Ngân hàng tư nhân bứt tốc
Năm qua, động lực tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đến từ khối tư nhân như VIB, TPBank, MSB, OCB, Techcombank, MB.
2021 là năm tăng vốn mạnh mẽ nhất của ngành ngân hàng, với vốn điều lệ tăng thêm là 110.000 tỉ đồng, theo Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, không phải nhóm Big 4 mà VPBank đã dẫn đầu về tăng vốn khi tăng tới 80% lên 44.400 tỉ đồng. Đà tăng này đã giúp VPBank từ thứ 7 nhảy vọt lên thứ 4, chỉ đứng sau BIDV, VietinBank, Vietcombank trong bảng xếp hạng.
Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác như MB, SHB, TPBank, VIB, HDBank… cũng tăng vốn khủng. Nhờ đó, Top 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất năm 2021 đã có thêm sự hiện diện của SHB, HDBank.
Nhóm tư nhân tăng tốc
Mặt khác, SSI Research cho biết, thị trường đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao chưa từng có tại các ngân hàng quốc doanh nên Vietcombank, VietinBank đã gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân, do thường đạt các tiêu chí về vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), khả năng quản trị rủi ro (chuẩn mực Basel II) nên được ưu tiên cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành. Năm ngoái, TPBank là ngân hàng được cấp room tín dụng cao nhất, lên tới 23,4%. Kế đó là Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Riêng VIB, VPBank, OCB cũng trong nhóm các ngân hàng được cấp room tín dụng cao.
Năm qua, động lực tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đến từ khối tư nhân như VIB, TPBank, MSB, OCB, Techcombank, MB. Đây là các ngân hàng có tỉ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) và NIM cao, theo báo cáo của VISecurities. Các ngân hàng này đang tích cực số hóa để vừa tăng tỉ lệ CASA, vừa giúp khách hàng thuận tiện hơn trong thanh toán, giảm được chi phí hoạt động và tăng chất lượng tài sản.
Techcombank, MB, VPBank, ACB, VIB, HDBank cũng lọt vào Top 10 ngân hàng đạt lợi nhuận cao nhất năm 2021. Đáng chú ý, lợi nhuận tại Techcombank tăng tới 47%, đạt 23.238 tỉ đồng, bỏ xa “ông lớn” VietinBank. MB cũng sắp bắt kịp VietinBank với lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt hơn 16.257 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi năm trước. Riêng KienlongBank dẫn đầu với mức tăng trưởng lợi nhuận là 558%, đạt 1.010 tỉ đồng. SeABank, MSB, VietABank có mức tăng 3 con số.
Phải thế chăng mà cuối năm 2021 giá cổ phiếu TPB, VIB, MSB, LPB... đã tăng gấp đôi. Giá cổ phiếu OCB, ACB, MBB, VPB, HDB cũng tăng gấp rưỡi. Trong khi đó, các cổ phiếu nhóm ngân hàng quốc doanh lại có mức tăng khiêm tốn hơn.
Giới phân tích tin rằng, năm 2022 các ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng lớn hơn để mở rộng cho vay, hỗ trợ khách hàng, giúp nền kinh tế phục hồi. Điều đó sẽ tạo thêm bệ đỡ cho lợi nhuận của cả nhóm ngân hàng quốc doanh lẫn tư nhân trong năm nay. Trong đó, MB, Vietcombank có thể sẽ được ưu tiên hơn vì được chỉ định tiếp nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Xây Dựng (CB Bank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).
Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc của MB, cho biết có 3 phương án để MB xử lý: tái cơ cấu, sáp nhập vào MB để tăng quy mô của MB; MB có thể bán đi như một khoản đầu tư; MB cũng có thể IPO để chuyển thành ngân hàng cổ phần. Dù chọn phương án nào, theo ông Thái, báo cáo tài chính của Ngân hàng sẽ không phải hợp nhất cho tới khi MB quyết định sáp nhập với tổ chức tín dụng này.
Đây cũng là cách làm dự kiến của Vietcombank. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phạm Quang Dũng cho biết Vietcombank sẽ không góp vốn khi tổ chức tín dụng đó còn lỗ lũy kế. Ngân hàng cũng không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của ngân hàng đó trong thời gian thực hiện phương án. Vietcombank chỉ tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ, đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ai bị tụt lại?
Không thể phủ nhận vai trò của nhóm Big 4 BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank. Năm 2021, chỉ riêng Vietcombank, BIDV và VietinBank đã cung cấp vốn cho nền kinh tế với gần 50% trong cả ngành ngân hàng.
Hơn nữa, trong số các ngân hàng tư nhân, không phải ngân hàng nào cũng vượt lên. Sacombank, Eximbank vì chưa tăng được vốn nên đã bị tụt lại. Eximbank từng xếp thứ 5 vào năm 2012 nhưng cuối năm 2021 đã rớt xuống vị trí thứ 18 và bị một loạt ngân hàng như OCB, TPBank, MSB, SeABank qua mặt. Riêng VietABank, VietBank, Viet Capital Bank, KienlongBank, Nam A Bank dù nỗ lực tăng vốn nhưng mức tăng không đáng kể. Kết quả là các ngân hàng này vẫn trong nhóm những ngân hàng nhỏ, chỉ bằng 1/10 so với BIDV, thậm chí thấp hơn.
Về phía GPBank, DongA Bank vẫn đang tìm phương án cơ cấu. Đây là 2 ngân hàng bị đánh giá yếu kém và từng lên phương án sẽ sáp nhập vào HDBank, nhưng cuối cùng không diễn ra. Chưa rõ GPBank, DongA Bank sẽ tiếp tục chờ sắp xếp hay học theo Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) là tự tái cấu trúc bằng nội lực.
Một vấn đề lo ngại khác là trong số các ngân hàng có nợ xấu cao, nhóm ngân hàng tư nhân chiếm tỉ lệ không nhỏ, buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. MB đã tăng trích lập lên 268%, lên hơn 8.700 tỉ đồng. Hay VPB, MSB cũng tăng hơn 100% con số trích lập dự phòng. VISecurities cho rằng, cần đánh giá thực chất các khoản dự phòng nợ xấu. Ngân hàng nào đã trích dự phòng đầy đủ cho các khoản vay tái cơ cấu như Techcombank, ACB, MBB thì sẽ triển vọng tích cực hơn.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư