Tài Chính

Tỉ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam có thể đạt 180% trong 3-4 năm nữa

Nhật Lệ Thứ Ba | 05/09/2023 17:54

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam có thể trở thành một nguồn vốn quan trọng hơn cho các doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Điều này sẽ hạn chế tăng trưởng dư nợ tín dụng và có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam có thể trở thành một nguồn vốn quan trọng hơn cho các doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Tại cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng/GDP tại Việt Nam (theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect) đạt khoảng 140%, tương tự như Thái Lan và Malaysia. Với điều kiện tăng trưởng tín dụng và GDP có thể đạt lần lượt 13% và 6%/năm trong thời gian tới, Việt Nam sẽ trên đà đạt tỉ lệ tín dụng/GDP là 180% trong 3-4 năm nữa, tương đương với mức của Trung Quốc hiện nay, hàm ý chúng ta đang tiến đến điểm bão hòa. 

 

VNDirect đánh giá điều này sẽ hạn chế tăng trưởng dư nợ tín dụng và có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn thông qua các kênh truyền thống như vay ngân hàng.

Do đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam có thể trở thành một nguồn vốn quan trọng hơn cho các doanh nghiệp. 

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn tương đối nhỏ ở Việt Nam, nhưng đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Vào cuối quý II/2023, vốn hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 11,8% GDP, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ vốn hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp/GDP của các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan (26,1%) và Malaysia (53,6%). 

Sau vài năm tăng trưởng mạnh, Chính phủ đã giám sát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với việc sửa đổi Nghị định 65 vào quý II/2022, dẫn đến sự thu hẹp của thị trường này. 

 

Theo ước tính của VNDirect, có 29 đợt phát hành mới trong 6 tháng đầu năm 2023 với tổng giá trị phát hành là 19.000 tỉ đồng, giảm 34,4% so với quý trước và giảm 83,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, ngành bất động sản chiếm tỉ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong quý II/2023, chiếm hơn 34,9% tổng giá trị, tiếp theo là ngành ngân hàng với 29% tổng giá trị.

Theo VNDirect, niềm tin của nhà đầu tư vẫn chưa quay trở lại khi một số tổ chức phát hành vẫn đang gặp khó khăn trong quản lý dòng tiền dẫn đến việc chậm trả nghĩa vụ nợ. Tính đến ngày 26/06, có 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách quá hạn nộp thuế do HNX công bố. VNDirect ước tính tổng dư nợ trái phiếu của các công ty này là 160.000 tỉ đồng, chiếm 14,6% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp. 

Trong nửa cuối 2023, VNDirect cho biết họ không kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi trở lại mức tăng trưởng mạnh như những năm trước do áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn kéo dài cho đến cuối năm. Trong quý III/2023, ước tính của VNDirect cho thấy sẽ có hơn 75.900 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 14,9% so với quý II/2023. Ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất, chiếm gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý III/2023. 

Trong khi đó, VNDirect cho biết họ nhận thấy các chủ đầu tư vẫn đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong xây dựng do vấn đề thanh khoản, điều này có thể khiến người mua nhà từ chối thanh toán các khoản thế chấp và làm tổn thương tâm lý thị trường nhiều hơn. Do đó, VNDirect cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên chất lượng tài sản của các công ty môi giới trong nửa cuối 2023 bằng việc tác động tiêu cực đến tỉ suất sinh lời của danh mục đầu tư.

“Chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam”, VNDirect nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Hơn 5.764 tỉ đồng được giao dịch trên sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày