Tài Chính

Ẩn số từ câu chuyện nợ

Nhật Lệ Chủ Nhật | 10/09/2023 17:07

Rủi ro từ nợ xấu ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đã được đẩy lùi về 2024 - 2025. Ảnh: Quý Hòa.

Câu chuyện nợ sẽ là chủ đề đáng được theo dõi vì tiềm tàng nhiều ẩn số.
Rủi ro từ nợ xấu ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đã được đẩy lùi về 2024 - 2025. Ảnh: Quý Hòa.

Trong năm 2022, có những giai đoạn thị trường ám ảnh với trạng thái nợ khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt và trạng thái "call margin chéo" xảy ra liên tiếp trên thị trường. 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán DSC, ở thời điểm hiện tại, trạng thái margin của thị trường chưa cho thấy sự căng cứng khi các công ty chứng khoán vẫn còn dư địa cho vay tương đối nhiều. Với Thông tư 02/2023/TTNHNN và Nghị định 08/2023/NĐ-CP, rủi ro từ nợ xấu ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đã được đẩy lùi về 2024 - 2025. “Tuy nhiên, đây vẫn là một biến số cần được theo dõi”, DSC đánh giá. 

 

Số liệu từ DSC, dư nợ margin toàn thị trường hiện ước đạt 150.000 tỉ đồng, đây không phải là ngưỡng cao nhất từ trước đến nay do margin toàn thị trường đã có thời điểm đạt ngưỡng quanh 200.000 tỉ đồng. 

“Dư địa cho vay, cung ứng margin của các công ty chứng khoán cũng đã được nâng lên ngưỡng mới sau những đợt tăng vốn và hiện tại còn rất dồi dào. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện tỉ lệ đòn bẩy, tỉ lệ dư nợ margin/vốn hóa HOSE đã vượt 3,2% và ở vùng cao nhất lịch sử. Nếu có một cơn gió ngược nào đó, ngưỡng đòn bẩy cao là rủi ro lớn với thị trường”, DSC nhận định. 

 

Theo tổ chức này, không phải ngẫu nhiên mà ở cả các thị trường phát triển, ngưỡng dư nợ margin/vốn hóa cũng hiếm khi vượt 3%. Ở Mỹ, đó là giai đoạn 2007-2008 hay Trung Quốc là giai đoạn 2015-2016, sau các giai đoạn đó, thị trường đều chứng kiến những đợt hạ đòn bẩy (Lưu ý: đòn bẩy cũng có thể được giảm qua việc dư nợ cho vay ổn định trong khi giá cổ phiếu tăng khiến vốn hóa tăng). 

Bên cạnh vấn đề về margin, rủi ro từ nợ xấu ngân hàng và trái phiếu ngân hàng đến hạn cũng là một điểm cần chú ý. Theo DSC, những rủi ro này tạm thời đã được đẩy về 2024 - 2025 theo sự ban hành của Thông tư 02 và Nghị định 08. Quá trình cơ cấu các khoản nợ của doanh nghiệp, cùng như quá trình trích lập, xử lý nợ xấu của các ngân hàng đang được diễn ra theo hướng tích cực. Tuy nhiên, cần chú ý các rủi ro trên chỉ được đẩy lùi chứ chưa hoàn toàn được triệt tiêu. Khi các quy định hết hiệu lực, các vấn đề nợ xấu có thể sẽ được hé lộ trong tương lai.

Đối với chiến lược đầu tư, DSC cho hay, trong tháng 8, các cổ phiếu cơ bản đã có xu hướng tăng rất tốt. Nhiều cổ phiếu cơ bản sau khi giảm mạnh trong phiên điều chỉnh 18/8/2023 đã ngay lập tức bật tăng trở lại. Điều này phản ánh khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư đã chuyển dịch sang các cổ phiếu có cơ bản tốt. 

Do đó, trong tháng 9, DSC tiếp tục khuyến nghị chiến lược giao dịch bao gồm đa dạng hóa danh mục, tránh rủi ro tập trung vào 1 nhóm ngành; tập trung vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt. Nếu kịch bản rung lắc xảy ra cũng sẽ có biên an toàn nhất định. Cùng với đó, nhà đầu tư được khuyến nghị giữ một lượng tiền mặt nhất định (10-20%), sẵn sàng tham gia trung bình giá xuống khi xảy ra rung lắc. Không mua đuổi cổ phiếu.

Có thể bạn quan tâm

Khối ngoại bán ròng, VN-Index có “lung lay”?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày