Tài Chính

VN-Index chờ lực đẩy thoái vốn

Minh Hà Thứ Tư | 11/01/2023 14:00

Trong 141 doanh nghiệp nhà nước chờ thoái vốn, có 35 doanh nghiệp đang được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa

Thoái vốn nhà nước đang được kỳ vọng trở thành chất xúc tác cho thị trường, trong bối cảnh thị trường chứng khoán chịu nhiều áp lực.
Trong 141 doanh nghiệp nhà nước chờ thoái vốn, có 35 doanh nghiệp đang được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa

Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 vừa được Chính phủ ký và phê duyệt nhằm sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước đang được giới đầu tư kỳ vọng tạo ra lực đẩy cho thị trường đang downtrend. Quyết định trên xúc tiến cổ phần hóa 19 doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn 141 doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2022-2025. Trong 141 doanh nghiệp nhà nước chờ thoái vốn, có 35 doanh nghiệp đang được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Giới đầu tư kỳ vọng hoạt động thoái vốn sẽ giúp đẩy mạnh tính công khai, minh bạch quản trị công ty, đón nhận thêm nhiều cổ đông chiến lược để gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, hoặc dễ dàng thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và mở rộng thị phần. 

Chất xúc tác thoái vốn

Tại Hội nghị đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa vào tháng 10/2022, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết quá trình cổ phần hóa đã mang lại những kết quả tích cực cho công tác quản trị công ty tại các doanh nghiệp. Ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho rằng hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hiệu quả hơn. “Trên 90% doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh cao, vốn điều lệ và nộp ngân sách đều tăng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình 3 năm sau cổ phần hóa đạt 15,4%, tăng cao so với trung bình 12,4% của giai đoạn trước đó”, ông Tuấn Anh nói.

 

Thị trường chứng khoán được hưởng lợi khi tình hình quản trị và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện. Thị trường ghi nhận, các hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa thường có tác động tích cực đến diễn biến giá cổ phiếu. Đáng chú ý, làn sóng thoái vốn, cổ phần hóa là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy thị trường tăng mạnh trong giai đoạn năm 2017, đầu năm 2018 với hàng loạt các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn chất lượng và quy mô. 

Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thoái vốn được nâng đỡ khi thu hút được truyền thông, cũng như qua hoạt động mua gom, đón đầu cơ hội của nhóm nhà đầu tư lớn và chuyên nghiệp. 

Động lực của các doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết trở nên quan trọng khi vốn hóa chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên đi lùi trong suốt 11 năm qua. Chẳng hạn, niêm yết trên sàn TP.HCM tính đến cuối năm 2022 xấp xỉ 4,02 triệu tỉ đồng, giảm 1,82 triệu tỉ đồng (tương đương 77 tỉ USD) so với đầu năm.

Cơ hội còn sót lại 
Tuy nhiên, trong số 35 doanh nghiệp niêm yết nằm trong danh sách thoái vốn, chỉ có vài cổ phiếu khả thi để nhà đầu tư giải ngân. Một số cái tên rất tiềm năng nằm trong danh sách này như Truyền hình Cáp Việt Nam (CAB), Tổng Công ty Sông Hồng (SHG), Giầy Thượng Đình (GTD)... đang có thanh khoản rất thấp, thậm chí có nhiều phiên không phát sinh giao dịch.

 

Chỉ có vài cổ phiếu có đủ thanh khoản cho nhà đầu tư kỳ vọng ở các sự kiện thoái vốn, trong đó cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất trong danh sách là Tổng Công ty Viglacera (VGC), hiện là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Viglacera đang triển khai mảng khu công nghiệp và dịch vụ ở Bắc Ninh và Phú Thọ. Agriseco Research đánh giá VGC là mã cổ phiếu có tiềm năng đầu tư nằm trong danh sách thoái vốn nhà nước. 

Một cổ phiếu khác cũng được Agriseco đánh giá tiềm năng là DBD của Công ty Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định - doanh nghiệp dược trong nước đầu tiên nghiên cứu và sản xuất thuốc kháng sinh tiêm, dung dịch tiêm truyền kháng sinh. Cổ phiếu DBD kỳ vọng sẽ được hưởng lợi khi Nhà nước có kế hoạch thoái vốn 76,8 tỉ đồng, tương ứng hơn 13% vốn điều lệ.

Một cổ phiếu khác có thanh khoản tốt nhưng chưa được Agriseco đánh giá tiềm năng là BMC của Công ty Khoáng sản Bình Định (Bimico). Bimico là doanh nghiệp khai thác, chế biến và kinh doanh sa khoáng titan từ rất sớm, với hơn 95% sản phẩm của Công ty được xuất sang các thị trường Nhật, Malaysia, Trung Quốc. Bimico có kế hoạch thoái vốn 31 tỉ đồng, tương ứng 25% vốn điều lệ Công ty.

Dù có nhiều khó khăn nhưng nhìn chung, việc thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán là con đường tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán
 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày