Tài Chính

Lienvietpostbank đặt mục tiêu thay đổi mạnh mẽ trong nhiệm kỳ mới

Nguyễn Xuân Chủ Nhật | 23/04/2023 17:18

Đoàn Chủ toạ ĐHĐCĐ LPBank.

Ngân hàng đưa ra nhiều kế hoạch tham vọng về tăng vốn điều lệ, lợi nhuận và tìm kiếm cổ đông chiến lược.
Đoàn Chủ toạ ĐHĐCĐ LPBank.

Ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank - LPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Tại Đại hội, theo ông Nguyễn Đức Thuỵ, Chủ tịch HĐQT LPB, kết thúc năm 2022, tổng tài sản Ngân hàng đạt gần 350.000 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay thị trường 1 đạt gần 236.000 tỉ đồng, huy động vốn từ thị trường 1 đạt gần 250.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.690 tỉ đồng.

Cũng trong năm 2022, LPB hoàn thành triển khai đồng thời hai chuẩn mực Basel III và IFRS9, hai chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro và báo cáo tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Hiện nay, LBBank có mạng lưới lớn nhất với hơn 1.200 điểm giao dịch trên cả nước.

Theo ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPB, năm 2023, Ngân hàng lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỉ đồng, tăng 310 tỉ đồng so với năm 2022, tức tăng trưởng 5,4%. Năm nay, LPB có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ; dự kiến phát hành 328,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỉ lệ chia 19%. Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 3.285 tỉ đồng. 

Ngoài ra, Ngân hàng còn có kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu 500 triệu cổ phiếu, tương đương quy mô 5.000 tỉ đồng. Ngân hàng cũng có kế hoạch chào bán riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, tương đương quy mô theo mệnh giá là 3.000 tỉ đồng. Tỉ lệ sở hữu cổ phiếu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài saukhi phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cho nhà đầu tư nước ngoài là 15,5% vốn điều lệ. "Ngân hàng vẫn đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư nhà đầu tư chiến lược trong quá trình tăng vốn điều lệ, trong đó có tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài phù hợp", ông Tiến nhấn mạnh.

Một sự kiện đáng chú ý liên quan LPB là mới đây, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã hủy đấu giá gần 141 triệu cổ phiếu LPB mà Tổng công ty này đang sở hữu, tương đương 10,15% vốn điều lệ của Ngân hàng. Được biết, giá khởi điểm được công bố là 22.908 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với thị giá hiện tại của LPB. "Nếu VNPost không thoái vốn thành công cũng không ảnh hưởng gì tới quan hệ chiến lược giữa hai bên", ông Tiến cho biết.

Ra mắt HĐQT của LPB tại ĐHĐCĐ 2023
Ra mắt HĐQT của LPB tại ĐHĐCĐ 2023

Bên cạnh đó, LPB dự kiến phát hành 10 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Sau khi hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của LPBank sẽ tăng thêm 11.385 tỉ đồng, từ 17.291 tỉ đồng lên 28.676 tỉ đồng.

Cũng theo lãnh đạo của LPB, năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng là hơn 26.000 tỉ đồng, trong đó tín dụng nông thông là 14.000 tỉ đồng. Hiện nay, LPBank không đầu tư hay phân phối trái phiếu doanh nghiệp nên không gặp bất lợi do biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.

Phần lớn khoản đầu tư trái phiếu của LPB lên quan đầu tư trái phiếu chính phủ để tăng khả năng thanh khoản và một phần nhỏ đầu tư trái phiếu của tổ chức tín dụng uy tín trên thị trường.

Một nội dung quan trọng khác, LPB bầu thành viên Hội đồng Quản trị và thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ IV (2023-2028). Danh sách thành viên dự kiến tham gia HĐQT có 7 người, gồm: ông Nguyễn Đức Thuỵ (hiện là Chủ tịch HĐQT LPB), ông Huỳnh Ngọc Huy (đang là Phó Chủ tịch HĐQT), ông Lê Hồng Phong (đang là thành viên HĐQT), ông Nguyễn Văn Thuỳ, ông Lê Minh Tâm, ông Hồ Nam Tiến (đang là Quyền TGĐ), ông Bùi Thái Hà (đang là Phó TGĐ thường trực). Bên cạnh đó, LBP trình Đại hội phương án đổi tên ngân hàng từ Lienvietpostbank thành LPBank.

Sau đại hội cổ đông thường niên năm 2023, HĐQT ngân hàng đã có cuộc họp và thống nhất bầu ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT. "Định hướng chiến lược của LBBank vẫn là tập trung vào cột trụ số hoá, bán lẻ, tăng tỉ trọng từ hoạt động phi tín dụng...", ông Thuỵ cho biết. 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày