Tài Chính

Vốn ngoại xoay chiều

Viết Nguyên Thứ Hai | 15/08/2022 14:00

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Quý Hòa.

Nhiều tín hiệu cho thấy dòng vốn ngoại sắp quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Quý Hòa.

Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến của cổ phiếu KDC của KIDO vào cuối tháng 7 thì khối ngoại đã bán ròng gần 2.000 tỉ đồng trong tháng vừa qua. Tuy nhiên, SSI dự đoán, dòng tiền ngoại sẽ sớm xoay chiều. Bằng chứng là xu hướng mua ròng đã được ghi nhận trong 2 tuần cuối tháng 7 và cả những phiên đầu tháng 8. Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng hơn 188 tỉ đồng trong 7 phiên đầu của tháng 8.

Có những yếu tố tích cực hứa hẹn hỗ trợ dòng tiền ngoại quay trở lại. Xét yếu tố bên ngoài, theo phân tích của SSI, dòng tiền từ các quỹ tiền tệ và quỹ trái phiếu trên toàn cầu đã được kích hoạt nhờ tâm lý nhà đầu tư phần nào cải thiện khi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các thông điệp đưa ra vẫn ổn định, không có nhiều thay đổi bất ngờ.

 

Cuối tháng 7, dòng vốn vào các quỹ trái phiếu chỉ rút 593 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với mức rút ròng trung bình 30 tỉ USD/tháng duy trì trong nửa đầu năm 2022. Dòng tiền vào các quỹ tiền tệ cũng đã vào ròng gần 110 tỉ USD trong tháng 7, cho thấy các quỹ tiền tệ đã sẵn sàng giải ngân trong thời gian tới.

Ở châu Á, theo ghi nhận của SSI, dòng vốn ngoại tiếp tục phân hóa. Nếu vốn vào Hàn Quốc, Đài Loan chững lại thì vốn vào khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan và Philippines đã chuyển biến tích cực. SSI kỳ vọng dòng tiền sẽ quay lại thị trường cổ phiếu dù quy mô giải ngân có thể nhỏ hơn do các rủi ro vẫn còn.

Như nhận định của ông Trương Thái Đạt, Phó Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC, có những nút thắt đã được giải tỏa. Ngoài ra, P/E dự phóng ở thời điểm đáy thị trường chỉ còn khoảng 11 lần. So với quá khứ, đây là mức rẻ và hấp dẫn. Lý do thứ 2 là sức mạnh của đồng USD đã giảm 2 quý liên tiếp, khiến cho việc đầu tư ra các thị trường ngoài Âu, Mỹ sẽ có hiệu quả hơn. Cùng với đó, theo ông Trương Thái Đạt, nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc nâng cấp các tiêu chí cũng gia tăng xác suất nâng hạng thành công cho thị trường Việt Nam.

Thực tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tăng. Hơn 15,41 tỉ USD được nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng năm 2022.
Thực tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tăng. Hơn 15,41 tỉ USD được nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng năm 2022. Ảnh: Quý Hòa. 

Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, tin rằng, GDP quý III tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước và nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ít nhất 7,5% trong năm nay sẽ là chất xúc tác quan trọng để nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam. VinaCapital kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt 20% trong năm nay thay vì chỉ 16% như kỳ vọng ban đầu.

Hiện VN-Index đã giảm 17% so với đầu năm và FED tăng lãi suất đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Michael Kokalari, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam sẽ bù đắp cho tâm lý kém lạc quan ở thị trường chứng khoán Mỹ và các thị trường khác. 

 

VinaCapital đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường hưởng lợi lớn nhất từ sự xoay chuyển của FED vì Việt Nam có mức định giá hấp dẫn nhất trong khu vực, cùng với mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến cao thứ 2 chỉ sau Indonesia. VinaCapital cũng tin rằng chất lượng lợi nhuận doanh nghiệp của Việt Nam hiện tốt hơn nhiều so với Indonesia và các nước khác trong khu vực.

Thực tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tăng. Hơn 15,41 tỉ USD được nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng năm 2022. Dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) cũng tích cực tìm đến thị trường Việt Nam. Bằng chứng là sự ra mắt của các quỹ mới như quỹ DCVFMVNMIDCAP (tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa thuộc chỉ số VNMidcap) và quỹ KIM VNFINSELECT (tập trung vào các cổ phiếu tài chính thuộc chỉ số VNFIN Select).

Tại chương trình Phố Tài Chính, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, cho biết trong chu kỳ phát triển ở các nước, thu hút được dòng vốn FDI luôn kéo theo sau đó dòng vốn gián tiếp FII cũng đổ mạnh vào thị trường bất chấp những bất ổn vĩ mô.

Điển hình, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital, hiện có tài sản xấp xỉ 2 tỉ USD, với danh mục chủ yếu là VPB, ACB, MWG, HPG, VHM tính đến ngày 28/7/2022. So với cùng kỳ, quỹ này đã bị suy giảm. Dù vậy, VEIL vẫn tích cực đầu tư nắm giữ cổ phiếu. Tiền mặt của VEIL đã về mức thấp nhất trong tháng 6/2022. Còn lượng tiền mặt ở quỹ VEOF của VinaCapital thì chiếm khoảng 13,9% giá trị tài sản ròng.

Riêng về dòng vốn trong nước, tính đến cuối quý II/2022, theo bà Trần Thị Khánh Hiền, dòng tiền các nhà đầu tư gửi tại Top 10 công ty chứng khoán vẫn ở mức 50.000 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa, một lượng tiền mặt lớn đã sẵn sàng tham gia thị trường ngay khi có cơ hội. Điểm chú ý khác là dù có lúc bán ròng nhưng hơn nửa năm qua, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng là chính. Cùng với đó, tự doanh của các công ty chứng khoán cũng đánh giá tích cực trong việc quay trở lại mua ròng trên toàn thị trường.


 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày