Lãi suất thay đổi, nhà đầu tư cũng đổi thay
Bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, Phó phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS). Ảnh: T&H Communications.
Trong 3 năm trở lại đây, tình hình kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng lớn của nhiều sự kiện. Trong đó, COVID-19 giống như một sự kiện bất khả kháng và có tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngoài ra, diễn biến gần đây là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng có những tác động lớn đến nền kinh tế. Hai sự kiện này đều có điểm chung khi làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở khía cạnh kinh tế, COVID-19 khiến các nước phải đóng cửa biên giới, hàng hóa không thể giao thương, trong nước thì các đợt giãn cách xã hội, các nhà máy đóng cửa khiến hàng hóa bị trì trệ. Còn cuộc chiến giữa Nga và Ukraine làm khả năng vận chuyển hàng hóa đến khu vực có xung đột bị gián đoạn, dẫn đến cuộc khủng hoảng về lương thực thực phẩm, khủng hoảng về năng lượng. Khi có sự gián đoạn như vậy, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng lên rất là nhiều. Ngoài ra, nó còn được giao thoa, cộng hưởng với một lượng tiền được cung ứng ra thị trường rất là lớn trong giai đoạn dịch bệnh, thông qua các gói hỗ trợ về tiền tệ và chính sách tài khóa của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới.
Như vậy, 1 bên là tiền rẻ, một bên là nhu cầu vẫn còn nhưng hàng hóa khan hiếm, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng vọt, đây chính là tiền đề của lạm phát. Và chắc chắn hai từ 'lạm phát' đã xuất hiện và trở thành nỗi lo của nhiều nhà đầu tư từ giữa năm 2021. Bằng chứng là cả Mỹ và châu Âu đều công bố những con số lạm phát rất kinh khủng.
Để kiềm chế lạm phát, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã bắt đầu tăng lãi suất. Đối với Việt Nam, thì từ đầu năm đến nay, lãi suất điều hành chưa tăng, tuy nhiên, câu chuyện về lãi suất mọi người đều có thể cảm nhận được qua lãi suất cho vay và lãi suất huy động đã tăng nhẹ trong từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, áp lực tăng lãi suất còn đến từ việc điều hành tỉ giá khi FED tăng lãi suất, đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác và đồng VND cũng không ngoại lệ.
Nguồn: ACBS. |
Số liệu từ Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), đồng VND trên thị trường liên ngân hàng mất giá từ đầu tháng 4/2022 chủ yếu do áp từ việc tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn.
ACBS ước tính, từ đầu năm đến cuối tháng 6/2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra tới 15 tỉ USD; kể từ tháng 7/2022, khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỉ giá chào bán từ 23.250 đồng lên 23.400 đồng, ACBS ước tính thêm 5,7 tỉ USD đã được bán ra, dẫn đến dự trữ ngoại hối giảm xuống còn khoảng 90 tỉ USD. Như vậy, theo ước tính của ACBS, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 20,7 tỉ USD trong những tháng đầu năm 2022.
Trong tương lai, để điều hành tỉ giá thì công cụ lãi suất cũng sẽ được áp dụng. Như vậy thì câu hỏi đặt ra là lạm phát, tỉ giá và lãi suất sẽ tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán của Việt Nam?
Lãi suất thay đổi, nhà đầu tư ‘đổi thay’
Có thể nói lãi suất sẽ ảnh hưởng đến hành vi của mỗi con người chúng ta. Điển hình như việc mỗi nhà đầu tư đều có một nguồn tiền nhàn rỗi và tìm kiếm những cơ hội đầu tư để sinh lợi trên số vốn đó. Đối với dòng tiền trên thị trường chứng khoán, trong thời gian qua nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường chứng khoán với lý do phổ biến là lãi suất tiền gửi ngân hàng quá thấp, nhà đầu tư chọn ‘gửi gắm tiền’ vào thị trường chứng khoán với mong muốn nhận được mức lợi nhuận cao hơn.
Khi mà lãi suất tiền gửi tăng lên, một số nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp có thể sẽ quay về với tiền gửi ngân hàng, tuy là lợi suất thấp hơn nhưng lại an toàn hơn. Còn với những nhà đầu tư vẫn tiếp tục ở lại thị trường chứng khoán thì dưới áp lực của lãi suất và lạm phát, nhà đầu tư sẽ yêu cầu mức sinh lời cao hơn, gây áp lực lên giá cổ phiếu, để đạt được mức lợi nhuận cao hơn thì mặt bằng giá cổ phiếu phải giảm.
Nguồn: ACBS. |
Nhìn vào biểu đồ tương quan giữa chỉ số thị trường chứng khoán và lãi suất, cũng như là định giá của thị trường chứng khoán và lãi suất thì gần như là tỉ lệ nghịch. Đối với những doanh nghiệp niêm yết, lãi suất cho vay có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện của một doanh nghiệp, nhất là khi doanh nghiệp sử dụng nhiều nợ vay. Còn nhớ những năm 2011 khi lạm phát ở mức 18% và lãi suất trên 20%, thì nhiều doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt, triển vọng ngành tốt nhưng phải vay nợ quá nhiều khiến chi phí lãi vay nuốt hết toàn bộ lợi nhuận. Như vậy, tỉ lệ vay nợ và lãi suất vay trên thị trường là những yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm khi chọn lựa cổ phiếu để đầu tư vào. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần quan sát động thái của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới để có những động thái rất phù hợp.
Bài viết được Phóng viên thuật lại từ chia sẻ của bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, Phó phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) tại Hội thảo đầu tư với chủ đề “Chuyển mình cùng thị trường” .
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư