác phẩm điêu khắc dữ liệu biến đổi khí hậu Motherearth
Tác phẩm khai thác các mô hình máy tính để định hình viễn cảnh của Trái Đất. Ảnh: Ariffin Jamar |
Motherearth Climate Change Data Sculpture (tạm dịch: Tác phẩm điêu khắc dữ liệu biến đổi khí hậu Motherearth) là một video trình chiếu những dữ liệu về môi trường được chuyển đổi bằng trí tuệ nhân tạo và machine learning (tạm dịch: thuật toán học máy). Đây là tác phẩm được tạo ra bởi studio truyền thông mới của Thổ Nhĩ Kỳ - Ouchhh. Studio bao gồm các kỹ sư, lập trình viên sáng tạo, nghệ sĩ truyền thông và nhà thiết kế đồ họa chuyển động. Tác phẩm khai thác các mô hình máy tính để định hình viễn cảnh của Trái Đất.
Plastic Whale
Nghệ sĩ Singapore Craig Neo, 39 tuổi, chia sẻ: "Cá voi trên khắp thế giới đang phải ăn rác thải của chúng ta". Cùng với các nghệ sĩ Trung Quốc bao gồm Feng Qiao, Liao Qingshuang và Li Jianwen, Craig Neo đã tạo ra tác phẩm Plastic Whale để nâng cao nhận thức về thực trạng này.
Tác phẩm sắp đặt tái hiện một con cá voi mắc cạn bị vướng vào lưới đánh cá. Du khách có thể đi bộ vào trong con cá để chứng kiến nhiều rác thải nhựa, cũng như tiếp xúc với những ánh đèn được thiết kế nhằm mô tả chú cá này. Neo cho biết một số rác thải nhựa đã được thu gom trong thời gian nhóm nghệ sĩ tạo dựng tác phẩm. "Việc thu thập được rất nhiều nhựa chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, đã khiến chúng tôi nhận thấy đây là một vấn đề đáng báo động”.
Eyes Of The Sea
Panorama là nhóm sinh viên tốt nghiệp ngành sản phẩm và thiết kế công nghiệp từ Temasek Polytechnic, bao gồm Geraldine Tong Xin Yin, Jeremy Lai, Natalie Sim Kay Yee, Nor Nadia Diyana Mohd Norzaidi và Shanmugam Pressanna Vaarish. Nhóm đã tạo ra một tác phẩm sắp đặt có tên Eyes Of The Sea từ những chai nhựa được tái chế và thay đổi hình dạng để chúng mang hình dạng trông giống như sóng biển.
Nhóm Panorama muốn cho người xem nhận ra rằng ẩn dưới những làn sóng biển chính là rác thải nhựa - một vấn đề toàn cầu đang bóp nghẹt các đại dương. Sim, 21 tuổi, cho biết: "Chúng tôi muốn nhìn nhận rác thải nhựa có thể được sử dụng như những tác phẩm nghệ thuật".
Alone Together
Lấy cảm hứng từ lối kể chuyện mãn nhãn trong bộ phim Rear Window (1954 của Alfred Hitchcock), Alone Together là màn chiếu tương tác kể về một Singapore bền bỉ qua những hình ảnh riêng tư của người dân tại nhà trong thời gian đại dịch.
Tác phẩm được tạo ra bởi nghệ sĩ kiêm nhà thiết kế trải nghiệm kỹ thuật số người Singapore Ping Lim, cùng với nhà công nghệ sáng tạo người Mỹ Ian Grossberg. Ngoài ra, để cùng tham gia vào quá trình sáng tạo nghệ thuật, người xem còn có thể tương tác với tác phẩm thông qua thiết bị di động.
Firefly Field
Một đàn đom đóm điện tử hiện đang chiếu sáng cả The Promontory tại Marina Bay. Tác phẩm sắp đặt tên Firefly Field này được studio thiết kế đa ngành TOER của Hà Lan mô phỏng theo sự nhấp nháy ánh sáng của những con bọ phát quang sinh học bởi. Nó cũng mô phỏng nhịp điệu của những tín hiệu nhấp nháy mà côn trùng tạo ra nhằm xác định vị trí bạn tình tiềm năng. Các nghệ sĩ cho biết tác phẩm thu hút này đã thực sự mở rộng những giới hạn về kỹ thuật và thẩm mỹ trong thiết kế.
Fallen
Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt theo lối kể chuyện này dõi theo hành trình của một con sứa ngoài Trái Đất đang lang thang trong vũ trụ để tìm ăn các ngôi sao. Ảnh: Ariffin Jamar |
Nghệ sĩ truyền thông mới của Hàn Quốc Ina Hur (Artina) hợp tác với nhóm làm phim nghệ thuật sắp đặt đồng hương Nerdist để tạo ra Fallen. Đây là một tác phẩm sắp đặt theo lối tường thuật nhằm dõi theo câu chuyện về một con sứa ngoài Trái Đất, đang lang thang trong vũ trụ để tìm ăn các ngôi sao.
Nhằm kể lại câu chuyện, tác phẩm này sử dụng những thiết bị ánh sáng và máy chiếu cùng với các thanh đèn LED để thể hiện trái tim của con sứa.
Theo dòng câu chuyện, sinh vật này đã ăn phải một ngôi sao kì lạ, là rác thải bị vứt khỏi Trái đất, và rơi xuống Marina Bay.
Nữ nghệ sĩ 31 tuổi chia sẻ cô tìm thấy "sự bình yên trong một vũ trụ mà mọi thứ đã chết và trong tự nhiên đầy tràn sức sống".
Shish-ka-buoy
Được làm từ phao tiêu có thể tái chế hoàn toàn, Shish-ka-buoy phát sáng với hàng ngàn đèn LED thay đổi màu sắc. Đây là một chuỗi tác phẩm sắp đặt cao gần 4m với phong cách hiện đại được tạo ra bởi Angus Muir, giám đốc sáng tạo người New Zealand kiêm nhà sáng lập của Angus Muir Design. Tác phẩm sắp đặt ánh sáng tại chỗ này báo hiệu một "bữa tiệc sắp bắt đầu tại đây".
Underworld
Được làm từ lưới đánh cá bị vứt bỏ, Underworld "mô tả một khía cạnh của cuộc sống hàng ngày trong nền văn minh hư cấu của thế giới ngầm". Ảnh: Ariffin Jamar |
Nghệ sĩ người Thụy Điển Aleksandra Stratimirovic và nhạc sĩ người Argentina Leonel Kaplan đã tạo ra một cảnh quan ánh sáng được mô tả như một khu định cư tưởng tượng dưới đáy biển. Stratimirovic, 54 tuổi, cho biết Underworld là "sự liên kết với cuộc sống mong manh nơi biển cả, một lối đi tưởng tượng nhằm kết nối thế giới quen thuộc và thế giới chưa được biết đến".
Được làm bằng lưới đánh cá bị vứt bỏ, tác phẩm "mô tả một khía cạnh của cuộc sống hàng ngày trong nền văn minh hư cấu của thế giới ngầm". Tác phẩm sắp đặt này được lấy cảm hứng từ những nỗ lực bảo tồn biển của một làng chài nhỏ tại Thụy Điển mang tên Smogen - nơi cam kết bảo tồn môi trường biển.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư