Khối tự doanh vẫn "gom" mạnh những cổ phiếu nào?

Hình ảnh minh họa: TL.
Phiên giao dịch cuối tuần (17/6) khép lại, chỉ số VN-Index giảm hơn 19 điểm, lùi về mốc 1.217 điểm. Lực bán xuất hiện ở ngay từ đầu phiên sáng, đã có lúc chỉ số giảm hơn 30 điểm với nhiều cổ phiếu giảm sàn. Tuy nhiên, lực cầu giá thấp gia tăng ở một số cổ phiếu đã khiến đà giảm của chỉ số thu hẹp dần.
Trên thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán tham gia vào thị trường với tư cách vừa là nhà đầu tư, vừa là đơn vị cung cấp dịch vụ, tư vấn nên việc “soi” danh mục cũng như động thái mua bán ròng của khối tự doanh luôn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.
![]() |
Quan sát trong những phiên giao dịch gần đây, khối tự doanh liên tục có động thái mua ròng đối với 3 cổ phiếu GAS, DPM và DCM. Số liệu thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), khối tự doanh của các công ty chứng khoán đã mua ròng hơn 9,4 tỉ đồng trên toàn sàn HOSE ở phiên giao dịch 17/6. Dẫu vậy, DPM, DCM và GAS vẫn được khối này gom mạnh với giá trị lần lượt là 50 tỉ đồng; 33,6 tỉ đồng và 31,7 tỉ đồng. Dữ liệu tổng hợp của NCĐT cho thấy, đây đã là phiên thứ 3 liên tiếp khối tự doanh có động thái “gom” các cổ phiếu này.
Nhìn nhận về diễn biến chung của thị trường, thị trường đã có một tuần giao dịch (13-17/6) rung lắc mạnh, diễn biến giảm điểm đồng pha với thị trường thế giới và chỉ có 2 phiên phục hồi kỹ thuật khi chỉ số chung chạm hỗ trợ mạnh quanh 1.200 điểm.
Áp lực bán chủ động liên tục xuất hiện khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục mất điểm. Duy nhất chỉ có nhóm cổ phiếu điện, nước còn giữ được mức tăng tích cực trên 5%. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 cũng chịu áp lực điều chỉnh mạnh và tạo áp lực lớn lên VN Index kéo chỉ số chung giảm điểm và đóng cửa tuần tại 1.217,3 điểm, giảm 5,2% so với tuần trước. Trái ngược với dòng tiền khối nội, khối ngoại tỏ ra tích cực hơn khi có 1 tuần mua ròng với giá trị đạt gần 700 tỉ đồng.
![]() |
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chỉ số VN-Index tuần vừa qua chịu áp lực bán chủ động liên tiếp khiến cho chỉ số chung giảm điểm sâu về khu vực 1.210 điểm. Thanh khoản có phần sụt giảm cho thấy dòng tiền đang rút ra, nhất là trước sự biến động của thị trường cũng như những thông tin vĩ mô tiêu cực trên thế giới.
VCBS đánh giá hiện tại, vùng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm vẫn đang trụ vững nên sự kỳ vọng về đợt phục hồi ngắn hạn vẫn còn. Tuy nhiên nếu VN-Index đánh mất vùng điểm số này thì rủi ro chỉ số lùi về 1.170 điểm hoặc xấu hơn là 1.130 điểm, tương ứng với 2 mốc Fibonacci mở rộng 0,382 và 0,5 là khá cao.
“Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường, hạn chế bắt đáy và chỉ nên nắm giữ những cổ phiếu thuộc nhóm ngành có lực cầu tốt như điện, nước, dịch vụ thiết yếu để chờ đợi thị trường cho tín hiệu ổn định hơn rồi mới cân nhắc tới chuyện gia tăng trở lại tỉ trọng cổ phiếu so với tiền mặt”, VCBS nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Khối tự doanh vẫn "gom mạnh" DPM, DCM và GAS
Khối tự doanh mua mạnh cổ phiếu phân bón
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư