Tài Chính

Tín dụng tăng trưởng phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế

Đông Phong Thứ Bảy | 18/06/2022 17:25

Ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: TL.

Đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế.
Ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: TL.

Ngày 15/6/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức họp báo để thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và định hướng điều hành những tháng cuối năm 2022. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì họp báo.

Trong điều hành tín dụng, Phó Thống đốc cho biết, ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

 

Đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các tổ chức tín dụng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung; chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán. 

 

Theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695.000 tỉ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198.000 tỉ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91.000 tỉ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18.000 tỉ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

Triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 11; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đồng thời, ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các Ngân hàng Thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định của Chính phủ.

Ngày 27/5/2022, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng theo Nghị định 31/2022/NDD-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm 

Gần 150 công ty Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết ở Mỹ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày