Phong Cách Sống

Cuộc nghỉ hưu kỳ lạ của bác sĩ René D. Esser

Hằng Thanh Thứ Bảy | 18/01/2025 07:00

Ông chọn trở về quê hương để phẫu thuật chỉnh hình miễn phí cho những người bị dị tật bẩm sinh, phần lớn về chân, ở Việt Nam.

Cuộc sống khi về hưu của bác sĩ René D. Esser là những ngày thực hiện phẫu thuật chỉnh hình miễn phí cho người bị dị tật bẩm sinh ở Việt Nam.
Ông chọn trở về quê hương để phẫu thuật chỉnh hình miễn phí cho những người bị dị tật bẩm sinh, phần lớn về chân, ở Việt Nam.

Ở độ tuổi 75, trong khi nhiều người nghỉ hưu để theo đuổi đam mê một cách an nhàn thì bác sĩ René D. Esser cũng có thể thoải mái theo đuổi đam mê của mình. Có điều, đam mê này khiến ông sống xa vợ con đến nửa vòng trái đất và đi lại như con thoi giữa các bệnh viện. Ông chọn trở về quê hương để phẫu thuật chỉnh hình miễn phí cho những người bị dị tật bẩm sinh, phần lớn về chân, ở Việt Nam.

“Bác sĩ hoàn toàn không lấy tiền công khám và phẫu thuật”, người phụ trách hành chính tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) nói về các ca phẫu thuật chân khoèo từ thiện đã được ông thực hiện từ đầu năm 2024 đến nay tại bệnh viện. Tuy vậy, không đợi đến khi nghỉ hưu vào năm 2019 mới thực hiện, bác sĩ René đã bắt đầu ca chữa trị đầu tiên tại Việt Nam từ 2 thập kỷ trước.

“Tôi luôn muốn trở về”, bác sĩ Việt kiều có quốc tịch Pháp nói về quyết định dành toàn thời gian cho công việc tại Việt Nam kể từ khi về hưu năm 2019. Rời khỏi quê hương khi chỉ mới 1 tháng tuổi, ông René nói tiếng Việt thuần thục, kể cả những từ ngữ chuyên ngành. Trong căn phòng khám, ông chỉ vào chiếc túi màu xám đặt trên bàn, “tôi luôn mang theo dụng cụ của mình, vì có khi cả sợi chỉ (phẫu thuật), con dao (tại bệnh viện nơi ông đến khám chữa bệnh) cũng không có”.

 

Bác sĩ René không chỉ khám tại AIH, mà ông có cả một danh mục nhiều bệnh viện hợp tác từ Bắc đến Nam, từ bệnh viện công đến bệnh viện tư. Khoèo chân là một bệnh bẩm sinh phổ biến, cứ mỗi 2 trong số 1.000 trẻ em sinh ra tại Đông Nam Á mắc dị tật này. Nếu được chữa khi còn nhỏ sẽ tốn ít thời gian và công sức hơn, vì vậy ông chọn những bệnh viện có chức năng gây mê cho trẻ em làm địa điểm phẫu thuật. Tại TP.HCM ông có AIH và tại Biên Hòa có Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark. Đáng tiếc từ vài tháng nay, ông không thể phẫu thuật tại Biên Hòa, vì bác sĩ gây mê cộng sự của ông đã không may qua đời vì tai nạn.

“Thường những người bệnh đã trưởng thành nên phải mổ nhiều lần”, ông nói. Có trường hợp đến tay ông sau khi đã phẫu thuật không thành công nhiều lần trước đó, khiến việc chữa trị thêm khó khăn. “Có một cô gái hơn 20 tuổi ở Hải Phòng phải ngồi xe lăn, tưởng chừng tàn tật suốt đời. Giờ cô ấy đã đi lại bình thường, mở tiệm làm tóc và nuôi cả gia đình”, ông hồi tưởng về một ca để lại ấn tượng sâu sắc.

Ông không chọn, mà lĩnh vực chấn thương chỉnh hình đã chọn ông. Khi là sinh viên và trong thời kỳ thực tập qua tất cả các phòng ban trong bệnh viện, ông đã được người thầy bác sĩ hướng dẫn cho vào phòng mổ để phụ việc, một việc thường chỉ khi chính thức là bác sĩ mới được làm. Dường như cả trái đất đều là nhà của ông, khi bác sĩ René đã làm bác sĩ tại Pháp và Đức ở châu Âu, tại đảo Samoa, Cook, Tonga và Polynesia tại Thái Bình Dương, trước khi trở thành Giáo sư tại Đại học Stanford (Mỹ). Samoa cũng là nơi đầu tiên ông bắt đầu hành trình thiện nguyện. “Sau khi tôi rời đi, trên đảo đã không còn người nào bị tật”, ông nói.

Trong 40 năm ở Samoa, ông đã kêu gọi xây dựng được một trung tâm chấn thương chỉnh hình cho đảo. Ông được nhà vua phong “hoàng tử” nhờ những đóng góp cho đất nước và được người dân trên đảo nhớ ơn bằng cách dùng tên ông đặt cho nhiều đứa con của họ. “Khi bạn tôi đến thăm Samoa đã hỏi tôi tại sao ra đường gặp nhiều đứa trẻ có tên giống “hoàng tử”. Nhưng tôi không làm gì cả!”, ông hóm hỉnh kể. Gần đây, một bệnh nhân được ông chữa từ 40 năm trước đã bay đến tận Biên Hòa để được ông điều trị tiếp.

Khi làm thiện nguyện, ông tự trang trải mọi chi phí từ việc di chuyển, ăn ở, đến vật tư y tế. Động cơ chính của ông là muốn giúp đỡ những người khuyết tật, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, có cơ hội được phẫu thuật và phục hồi chức năng.

Tuy đã chi rất nhiều tiền từ túi riêng để thực hiện các hoạt động thiện nguyện này nhưng ông không muốn nhận tài trợ hay hỗ trợ tài chính từ bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, vì muốn giữ được sự độc lập và tự do trong việc lựa chọn bệnh nhân và phương pháp điều trị.

“Vợ tôi hay nói tôi điên”, bác sĩ René nửa đùa nửa thật. Nếu trước đây ông trở về Việt Nam 4 lần mỗi năm vào các kỳ nghỉ thì bây giờ ngược lại, vào các kỳ nghỉ ông bay về với gia đình. Ông vừa cùng vợ trở về Pháp trong chuyến du lịch dài 3 tuần. Và vào kỳ Giáng sinh sắp tới, ông sẽ trở về Mỹ để quây quần cùng vợ và 2 người con đã yên bề gia thất, cũng đang làm trong lĩnh vực y khoa.

Ông mong muốn có thể đào tạo thêm nhiều học trò để có thể tiếp nối công việc ở Việt Nam sau này. Về kế hoạch tương lai, bác sĩ chia sẻ ông vẫn muốn tiếp tục công việc thiện nguyện này càng lâu càng tốt. “Tôi còn trẻ, còn làm được thì làm đến 90 tuổi luôn”, người thầy bác sĩ cười lớn, nụ cười đã giúp ông trông trẻ lại như vừa mới 50.
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày