Phong Cách Sống

Đạo diễn Hàm Trần: “Ngửi được mùi Việt Nam, chỉ muốn kể câu chuyện Việt Nam”

Thái Huệ Thứ Tư | 28/08/2024 09:00

Đạo diễn Hàm Trần trong hậu trường Mất tích đêm 30. Ảnh: TL

“Bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ngửi được mùi hương rất quen thuộc chính là khoảnh khắc tôi biết chính xác tôi thuộc về nơi này”.
Đạo diễn Hàm Trần trong hậu trường Mất tích đêm 30. Ảnh: TL

Giá như anh chàng người Mỹ da màu đã khều vai Hàm Trần vào gần 30 năm trước có dịp gặp lại Hàm Trần hôm nay, anh ta hẳn rất đỗi vui mừng vì mình đã vô tình làm sứ giả của định mệnh, để chàng trai gốc Việt trở thành một đạo diễn nổi danh, vị đạo diễn Việt kiều đã có những đóng góp bằng cả trái tim cho phim ảnh quê hương, trong đó có sự hợp tác của anh với Galaxy. 

Một chất giọng Việt kiều lơ lớ, niềm say mê đặt vào câu chuyện, nụ cười sảng khoái, ánh mắt lấp lánh, cái nhún vai, khiếu hài hước rất Mỹ... Ở đạo diễn Hàm Trần là một khối năng lượng tích cực, đầy cuốn hút của một người ngửi được “mùi Việt Nam” và biết tâm hồn mình thuộc về nơi đâu.

Anh còn nhớ nhiều về Âm Mưu Giày Gót Nhọn, bộ phim đầu tiên anh hợp tác với Galaxy Studio?

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi gặp chị Hương (chị Đinh Thị Thanh Hương, Chủ tịch Điều hành Galaxy Studio) là ở bên Mỹ, tại nhà của diễn viên Kiều Trinh. Ban đầu chúng tôi tính gặp để hợp tác làm phim Đoạt Hồn, nhưng rồi chúng tôi nhận thấy nếu phim đầu tay này của tôi về Việt Nam thì hơi khó, vì chủ đề lúc ấy hơi nhạy cảm. Chị Hương mới nói để tìm dự án khác. Đến khi về Việt Nam, bộ phim đầu tiên tôi làm là Âm Mưu Giày Gót Nhọn và làm cho Galaxy.

Lúc mới về, tôi cũng có chút lo lo, tại tôi lớn lên ở Mỹ, sống ở Mỹ lâu quá, tiếng Việt không rành. Chị Hương nói chuyện với tôi lâu lâu dừng lại hỏi: “Em hiểu không?”. Làm việc với Galaxy tôi cảm thấy rất dễ chịu, thoải mái. Lúc đó tôi ngồi lại với Kathy Uyên và anh Timothy Linh Bùi, 3 người chúng tôi cùng bàn bạc. Kịch bản gốc là tiếng Anh, tôi và anh Lê Thanh Sơn cùng sửa lại thành tiếng Việt. Sau đó tôi làm lại lần nữa với anh Thế Hiệp. Cái cảm giác làm việc với chính bạn bè của mình, thích lắm.

Trong gia đình anh không có ai làm nghệ thuật, vậy hẳn có một lý do đặc biệt để anh quyết định một mình đi trên con đường này?

Việc chọn nghề của tôi hồn nhiên lắm. Trước đó tôi nghĩ sẽ làm thầy giáo mầm non, vì tôi yêu trẻ con. Cuối tuần tôi sẽ chơi nhạc ở quán bar hay viết kịch bản cho sân khấu, do tôi cũng thích nhạc và sân khấu, cảm thấy mình có chút năng khiếu để theo đuổi cho vui. Còn làm phim thì chưa bao giờ nghĩ tới.

Vào một ngày năm cuối đại học, tôi đang trên đường đi học về với một người bạn. Chúng tôi trò chuyện về 2 bộ phim được đề cử giải Oscar khi ấy là Silence Of The Lamb và The Crying Game. Tôi tranh luận với bạn là phải chọn Silence Of The Lamb vì nó rất hay, còn phim kia chỉ là 2 người ngồi nói chuyện không thôi, có gì xứng đáng đạt giải. Bất ngờ có ai đó khều vai tôi, tôi quay lại thì thấy một anh chàng người Mỹ da màu. Anh ta xin lỗi vì chen ngang câu chuyện, tự giới thiệu mình là sinh viên ngành sân khấu điện ảnh. Anh ta nói rằng tôi không hiểu gì về điện ảnh, rằng để làm một bộ phim đối thoại chỉ có 2 người mà vẫn kịch tính mới khó. Khi đó tôi ngớ người ra, cảm thấy mình quả thật không biết gì về phim ảnh. Trong tôi bỗng dưng thôi thúc phải học để hiểu biết.

Tôi tìm lớp học làm phim. Ngay từ buổi học đầu tiên tôi rất thích. Học gì mà mỗi ngày đều được xem phim hay, vậy là tôi theo luôn. Tôi có cơ hội được theo học đạo diễn Justin Lin của phim Fast And Furious, ông ấy kêu gì tôi làm nấy, kêu xách đồ ăn cho mọi người trong đoàn, tôi cũng vui vẻ làm, rồi tôi học từ từ, làm phim ngắn và đi lên, chứ không phải một bước làm đạo diễn liền. Gia đình ban đầu cũng lo vì không biết làm sao tôi kiếm tiền được. Nhưng thấy tôi đam mê và dần dà phim tôi được chiếu nên cũng xuôi theo.

Được đào tạo làm phim tại môi trường điện ảnh số 1 thế giới và nhiều cơ hội lớn ở Mỹ, tại sao anh lại về Việt Nam?

Phải hỏi là tại sao tôi lại không về Việt Nam? Tôi là đạo diễn ở Mỹ nhưng tất cả câu chuyện tôi muốn kể là chuyện của người Việt, người Mỹ chưa chắc hiểu và muốn coi tác phẩm của mình. Hơn nữa, làm phim cũng là đầu tư mà. Người Việt sẽ là người hiểu phim của mình, là khán giả của mình. Thứ 2 là cơ hội tại Việt Nam cao hơn, chứ ở Mỹ làm phim phải có gu Mỹ, có nhân vật là người Mỹ trắng đóng. Tôi từng đưa kịch bản tới Universal, họ hỏi tôi đưa vai này cho Lucy Liu được không, mà trời ơi cổ là người Trung Quốc, trong khi tôi muốn làm một bộ phim hoàn toàn Việt Nam, tôi thấy làm với nhà sản xuất Việt thì họ mới hiểu.

Anh sống ở Mỹ từ năm 8 tuổi, làm sao anh đủ ký ức, vốn sống để có thể thao thức mà kể những câu chuyện hoàn toàn của người Việt như thế?

Đúng là tôi sang Mỹ định cư từ năm 1982, đến tận năm 1998 tôi mới về Việt Nam lần đầu, khi đã 24 tuổi. Không biết diễn tả như thế nào cho đúng, chỉ nhớ hoài cảm giác bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay sau đó tôi nghe được tiếng xe cộ ồn ào, ngửi được mùi hương rất quen thuộc, tim tôi nghẹn lại, tôi kêu thầm: “Wow! Mình về nhà thật rồi!”, chính là khoảnh khắc tôi biết chính xác tôi thuộc về vùng đất này, khoảng trời này, quê hương này.

Anh đã quen tư duy và cách làm việc bên Mỹ thì khi về Việt Nam, chắc anh gặp ít nhiều khó khăn?

Thật ra tôi cần 10 năm để quen với cách làm việc tại Việt Nam chứ không phải mang văn hóa Mỹ về áp đặt cho ê-kíp tại quê nhà. Bên Mỹ thường có các hiệp hội, trong đó nhiều đơn vị làm phim cùng tham gia. Khi mình muốn thuê ê-kíp thì chỉ cần liên hệ họ. Còn tại Việt Nam, mình tự làm riêng, thuê cũng khó, chi phí cao, đặc biệt là với các nhà sản xuất kinh phí thấp. Còn khó khăn chung khi làm phim là chuyện dĩ nhiên, mình phải chấp nhận, phải chuẩn bị tinh thần giải quyết các vấn đề có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mình luôn phải thủ sẵn bình chữa lửa cho đám cháy.

Anh là người tiên phong, không ngại thử thách làm mới mình, như Đoạt Hồn được đánh giá là “lần đầu có một tác phẩm trong nước khai thác trực diện đề tài ma quỷ nhập hồn, tín ngưỡng tâm linh nhưng vẫn qua được kiểm duyệt để tới với khán giả”.

Mất Tích Đêm 30 là lần đầu tiên anh làm series phim trinh thám mà vẫn hấp dẫn, gây tò mò suốt 7 tập. Còn những thử thách nào anh muốn chinh phục?

Mỗi bộ phim là cơ hội để tôi học và thử nghiệm cách thức mới. Kỹ thuật chỉ là cách để kể chuyện, mỗi câu chuyện có một kỹ thuật để kể khác nhau. Chẳng hạn, với Mất Tích Đêm 30 mà tôi làm với Galaxy, tình huống căng thẳng thì tôi không muốn quay máy có chân máy, phải quay bằng tay để thấy được tay run, phản ánh chân thật cảm xúc nhân vật. Phải đến khi cầm dự án trong tay, có ý tưởng phim rồi thì thử thách mới đến, mình biết mình cần làm gì để phim hấp dẫn.

Anh luôn có thôi thúc đem phim Việt ra quảng bá với thế giới. Hiện nay anh làm gì cho việc này?

Tôi có những điều kiện thuận lợi để làm việc này thì không có lý do gì tôi không làm, còn làm bằng tất cả niềm tự hào. Tôi ấp ủ một bộ phim, đã được Galaxy ủng hộ hợp tác. Hiện tại tôi chỉ có thể tiết lộ đề tài này lần đầu tiên đi vào điện ảnh Việt Nam. Tôi không thể chấp nhận được đến tận bây giờ tôi vẫn còn nghe có người Mỹ hỏi: “Việt Nam hả, ở đó còn chiến tranh không?”. Tôi muốn thế giới hiểu đúng về một Việt Nam ở hiện tại, rằng Việt Nam chúng tôi xinh đẹp, hiện đại và phát triển như thế đó.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày