Tài Chính

Ngân hàng “hút tiền”, VN-Index tăng hơn 11 điểm

Việt Hà Thứ Năm | 21/11/2024 17:20

Sắc xanh lan tỏa trên sàn HOSE. Ảnh: Fiintrade.

Phiên giao dịch 21/11, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục ghi nhận đà tăng mạnh dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Sắc xanh lan tỏa trên sàn HOSE. Ảnh: Fiintrade.

Kết phiên, VN-Index tăng 11,8 điểm, đóng cửa trên mốc 1.228 điểm với 278 mã tăng và 94 mã giảm. Thanh khoản trên thị trường có phần sụt giảm so với phiên giao dịch trước, khi đạt hơn 12.100 tỉ đồng. 

Nhóm cổ phiếu VN30 dẫn dắt đà tăng của thị trường khi tăng gần 15 điểm với 24 mã tăng. Giá trị giao dịch của nhóm này cũng chiếm hơn 61,2% trong tổng giá trị giao dịch ở sàn HOSE. 

Chi tiết từng nhóm ngành, dữ liệu từ VDSC cho thấy, 16/18 nhóm ngành được phủ sắc xanh ở phiên giao dịch 21/11 này. Trong đó, ngân hàng, bán lẻ và hóa chất là 3 nhóm có mức tăng mạnh và đóng góp tích cực nhất vào đà tăng của chỉ số. 

Nhóm cổ phiếu tác động lớn đến VN-Index theo chiều tăng/giảm. Ảnh: VNDirect.
Nhóm cổ phiếu tác động lớn đến VN-Index theo chiều tăng/giảm. Ảnh: VNDirect.

Chi tiết về nhóm cổ phiếu ngân hàng, dữ liệu từ SSI cho thấy, phiên giao dịch 21/11 có 16/27 cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Dẫn đầu là CTG, VPB và STB với mức tăng hơn 2%. Phần còn lại có đà tăng từ dưới 1% đến dưới 2%. Ở chiều ngược lại, PGB, NVB và EIB lại “phủ sắc đỏ” khi giảm hơn 1%, ngoại trừ EIB giảm 0,28%. 

Lợi nhuận trước thuế quý III/2024 của các ngân hàng niêm yết tăng trưởng 17,0% so với cùng kỳ, nhưng giảm 8,3% so với quý trước, chủ yếu do NIM thu hẹp. 

“Chúng tôi kỳ vọng NIM trong quý IV/2024 sẽ ổn định ở mức thấp hiện tại do áp lực cạnh tranh cho vay. Điểm tích cực từ bức tranh kết quả kinh doanh quý III là nợ xấu gần như đã đạt đỉnh ở hầu hết các ngân hàng lớn, trong khi chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng không tăng.​

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có đà tăng mạnh và tác động tích cực nhất đến chỉ số chung. Ảnh: VDSC.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có đà tăng mạnh và tác động tích cực nhất đến chỉ số chung. Ảnh: VDSC.

Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi ưa thích các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt so với ngành như ACB, VCB, BID và CTG. Ngoài ra, để đón đầu cho sự phục hồi về tiêu dùng bán lẻ trong trung hạn, VIB và VPB là hai ngân hàng có thể quan sát và tích lũy”, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định. 

Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán Asean cho biết họ duy trì quan điểm thị trường sẽ tiếp tục có các phiên hồi phục chậm rãi. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để cân nhắc giải ngân với tỉ trọng hợp lý. 

“Nhà đầu tư nên theo sát diễn biến dòng vốn từ khối ngoại và xu hướng vận động của chỉ số DXY, cũng như tỉ giá USD/VND trong nước để tiếp tục đánh giá mức độ rủi ro của áp lực tỉ giá và thanh khoản thị trường, tập trung vào các cổ phiếu đầu tư dài hạn có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng kinh doanh tích cực, giải ngân khi thị trường có các dấu hiệu hồi phục rõ ràng và định giá cổ phiếu về mức hấp dẫn”, Chứng khoán Asean nhận định. 

Trong khi đó, ở góc nhìn thận trọng hơn, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) khuyến nghị nhà đầu tư tránh mua đuổi giá cao trong các nhịp hồi phục, tranh thủ hạ tỉ trọng các vị thế ngắn hạn hoặc cơ cấu lại danh mục tại quanh các vùng kháng cự.

Có thể bạn quan tâm 

Ngân hàng, bất động sản “hồi sinh”, VN-Index tăng hơn 11 điểm


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày