Tài Chính

Deutsche Bank: 20 rủi ro lớn nhất đối với thị trường tài chính năm 2020

Hà Linh Thứ Hai | 11/11/2019 07:37

Ảnh: CNBC

Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank, vừa trao đổi với CNBC về 20 rủi ro lớn nhất với thị trường tài chính trong năm 2020.
Ảnh: CNBC

Đứng đầu trong danh sách rủi ro là sự gia tăng của tình trạng chênh lệch giàu nghèo. Đây là vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hiện nay. Các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ gồm bà Elizabeth Warren và ông Bernie Sanders đã kêu gọi tăng thuế đối với giới siêu giàu Mỹ để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

"Chiến tranh thương mại và cuộc điều tra luận tội là những rủi ro ngắn hạn, và chúng thậm chí có thể được giải quyết trong năm 2019, trong khi sự chênh lệch giàu nghèo gia tăng là những rủi ro trong dài hạn", ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank, nói với CNBC.

Trong khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã lắng xuống trong thời gian gần đây khi hai bên đang nỗ lực để hoàn tất thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, thì thị trường vẫn phải đối mặt với những căng thẳng mà cuộc chiến này gây ra. Hy vọng về khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sớm chấm dứt đã bị dập tắt khi ngày 08/11, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông vẫn chưa đồng ý về việc bãi bỏ thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như báo cáo của nước này. Một số nhà phân tích tại phố Wall nói rằng sự thắng thế của bà Warren trong chiến dịch bầu cử tổng thống có thể là một nguồn lo ngại cho thị trường. Tỷ phú Paul Tudor Jones và nhà đầu tư lâu năm Leon Cooperman đã cảnh báo, thị trường sẽ có sự điều chỉnh nếu bà Warren trúng cử.

Chính quyền Trump đã áp thuế đối với hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cũng đã áp thuế lên khoảng 110 tỷ USD các sản phẩm của Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc đang buộc Mỹ gỡ bỏ thuế quan như là một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Kết quả cuộc bầu cử Mỹ sẽ tác động đến thị trường tài chính 2020. Ảnh: bbc.com
Kết quả cuộc bầu cử Mỹ sẽ tác động lớn đến thị trường tài chính năm 2020. Ảnh: bbc.com

Deutsche Bank lo ngại rằng những diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại sẽ tiếp tục đè nặng lên các công ty.

“Điểm mấu chốt là các nhà đầu tư cần tính đến khả năng môi trường cho việc chi tiêu tiêu dùng và đầu tư có thể thay đổi, như là hệ quả kéo theo của việc một số chính sách có thể được thực hiện hoặc không thể được thực hiện trong những năm tới”, ông Slok nói. Bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách cũng sẽ tác động tới quyết định đầu tư.

Các rủi ro khác mà ngân hàng này đưa ra bao gồm tác động của cuộc điều tra luận tội [tổng thống Mỹ], thị trường tín dụng có lợi suất cao và chính sách lãi suất âm.

Dưới đây là 20 rủi ro cho nền kinh tế và thị trường được ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng của Deutsche Bank nêu ra:

1. Sự gia tăng về chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng thu nhập và bất bình đẳng y tế.

2. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một vẫn chưa được ký, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung vẫn có những diễn biến khó lường.

3. Chiến tranh thương mại tiếp tục đè nặng lên các quyết định đầu tư của công ty.

4. Sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, Châu Âu và Nhật Bản khiến đồng USD tăng giá.

5. Cuộc điều tra luận tội và việc chính phủ Mỹ có thể đóng cửa.

6. Kết quả của cuộc bầu cử Mỹ sẽ tác động tới chính sách thuế, quy định và chi tiêu cho tài sản cố định (capex).

7. Chống độc quyền, quyền riêng tư và quy định công nghệ.

8. Sau bầu cử, trái phiếu chính phủ và các công cụ nợ của Mỹ không còn hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

9. Việc nới lỏng tài khóa (theo trường phái tiền tệ hiện đại - MMT) thúc đẩy đáng kể tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu.

10. Nợ quốc gia của Mỹ tăng lên [thông qua quá trình phát hành trái phiếu], khiến giới đầu tư bán bớt trái phiếu Mỹ, đẩy lợi suất ngắn hạn lên cao hơn trái phiếu dài hạn, gây ra tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược.

11. Chênh lệch cung và cầu về tín phiếu Kho bạc Mỹ, lãi suất mà ngân hàng trung ương cho vay tới các ngân hàng thương mại tăng đột biến.

12. FED chần chừ cắt giảm lãi suất trong năm bầu cử.

13. Chính sách tín dụng thắt chặt, làm gia tăng chênh lệch lợi suất dành cho trái phiếu được phát hành bởi công ty được xếp hạng tín nhiệm CCC và các công ty được xếp hạng BBB (hoặc khi các công ty đi vay thì mức lãi suất cũng sẽ khác nhau, tùy theo xếp hạng tín dụng).

14. Chính sách tín dụng thắt chặt làm gia tăng chênh lệch lãi suất đi vay của các cá nhân được xếp hạng tín dụng CCC và BBB trong tín dụng tiêu dùng.

15. Thiên thần rơi (Fallen Angels): Nhiều công ty bị hạ tín nhiệm xuống mức BBB, và hạ từ BBB xuống các mức xếp hạng thấp hơn.

16. Chính sách lãi suất âm khiến các nhà đầu tư toàn cầu bước đổ xô đến các công cụ nợ tại Mỹ, vốn cho lợi suất cao hơn.

17. Lợi nhuận doanh nghiệp giảm, khiến các công ty không có nhiều tiền để thực hiện mua lại trái phiếu/cổ phiếu.

18. Sự suy thoái của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu khiến thị trường và nền kinh tế toàn cầu suy giảm.

19. Giá nhà tăng cao ở Úc, Canada và Thụy Điển.

20. Bất ổn liên quan đến Brexit tiếp tục kéo dài.

►Thị trường tài chính Mỹ trải qua năm tồi tệ nhất

Thị trường tài chính 438 triệu khách hàng của fintech

Doanh nghiệp vốn mỏng: Thách thức thị trường tài chính

Nguồn CNBC


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày