Quỹ cổ phiếu toàn cầu tăng tốc trong tháng 2
Lượng vốn vào ròng đối với quỹ thị trường tiền tệ trên toàn cầu đã giảm gần một nửa so với tháng 1, ghi nhận ở mức vào ròng 60 tỉ USD. Ảnh: TL.
Tỉ trọng tiền mặt theo khảo sát từ Bank of America cũng đã giảm xuống 4,2%, từ mức đỉnh hơn 5,3% vào tháng 10/2022.Số liệu từ Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), tổng giá trị giải ngân vào quỹ cổ phiếu trên toàn cầu trong tháng 2 bật tăng lên 47,5 tỉ USD, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Trong đó, dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển bật tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2023, ghi nhận vào ròng 23 tỉ USD trong tháng 2. Sức hút từ thị trường Mỹ vẫn duy trì, với việc vào ròng 18,8 tỉ USD nhờ kết quả kinh doanh tích cực và dòng tiền vào mạnh ở nhóm công nghệ.
Nguồn: SSI Research. |
Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường đang phát triển cũng bật tăng lên 24,5 tỉ USD. Trong đó thị trường Trung Quốc ghi nhận mức vào ròng theo tháng cao nhất trong 4 năm qua, nhờ dòng tiền từ các quỹ ETF. Theo SSI Research, triển vọng đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn khá ảm đảm, thông qua việc các quỹ chủ động đã rút ròng tháng 11 liên tiếp.
Trong khi các thị trường châu Á lớn khác đều ghi nhận có dòng tiền giải ngân tốt trong tháng 2, trong đó đáng chú ý nhất bao gồm Ấn Độ (+3,1 tỉ USD), Indonesia (+70 triệu USD). Dòng vốn vào nhóm thị trường có thế mạnh về công nghệ như Đài Loan hay Hàn Quốc bất nhờ hạ nhiệt trong tháng 2. Thái Lan và Việt Nam ghi nhận là 2 thị trường bị rút ròng trong cả 2 tháng đầu năm 2024.
Thống kê từ Bank of America cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong tâm lý nhà đầu tư, với sự lạc quan về tăng trưởng toàn cầu đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2022 hay kỳ vọng FED sẽ giảm lãi suất trong năm nay.
Báo cáo của SSI Research cũng cho thấy tỉ trọng phân bổ vào cổ phiếu đang ở mức cao nhất trong hai năm, với việc phân bổ cho chứng khoán Mỹ đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.
Bên cạnh cổ phiếu, quỹ trái phiếu trên toàn cầu cũng chứng kiến dòng vốn vào ròng tháng thứ 14 liên tiếp, với tổng giá trị đạt 53,7 tỉ USD. Môi trường lãi suất cao giúp sức hút của quỹ trái phiếu thị trường phát triển, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn duy trì với mức giải ngân là 55,1 tỉ USD, trong khi quỹ trái phiếu thị trường đang phát triển thu hẹp cường độ rút ròng, xuống chỉ còn 1,4 tỉ USD trong tháng 2.
Trong khi ở chiều ngược lại, lượng vốn vào ròng đối với quỹ thị trường tiền tệ trên toàn cầu đã giảm gần một nửa so với tháng 1, ghi nhận ở mức vào ròng 60 tỉ USD.
“Việc giảm tốc giải ngân vào quỹ thị trường tiền tệ cho thấy tâm lý tích cực và dòng tiền đang tìm đến những tài sản rủi ro hơn. Tỉ trọng tiền mặt theo khảo sát từ Bank of America cũng đã giảm xuống 4,2%, từ mức đỉnh hơn 5,3% vào tháng 10/2022”, SSI Research cho hay.
Theo SSI Research, dòng tiền đầu tư vào các tài sản tài chính trong tháng 2 đạt 161 tỉ USD, chỉ bằng khoảng 1/3 mức vào ròng cao nhất trong 4 năm qua, trong đó dòng tiền vào quỹ cổ phiếu vẫn thấp hơn so với tiềm năng. Tuy nhiên, việc phân bổ tỉ trọng khá cân bằng giữa cổ phiếu, trái phiếu và quỹ thị trường tiền tệ cho thấy nhà đầu tư vẫn chuẩn bị cho kịch bản suy thoái xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
VDSC: Trạng thái danh mục nên tránh sử dụng đòn bẩy quá mức
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư