Tài Chính

Tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục mở rộng ra nhiều nhóm ngành

Nguyễn Hoài Thứ Hai | 14/10/2024 14:30

Ngành hàng tiêu dùng thiết yếu đang có nhiều cơ hội duy trì tăng trưởng cao.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp đang được dự báo quay trở lại mức cao như với giai đoạn trước COVID-19.
Ngành hàng tiêu dùng thiết yếu đang có nhiều cơ hội duy trì tăng trưởng cao.

SSI Research vừa phát hành báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý III/2024 của 46 doanh nghiệp - ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Về triển vọng lợi nhuận, các công ty niêm yết trong danh sách theo dõi của SSI Research được dự báo sẽ tăng 15,5% trong năm 2024 và tiếp tục tăng 19,6% trong 2025. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục mở rộng ra nhiều nhóm ngành. Tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ có thể đạt mức 21,7% trong 6 tháng cuối năm 2024, tăng tốc đáng kể so với mức chỉ 6,2% trong 6 tháng đầu năm.

Trong số này, có 33 doanh nghiệp và ngân hàng được SSI Research nhận định là có kết quả tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Các công ty được dự báo tăng trưởng gồm ACB, BCM, BID, CTG, CTR, DCM, DGW, DPR, FPT, DMG, GVR, HAH, HDB, HDG, HPG, KBC, MBB, MSB, MSN, PAN, POW, PTB, PVD, PVT, STB, STK, TCB, TPB, VCB, VNM, VPB...

Những cái tên SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế sẽ tăng trưởng 3 chữ số bao gồm DCM, KBC, POW, STK, SZC. FPT, CTR, VNM hay HPG được dự báo cũng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Bên cạnh những công ty tăng, SSI Research cũng dự đoán 13 cái tên sẽ báo lợi nhuận giảm hoặc không tăng gồm GAS, HHV, NT2, IMP, KDH, BSR, DRC, HSG, NLG, OCB, PLX, PNJ, VIB...

Đáng chú ý, SSI đã đưa ra ước tính kết quả kinh doanh quý III/2024 của Masan Group, ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ấn tượng nhất với 1.250%. SSI dự phóng MSN có thể lãi lớn 650 tỷ đồng trong quý III năm nay. Theo SSI, động lực tăng trưởng lãi ròng của Masan đến từ Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (mã cổ phiếu MCH) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Ngân hàng Techcombank, mã cổ phiếu TCB). Trong khi đó, quý III/2024 nhiều khả năng WinCommerce có thể có quý đầu tiên báo lãi, MHT giảm lỗ cũng đóng góp tích cực vào lợi nhuận của Masan Group. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay của tập đoàn này cũng giảm.

"Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận quý III sẽ cao hơn quý II vừa qua, nhờ vào khả năng sinh lời liên tục được cải thiện của WinCommerce, sự tăng trưởng của Masan Consumer cũng như những tín hiệu tích cực từ các mảng kinh doanh khác", đại diện Masan chia sẻ về triển vọng lợi nhuận quý III của doanh nghiệp trong cuộc họp gần đây với các nhà đầu tư.

Tập đoàn J.P Morgan đánh giá ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (+7% từ đầu năm) đã có mức tăng thấp hơn so với thị trường chung. Động lực thuận lợi trong ngắn hạn đang ủng hộ cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng thiết yếu với: Dòng tiền tiềm năng từ nâng hạng thị trường chứng khoán; Đồng USD thấp hơn giúp giảm chi phí đầu vào; và tăng trưởng doanh thu ổn định.

Ngoài ra, một hiện tượng khác trên thị trường là từ đầu năm 2024, FPT đã tăng gần 70% thị giá qua đó đẩy vốn hóa thị trường lên trên 200.000 tỷ đồng, chỉ xếp sau Vietcombank, BIDV và ACV trên sàn chứng khoán. Từ đầu năm đến nay, FPT đã có 35 lần vượt đỉnh và so với thời điểm đầu năm 2024, FPT đã tăng gần 70% thị giá. Vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam cũng theo đó lập kỷ lục 205.000 tỷ đồng. Con số này đưa FPT trở thành công ty tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán, chỉ sau 3 cái tên do Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV và ACV.

c
VinaCapital dự báo ROE thị trường Việt Nam năm 2025 sẽ là 15,6.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, thị trường chứng khoán đang hướng đến nửa cuối tháng 10 với nhiều sự kiện quan trọng. Chuyên gia kỳ vọng bức tranh lợi nhuận toàn thị trường quý III sẽ duy trì tích cực, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng của nền kinh tế trong quý vừa qua và mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái. Nếu bức tranh lợi nhuận của thị trường tích cực như kỳ vọng sẽ là cú hích tinh thần mạnh mẽ cho nhà đầu tư và xu hướng thị trường chứng khoán trong giai đoạn từ nay tới cuối năm 2024.

Trong khi đó, dự báo cho năm 2025 và 2026, VinaCapital đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi của các doanh nghiệp tại Việt Nam lần lượt ở mức 23,2% và 20%. Nhìn chung, lợi nhuận của các doanh nghiệp đang được dự báo quay trở lại mức cao như với giai đoạn trước COVID-19. Đồng thời, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng rất vượt trội so với khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ hay các thị trường trong khu vực ASEAN. 

“Yếu tố mà chúng tôi xem xét tới khi cân nhắc rằng lợi nhuận doanh nghiệp liệu có duy trì được mức tăng trưởng cao trong dài hạn hay không, là mức độ hiệu quả khi sử dụng vốn của các doanh nghiệp. Tỉ lệ  ROE của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam cũng tăng trưởng khoảng 13-14% giai đoạn 2023-2024, năm 2025 và 2026 chúng tôi dự báo mức này sẽ quay trở lại mức trung bình dài hạn của Việt Nam ở quanh 16%”, bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán của VinaCapital nhận định. 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày