Một Phó Tổng Giám đốc chi tiền tỉ mua cổ phiếu VPB
Ảnh: Ngân hàng TMC
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB) vừa thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ. Theo đó, Phó Tổng Giám đốc của VPBank, Nguyễn Thanh Bình đã đăng ký mua vào 350.000 cổ phiếu VPB theo phương thức khớp lệnh, để phục vụ nhu cầu tài chính. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch là từ ngày 27/3-25/4. Nếu giao dịch diễn ra thành công, vị Phó Tổng này sẽ sở hữ 922.364 cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 0,01368% vốn cổ phần tại VPBank.
Kết thúc phiên giao dịch 24/3, cổ phiếu VPB đóng cửa ở mức giá 21.150 đồng/cổ phiếu. Nếu tính theo giá này, ông Nguyễn Thanh Bình ước tính sẽ chi khoảng 7,4 tỉ đồng để mua cổ phiếu VPB.
Nhìn nhận về diễn biến giá của VPB, có thể thấy cổ phiếu này trong tháng 3 vừa qua đã ghi nhận đà tăng khá tốt. Lũy kế từ đầu tháng 3 đến hết phiên giao dịch 24/3, VPB đã đạt mức tăng hơn 25,5% về thị giá. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng khá tốt khi đa phần khối lượng giao dịch trong tháng 3 đều cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất, đạt bình quân hơn 19,2 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Nhìn nhận chung về ngành ngân hàng, cuối năm 2022, ngành ngân hàng vẫn đối mặt với hiện tượng căng thẳng thanh khoản khi tăng trưởng cung tiền thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng; và hệ số LDR (tỉ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động) của các ngân hàng đều tăng lên đáng kể so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, áp lực này đã phần nào dịu bớt khi lãi suất hạ nhiệt trước thông điệp “bớt diều hâu” hơn từ FED và nỗ lực hỗ trợ thanh khoản từ Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) qua việc tích cực mua vào ngoại tệ; và tác động của Thông tư 26/2022.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, lo ngại về chất lượng tài sản xấu đi là lý do chính khiến nhà đầu tư có tâm lý “dè chừng” với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Nhà đầu tư cho rằng các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận một cách bền vững hơn trong dài hạn, nếu như chất lượng tài sản thực sự được cải thiện. Vì vậy, một khi rủi ro về nợ xấu có dấu hiệu được giải quyết, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ.
“Chúng tôi kỳ vọng bức tranh toàn ngành sẽ tích cực hơn vào nửa cuối 2023, khi áp lực tỉ giá và lãi suất hạ nhiệt, thanh khoản cải thiện cùng với hiệu lực của Nghị định 08/2023. Về ngắn hạn, chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng và ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động (quản trị rủi ro tốt và đa dạng hóa danh mục cho vay)”, VNDirect nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường chứng khoán Việt sẽ thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển?
Xu hướng của thị trường vẫn chưa rõ ràng
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư