Viettel tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành
Viettel tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Ảnh: Viettel.
Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ngày 21/9 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức phiên bán đấu giá trọn lô gần 4,6 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Vĩnh Sơn do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu. Giá khởi điểm của lô cổ phần được tổ chức đấu giá quy định là 922,49 tỉ đồng.
Tại phiên đấu giá, đã có 1 tổ chức và 1 cá nhân tham gia đấu giá. Mức giá đấu thấp nhất là 922,49 tỉ đồng/lô cổ phần, cao nhất là 922,499 tỉ đồng/lô cổ phần. Kết quả, lô cổ phần chào bán đã được bán hết với giá đấu thành công là 922,499 tỉ đồng, cao hơn 8,6 triệu đồng so với giá khởi điểm. Giá trung bình quân ước tính 201.046 đồng/cổ phần.
Công ty Cổ phần Vĩnh Sơn có vốn điều lệ 1.150 tỉ đồng với số lượng 3 cổ đông gồm 2 tổ chức và 1 cá nhân, trong đó cổ đông tổ chức sở hữu 99,9% vốn điều lệ là Viettel (39,9%) và Công ty Cổ phần Bất động sản Dragon Village (60%).
Công ty Cổ phần Vĩnh Sơn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, với hoạt động chính là triển khai Dự án xây dựng Khu đô thị thung lũng Hoa Hồng (Rose Valley) với quy mô 75,51 hecta tại xã Tiền Phong, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc và xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Hiện tại Công ty vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị các bước đầu tư Dự án, chưa đưa Dự án vào kinh doanh nên đến hết quý II/2021, Công ty chưa có doanh thu từ Dự án. Doanh thu thuần của Công ty trong năm 2019, 2020 và quý II/2021 phát sinh từ một số hoạt động như cho thuê địa điểm chụp ảnh. Đây không phải là hoạt động cốt lõi, được tổ chức thêm trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để tối ưu.
Như vậy, phiên đấu giá lô cổ phần của Công ty Cổ phần Vĩnh Sơn do Viettel sở hữu đã thành công sau 3 lần liên tiếp không có nhà đầu tư tham gia đấu giá. Việc thực hiện đấu giá trọn lô 4,6 triệu cổ phần của Vĩnh Sơn đợt này nằm trong kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Viettel theo phương án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Trước đó, Viettel đã hoàn thành thoái vốn tại Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) trong năm 2018 và thu về lợi nhuận 712 tỉ đồng.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, điều này thể hiện quyết tâm của Viettel trong việc thúc đẩy kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung đầu tư cho các hoạt động cốt lõi là xây lắp hạ tầng viễn thông và vận hành hạ tầng viễn thông.
Có thể bạn quan tâm
Bước đệm thoái vốn của Viettel Post
Giờ G thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư