Tài Chính

“Oxy liều cao” giãn nợ

Nguyễn Sơn Thứ Ba | 21/03/2023 14:00

Thị trường trái phiếu vẫn rất mong manh. Ảnh: Quý Hoà.

Gia hạn thời gian thanh toán giúp thị trường trái phiếu tránh đổ vỡ dây chuyền nhưng chưa giúp doanh nghiệp có lời giải triệt để.
Thị trường trái phiếu vẫn rất mong manh. Ảnh: Quý Hoà.

Sau thời gian dài đề xuất, điều mong mỏi của nhiều doanh nghiệp đã được toại nguyện khi Chính phủ chính thức thông qua Nghị định 08 mới về phát hành trái phiếu. Với nhiều điều khoản có lợi cho đơn vị phát hành, liệu đây có phải là chiếc phao cứu sinh hay chỉ là oxy liều cao, “trợ thở” cho một số doanh nghiệp đang ngập trong nợ nần?

Ngăn đổ vỡ dây chuyền 

Thị trường trái phiếu vẫn rất mong manh. 2023-2024 sẽ là 2 năm đỉnh điểm thách thức khi lượng đáo hạn của các doanh nghiệp lên tới 428.000 tỉ đồng (theo FiinRatings), tập trung chủ yếu ở khối bất động sản. Áp lực nợ đến hạn lớn trong bối cảnh doanh thu và chất lượng lợi nhuận suy giảm khiến số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có thể gia tăng.

 

Theo thống kê của DKRA Vietnam, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản xin tạm ngừng hoạt động tăng hơn 57% so với cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp giải thể cũng ghi nhận mức tăng 20% so với 2 tháng đầu năm 2022. Nhiều doanh nghiệp y buộc phải giảm lương, cắt giảm khoảng 50% số lượng nhân sự để duy trì hoạt động, công suất làm việc tại nhiều doanh nghiệp chỉ còn khoảng 25-30% so với cùng kỳ.

Vì vậy, Nghị định 08 ra đời được kỳ vọng sẽ ngăn ngừa đổ vỡ dây chuyền và vực dậy niềm tin của thị trường. Điểm quan trọng nhất là cho phép gia hạn thời gian thanh toán, điều chỉnh kỳ hạn lên tối đa là 2 năm.

“Có thể thấy trong 2 năm tới, số lượng trái phiếu đến hạn thanh toán tập trung rất nhiều. Vì vậy, nếu không có giải pháp hỗ trợ tạm thời thì nói thẳng ra các doanh nghiệp sẽ không có khả năng trả nợ”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam,F nhận định.

Ý quan trọng thứ 2 của Nghị định 08 là cho phép tổ chức phát hành được phép chuyển đổi trái phiếu bằng các tài sản khác (như bất động sản hình thành trong tương lai, đất nền, cổ phiếu...) theo thỏa thuận giữa các bên. Việc này có thể xem là bước ngoặt lớn vì trước đây chưa có khung pháp lý cho phép việc chuyển đổi này.

Do đó, những người mua trái phiếu rất hoang mang, không biết họ có được phép nhận các tài sản đó hoặc có được pháp luật bảo vệ hay không? Nghị định 08 có thể nói là công cụ để hoàn thiện khung pháp lý về việc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác bên cạnh tiền mặt.

“Nhìn chung, Nghị định 08 được xem là giải pháp giúp lãnh đạo một số doanh nghiệp cảm thấy nhẹ nhõm hơn chút ít. Nó chỉ đơn giản là tác động lên các doanh nghiệp nghiệp đang phát hành trái phiếu và đang gặp khó khăn trong việc đáo hạn”, bà Dung nói.

Áp lực vẫn đè nặng  

Thế nhưng, Nghị định 08 lại dẫn đến một số khúc mắc khác. Điển hình là tài sản khác dùng để thanh toán cho lô trái phiếu là tài sản gì và xác định giá trị tài sản đó như thế nào là hợp lý. Hầu hết tài sản doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang nắm trong tay đều là tài sản hình thành trong tương lai, thậm chí đang xây dựng dở dang. Các tài sản này rất khó để định giá khi giá trị thay đổi liên tục. Có thể cách đây 1-2 năm, đây là tài sản có giá trị lớn nhưng sau nhiều đợt điều chỉnh trên thị trường, giá trị của chúng có thể giảm.

 

Do đó, theo phân tích của CBRE Việt Nam, sẽ không dễ thuyết phục nhà đầu tư trái phiếu chấp nhận tài sản thanh toán. Bởi vì, nếu nhận được tài sản chưa xây xong, chưa hoàn thiện sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho người mua trái phiếu, đi kèm với các yếu tố rủi ro về dòng tiền và kinh doanh cho bản thân họ.

Đây là thế mắc kẹt mà doanh nghiệp muốn chuyển sang cho người mua trái phiếu. “Do đó, câu chuyện chính vẫn là quay trở lại vấn đề thanh khoản của thị trường. Một khi thanh khoản thị trường rất tốt thì doanh nghiệp mới có thể thuyết phục được trái chủ đồng ý chuyển đổi thanh toán bằng tiền sang tài sản khác”, bà Dung nhận định.

Một hướng đi khác có thể giúp doanh nghiệp là phát hành trái phiếu mới để đảo nợ và có thêm nguồn vốn mới để rót vào các dự án dở dang trong bối cảnh tín dụng ngân hàng ngày càng bị siết. Dù vậy, cách này cũng khó lòng tiến hành vào thời gian tới khi lãi suất vẫn đang ở mức đỉnh.

Theo FiingRatings, hiện tâm lý nhà đầu tư, nhất là cá nhân vẫn ưu tiên chọn kênh tiền gửi tiết kiệm có mức lãi suất cao 9-10%. Điều đó cho thấy một số ngân hàng nhỏ hiện nay và niềm tin vào kênh đầu tư trái phiếu vẫn cần thời gian để khôi phục sau các sự kiện vi phạm trong năm trước cũng như rủi ro vi phạm nghĩa vụ nợ đang gia tăng, nhất là với trái phiếu bất động sản.

Bên cạnh đó, các ngân hàng với vai trò là đơn vị mua và kinh doanh trái phiếu lớn nhất vẫn đang trong quá trình cân nhắc và đợi chờ những định hướng chính sách cụ thể trong việc giải ngân hạn mức tín dụng cho năm 2023, cũng như những thay đổi chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Nếu Nghị định 08 có lẽ chỉ giúp giải tỏa phần nào áp lực ngắn hạn cho các tổ chức phát hành trái phiếu, một câu hỏi đặt ra là: “Liệu thời gian giãn nợ 2 năm tới có đủ để thị trường ấm lên và chủ đầu tư sẽ xoay được tiền để trả nợ?".

Có thể bạn quan tâm: 

Chiến lược giải ngân dần khi thị trường ở vùng tích lũy


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày