Tài Chính

Tác động của sự kiện quốc tế tới thị trường Việt Nam nghiêng nhiều về yếu tố tâm lý

Nhật Lệ Thứ Năm | 16/03/2023 14:54

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Nếu mức độ ảnh hưởng từ sự kiện này tới thị trường Mỹ không quá nghiêm trọng, thì tác động tới thị trường Việt Nam cũng sẽ không kéo dài.
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Cuối tuần qua, thị trường tài chính thế giới đã chao đảo trước sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) chỉ trong vòng 48 tiếng sau cuộc họp với các nhà đầu tư, trở thành ngân hàng có quy mô phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử thị trường tài chính toàn cầu (sau Washington Mutual năm 2008). Một số ý kiến lo ngại sự kiện này có thể dẫn tới hiệu ứng dây chuyền tới các ngân hàng khác tại Mỹ và thế giới.

 

Vấn đề chính của SVB nằm ở khả năng quản trị rủi ro thanh khoản khi SVB đã sử dụng tiền gửi của khách hàng (có tính chất ngắn hạn) để đầu tư phần lớn vào các chứng khoán có kỳ hạn dài. Theo đó, ngay khi các khách hàng đồng loạt thực hiện rút tiền khỏi ngân hàng, kết hợp yếu tố môi trường lãi suất cao dẫn tới suy giảm giá trị các khoản trái phiếu nắm giữ, SVB đã bị mất khả năng thanh toán và phải tạm ngừng hoạt động để FDIC xử lý tài sản.

Đối với thị trường Việt Nam, Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) nhận định tác động tới thị trường Việt Nam cũng sẽ nghiêng nhiều về yếu tố tâm lý nhà đầu tư (nếu có), tuy nhiên mức độ ảnh hưởng về ngắn hạn sẽ không quá lớn. 

Kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2007-2008 có diễn biến xấu hơn đáng kể so với thời điểm hiện tại. Năm 2007-2008, môi trường lạm phát, lãi suất và tỉ giá của Việt Nam đều ở mức cao trong lịch sử. Mặt bằng lãi suất ghi nhận ở vùng cao khoảng 20%/năm (lãi suất điều hành khi đó khoảng 12% - 14%/năm), trong khi tỉ giá thì có sự chênh lệch rất lớn giữa thị trường chính thức và thị trường chợ đen. Bên cạnh đó, áp lực về giá hàng hóa như giá xăng dầu leo thang, tình trạng đầu cơ lương thực cũng khiến giá gạo tăng 20 - 40% từ tháng 4 đến tháng 6/2008. Trong khi đó, hiện tại các áp lực về lạm phát, tỉ giá và lãi suất đã phần nào giảm nhiệt, thông qua các Quyết định và Nghị quyết được Chính phủ ban hành, sẽ giúp dòng vốn tín dụng của các ngân hàng, đầu tư của các doanh nghiệp phần nào được khơi thông.

 

Agriseco Research cũng chỉ ra, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay được giới hạn ở mức 34%, thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ vốn ngắn hạn đầu tư trung - dài hạn của các ngân hàng thương mại Mỹ (đơn cử như SVB ghi nhận tỉ lệ 66% trong năm 2022). Bên cạnh đó, Agriseco Research ước tính tỉ trọng giá trị trái phiếu chính phủ (thường có kỳ hạn dài) của các ngân hàng thương mại hiện nay chỉ chiếm từ 2% - 13% tổng tài sản. Điều này sẽ giúp các ngân hàng thương mại Việt Nam giảm thiểu rủi ro chênh lệch kỳ hạn và đáp ứng được các yêu cầu về thanh khoản.

“Đối với thị trường Việt Nam, về cơ bản sẽ không chịu tác động quá nhiều từ sự kiện này”, Agriseco Research nhận định. Tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của Việt Nam hiện đã được kiểm soát chặt chẽ (SVB có tỉ lệ cao gấp đôi so với quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN), đồng thời danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng chiếm quy mô khá nhỏ so với các ngân hàng ở Mỹ. 

Thêm vào đó, Agriseco Research đánh giá SVB cũng không mở hoạt động kinh doanh trực tiếp tại Việt Nam, do đó nền kinh tế sẽ không chịu tác động trực tiếp từ sự kiện này. “Nếu mức độ ảnh hưởng từ sự kiện này tới thị trường Mỹ không quá nghiêm trọng, thì tác động tới thị trường Việt Nam cũng sẽ không kéo dài”, Agriseco Research nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Tác động của sự kiện SVB lên tài chính khu vực châu Á là không lớn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày