Tỉ giá áp lực cuối năm
Theo Báo cáo vĩ mô tháng 7 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 1,9 tỉ USD, tương đương 48.300 tỉ đồng. Lũy kế đến ngày 3/7, Ngân hàng Nhà nước tính đã bán ra khoảng 6,4 tỉ USD, tương đương 162.500 tỉ đồng. Việc bán ngoại tệ để can thiệp tỉ giá VND/USD đã tăng đến mức mà Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng “rất đáng quan tâm”.
Cho đến nay, tỉ giá VND/USD tăng cao bên cạnh việc ảnh hưởng đến giá trị của VND còn tác động tiêu cực đến sức mua của người Việt, thị trường nội địa và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Với nhiều biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, diễn biến tỉ giá đã có phần giải tỏa sau giai đoạn nóng diễn ra trong nửa đầu năm 2024, đặc biệt cao điểm diễn ra vào tháng 4. Tỉ giá thời điểm hiện tại đang xuất hiện một số yếu tố thuận lợi, từ đó có thể làm dịu bớt tình hình tỉ giá. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là bức tranh xuất nhập khẩu đã lấy lại trạng thái xuất siêu trong tháng 6 sau khi nhập siêu trong tháng 5.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải đối diện với áp lực tỉ giá trong nửa cuối năm 2024. Nguyên nhân là sức mạnh của đồng USD được dự báo sẽ duy trì bởi chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác vẫn cao do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt lãi suất chậm hơn và ít hơn các ngân hàng trung ương khác. Bên cạnh đó, nhiều nhà kinh tế cho rằng, nếu ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ khiến lạm phát tăng trở lại, từ đó ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của FED. Rủi ro địa chính trị kéo dài cũng dẫn đến nhu cầu tích trữ USD như một kênh trú ẩn an toàn.
Các yếu tố khác góp phần tăng cao tỉ giá có thể kể đến như chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông. Trong nước, nhu cầu mua ngoại tệ lẫn nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đều tăng cao. Chưa kể, yếu tố ảnh hưởng tới tỉ giá là động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE từ đầu năm đến đầu tháng 7/2024 đã đạt xấp xỉ 55.000 tỉ đồng.
Nhiều dự báo cho thấy, Ngân hàng Nhà nước có thể phải tiếp tục tiêu hao dự trữ ngoại hối nếu muốn kiềm giữ tỉ giá. Do dự trữ ngoại hối của Việt Nam hạn hẹp trong khi nhu cầu đối với đồng USD thường tăng trong giai đoạn gần cuối năm, “điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro việc tiêu hao dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước không đạt được mục đích kiềm chế đà tăng của tỉ giá”, VDSC nhận định trong báo cáo.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt trên 93 tỉ USD và các biện pháp kiểm soát thanh khoản và bán USD trước đây của Ngân hàng Nhà nước chưa đủ để ổn định tỉ giá trong dài hạn. Trong bối cảnh đó, công cụ lãi suất sẽ có hiệu quả nhất trong việc quản lý đồng VND.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, với đà tăng CPI từ đầu năm đến nay, việc giữ CPI ở mức dưới 4% là thách thức không nhỏ, trong đó, cùng với chính sách tăng lương, yếu tố đáng chú ý là đà tăng tỉ giá VND/USD làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu. “Trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần hết sức cẩn trọng với việc điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát nguồn cung tiền trong nền kinh tế, hài hòa giữa chính sách lãi suất và tỉ giá”, ông nói.
Giải pháp sắp tới có thể là Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng tiếp lãi suất trên thị trường mở để thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng. Trong kịch bản không cầm cự được tiếp với dự trữ ngoại hối, VDSC cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất điều hành thêm 25-50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2024. Vấn đề là nếu đẩy lãi suất lên cao để kiểm soát lạm phát, tỉ giá thì có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn đang cần chi phí vốn rẻ để phục hồi. “Việc lãi suất huy động tăng trở lại sẽ ảnh hưởng đến đà giảm của lãi suất cho vay, nhưng chúng tôi kỳ vọng tác động này sẽ chỉ bộc lộ rõ hơn vào quý cuối năm hoặc đầu năm 2025”, VDSC dự báo.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư