Phong Cách Sống

Ocean Vuong: Thiên tài thơ ca gốc Việt trên đất Mỹ

Linh Lan Chủ Nhật | 22/01/2023 07:30

Ngày 25/9/2019 trở thành cột mốc đáng nhớ với Vuong khi anh trở thành 1 trong 26 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ được Quỹ MacArthur vinh danh và trao giải. Ảnh: Los Angeles Times

Nhà thơ có sức ảnh hưởng với ngôn từ đẹp đẽ, thắp sáng trái tim hàng triệu người trên thế giới.
Ngày 25/9/2019 trở thành cột mốc đáng nhớ với Vuong khi anh trở thành 1 trong 26 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ được Quỹ MacArthur vinh danh và trao giải. Ảnh: Los Angeles Times

Có lẽ, chẳng ai có thể tin đứa bé da vàng, ốm yếu, sinh ra trong một gia đình tị nạn mù chữ, nói hơi ngọng và mắc chứng khó đọc di truyền lại có thể làm thơ. 

Người “sửa” lại tiếng Anh

Và cũng chẳng ai tin, đứa bé nói tiếng Anh của người da đen ít học, vật lộn với chứng khó đọc ấy lại trở thành nhà thơ có sức ảnh hưởng với ngôn từ đẹp đẽ, thắp sáng trái tim hàng triệu người trên thế giới. Tại một buổi đọc thơ của Ocean Vuong, một phụ nữ trẻ người Mỹ gốc Á đã xúc động nói với tờ Time rằng: “Trước khi Vuong xuất hiện, đã không một ai kể câu chuyện của chúng tôi”.

Điều trớ trêu là năm lớp 4, Vuong viết bài thơ đầu tiên và bị giáo viên buộc tội ăn cắp ý tưởng! Nhưng Vuong đã không để quá khứ trở thành nỗi ám ảnh. Vuong nói với tờ The Guardian về ảnh hưởng tích cực của chứng khó đọc lên thơ ca của anh: “... bởi vì tôi viết rất chậm và xem từ ngữ y như các vật thể. Tôi luôn cố gắng tìm từ ngữ bên trong từ ngữ. Thật tuyệt vời cho tôi khi thấy được từ laughter (tiếng cười) nằm bên trong từ slaughter (sự tàn sát)”.

 

Sinh năm 1988, đến Mỹ khi tròn 2 tuổi, ký ức của Ocean Vuong xoay quanh căn hộ chật chội 6 người chen chúc ở Hartford (bang Connecticut) và tiệm nail nơi mẹ làm việc. “Điều con biết tiệm làm móng không chỉ là nơi làm việc và xưởng làm đẹp, đó còn là nơi trẻ con của dân ta lớn lên - không ít đứa, như anh Victor, sẽ bị suyễn sau nhiều năm liền hít cái thứ khí độc hại vào 2 lá phổi vẫn đang phát triển. Tiệm còn là nhà bếp, nơi cánh phụ nữ ngồi xổm trên sàn ở những căn phòng phía trong, xúm xít quanh mấy cái chảo to lách tách và xì xèo trên bếp điện, mấy nồi phở lớn liu riu làm hấp hơi không gian chật chội sực mùi gừng, quế, bạc hà, đinh hương, bạch đậu khấu trộn lẫn với formol, toluene, acetone, Pine-Sol, thuốc tẩy...”.

Vậy nên, như rất nhiều người Việt nhập cư, sau khi tốt nghiệp trung học, Vuong chọn học ngành Tiếp thị Quốc tế tại Đại học Pace, New York với mong muốn duy nhất: giúp đỡ mẹ. Thế nhưng, vốn là người “đầy khiếm khuyết” như Vuong nói, dễ hoảng sợ, mắc chứng khó đọc và sống với thuốc mỗi ngày vì sức khỏe ốm yếu, Vuong đã rời Pace sau 3 tuần. Để không làm mẹ lo lắng, anh xin vào làm trong một quán cà phê, ngủ nhờ ở phòng khách nhà bạn và dành những giờ rảnh rỗi để lên thư viện đọc sách. Sau đó, anh vào Trường Cao đẳng Brooklyn học văn học Anh.

Các bài thơ được viết nhiều lên, được đọc trong các đêm thơ giúp Vuong nhận được một số học bổng và tài trợ, cho phép anh có đủ thời gian và tài chính tập trung sáng tác tập thơ đầu tay Night Sky With Exit Wounds (Trời Đêm Những Vết Thương Xuyên Thấu). Tập thơ này mang về cho Vuong nhiều lời khen tặng từ Poets House, Quỹ Elizabeth George, Quỹ Civitella Ranieri, Quỹ nghệ thuật Saltonstall, Hiệp hội Nhà thơ Mỹ... cùng hàng loạt giải thưởng như Whiting Award 2016, Thom Gunn Award 2017, Felix Dennis cho tập thơ đầu xuất sắc nhất năm 2017 và Forward Prizes 2017; đồng thời lọt vào vòng chung khảo giải Kate Tufts Discovery và giải văn chương Lambda. Tờ The New Yorker không ngần ngại gọi Vuong là “Người sửa lại ngôn ngữ tiếng Anh”.

Đáng chú ý, trong tập thơ này, tiếng Việt xuất hiện một cách đầy trang trọng, đầy đủ dấu bên cạnh tiếng Anh - ngôn ngữ phổ biến toàn cầu. Chẳng hạn, bài Headfirst được in cùng với 2 câu thành ngữ: “Không có gì bằng cơm với cá / Không có gì bằng má với con”. Bài My Father Writes from Prison thì được bắt đầu bằng một lời hỏi thăm xúc động và đầy thương yêu: “Lan ơi, em khỏe không? Giờ em đang ở đâu? Anh nhớ em và con quá...”.

Đưa tiếng Việt thăng hoa

Sau tập thơ đầu tay, Vuong thử sức với tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết được viết dưới dạng lá thư gửi Mẹ - On Earth We’re Briefly Gorgeous (Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian) lọt vào danh sách bán chạy nhất của New York Times suốt 6 tuần liền, được đánh giá là một “dấu ấn văn chương của năm 2019” và lọt vào vòng đề cử Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ. Sách đã được dịch ra 30 thứ tiếng, trong đó có Việt Nam, qua bản chuyển ngữ của Hoàng Hưng.

Ngày 25/9/2019 trở thành cột mốc đáng nhớ với Vuong khi anh trở thành 1 trong 26 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ được Quỹ MacArthur vinh danh và trao giải MacArthur Fellowship (giải Thiên Tài) trị giá 625.000 USD (tương đương 14,56 tỉ đồng). Quỹ MacArthur cho biết họ trao giải thưởng cho Ocean Vuong vì anh “kết hợp truyền thống dân gian với những thử nghiệm ngôn ngữ trong các tác phẩm”. Khi ấy Vuong vừa tròn 30 tuổi và là 1 trong 2 người trẻ nhất trong danh sách nhân tài của nước Mỹ.

 

Trong cuộc trò chuyện với nhà báo Seth Meyers, từ nhà, mẹ của Vuong đã gọi cho anh. Người mẹ mù chữ tha hương cả đời gắn chặt với mùi cồn, mùi sơn và bụi tẩy ở tiệm nail nghe con đọc thơ bằng tiếng Anh mà chẳng hiểu gì, chỉ lặng lẽ quan sát rồi bật khóc.

Vuong yêu Bà, thương Mẹ - người đã dạy cho Vuong văn chương dân gian qua thơ ca, cách cảm thụ cái đẹp từ những điều giản dị, bình thường nhất, truyền cho Vuong nghị lực mạnh mẽ. 2 người phụ nữ quan trọng nhất với Vuong giờ đây đã không còn nữa. Tập thơ thứ 2 của Vuong - Time Is Mother như một sự giãi bày. Vuong dùng Mother thay vì dùng một từ tục như cách người Mỹ khi bày tỏ phản kháng trước những mệt mỏi. Thời gian trong suy nghĩ của Vuong, với đặc tính lưu giữ trong lòng nó mọi thứ đang diễn ra, bao gồm niềm vui, nỗi buồn, giận dữ mà vẫn luôn bao dung và dịu dàng, thực sự là một người Mẹ hơn người Cha (khác với câu ngạn ngữ “Father time stops for no one” - Thời gian chẳng chờ đợi ai).

Time Is Mother là tập thơ mà khi viết xong, Vuong cảm thấy tự hào vì đã không thỏa hiệp, không có cảm giác muốn phá bỏ để làm lại tất cả. Cũng không cần quan tâm độc giả sẽ đón nhận như thế nào. Mọi áp lực, mọi gánh gồng, mọi sự cần minh chứng rằng bản thân xứng đáng đã được đặt xuống. Tập thơ thứ 2 vì thế tinh nghịch hơn, hài hước hơn, táo bạo hơn. Nói như Vuong là “viết cho chính mình”. “Tôi có 2 lựa chọn lúc ấy, hoặc hoàn toàn quên đi chuyện viết, hoặc chạm đến tận cùng của việc viết”. Và Vuong chọn cách thứ 2.

Sau chiến thắng Whiting Award 2016, Vuong từng ấp ủ mua cho mẹ một căn nhà. Dù giờ đây mẹ không còn, nhưng Vuong vẫn luôn nghĩ về gia đình theo nghĩa mở rộng. Vuong và người bạn đời - Peter đã mua một căn nhà ở Massachusetts, nơi cửa nhà luôn rộng mở. “Anh tôi có thể chuyển đến ở cùng. Khi anh ấy có con, chúng có thể sống ở đây. Khi dì tôi già đi, dì cũng có thể đến đây. Và bạn bè của chúng tôi - phần đông đều là nghệ sĩ, những người da màu tài năng, lạ lùng - có thể đến đây và nạp lại năng lượng”.

Hành động này của Vuong như thể anh đang đáp lại đời sống và cộng đồng - những người đã nuôi dưỡng, chở che và bao bọc anh từ khi còn bé đến lúc trưởng thành.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày