Phong Cách Sống

Mục tiêu 150 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021 là khả thi

Nhật Vy Thứ Sáu | 27/08/2021 10:19

ads

Vận chuyển vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech do Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam.

Việt Nam có thể nhận 10 - 12 triệu liều vaccine vào tháng 9; đến quý IV/2021, vaccine có thể về dồn dập, trong đó khoảng 47 - 50 triệu liều Pfizer.
Vận chuyển vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech do Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam.

Ngày 26/8, hơn 400.000 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca đã được Úc giao cho Việt Nam để đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Lô hàng đầu tiên này sẽ đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng của Việt Nam trong bối cảnh số ca dương tính SARS-CoV-2 đang gia tăng trên toàn quốc, giúp đảm bảo rằng tất cả mọi người đang sống ở Việt Nam đều có thể được tiêm vaccine càng sớm càng tốt. Trước đó, Chính phủ Úc cũng đã cam kết viện trợ 40 triệu AUD để Việt Nam tiếp cận vaccine và hỗ trợ 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca sản xuất tại Úc cho Việt Nam. 

Cùng ngày, DHL Express cho biết vừa tiếp tục hỗ trợ vận chuyển thành công lô vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ cho Việt Nam thông qua Cơ chế COVAX. Các lô vaccine ngừa COVID-19 nói trên vốn là một phần trong chính sách hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho các quốc gia Đông Nam Á, giúp Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung có thể tăng tốc các chương trình tiêm chủng nhằm mang lại sự an toàn cho người dân, đồng thời đảm bảo nền kinh tế quốc gia có thể phục hồi nhanh chóng.

Một trong những thách thức chủ yếu đối với việc vận chuyển vaccine ngừa Covid-19 là yêu cầu nghiêm ngặt về nhiệt độ bảo quản. Vaccine được giữ trong thùng giữ nhiệt, vốn được nhà sản xuất thiết kế chuyên biệt, cho đến lúc được giao đến người nhận. Mỗi lô vaccine sẽ được giữ lạnh bằng đá khô đóng gói chung, cho phép vắc-xin có thể sử dụng được tại cả những địa điểm mà cơ sở vật chất không đủ để duy trì nhiệt độ bảo quản theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất. Một thiết bị theo dõi nhiệt độ được trang bị công nghệ GPS hiện đại cũng được đính kèm theo mỗi thùng giữ nhiệt chứa vaccine, điều này cho phép theo dấu lô hàng xuyên suốt hành trình vận chuyển.

Trước đó, ngày 25/8, Chính phủ Ý cũng đã quyết định tài trợ 801.600 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19. Dự kiến số vaccine này sẽ được vận chuyển và bàn giao cho Việt Nam vào đầu tháng 9. 

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 27 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó có hơn 17,2 triệu liều vaccine AstraZeneca, hơn 5 triệu liều Moderna, hơn 2,3 triệu liều Pfizer, 12.000 liều Sputnik V và 2,5 triệu liều Sinopharm.

Theo tính toán của Bộ Y tế, trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân, với kinh phí ước tính trên 25.000 tỉ đồng. Số lượng vaccine lớn như vậy, hoàn toàn phải nhập ngoại vì cho đến nay, trong nước vẫn chưa sản xuất được. Bộ Y tế cho biết, đến nay, Việt Nam đã nhận được khoảng 23 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX, hỗ trợ của các nước và các hợp đồng đã ký kết. Trong tháng 8 và 9, dù thế giới rất khan hiếm vaccine, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được các nguồn hỗ trợ nhiều hơn dự kiến từ nhiều đối tác. Việt Nam có thể nhận 10 - 12 triệu liều vaccine vào tháng 9; đến quý IV/2021, vaccine có thể về dồn dập, trong đó khoảng 47 - 50 triệu liều Pfizer.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, mặc dù hiện nay tình trạng khan hiếm vaccine trên thế giới vẫn căng thẳng nhưng với các thỏa thuận đã đạt được, “mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 là rất khả thi”. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Y tế thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vaccine phòng Covid-19. Trước đó, đã nhiều lần, Bộ Y tế khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để các địa phương, doanh nghiệp mua vaccine Covid-19. 

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP.HCM đã tiêm 5,6 triệu liều và quyết tâm bảo đảm tỉ lệ tiêm vaccine trên 90% đến ngày 15/9 và tiêm mũi 2 theo tiến độ.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày