Điểm sáng giữa thách thức xã hội già hóa ở Trung Quốc
Tập trung vào nhóm người tiêu dùng cao tuổi là bước đi hợp lý trong bối cảnh xã hội già hóa. Ảnh: The Ecoomist.
Dân số già hoá đặt ra thách thức lớn cho kinh tế Trung Quốc, nhưng chính phủ kỳ vọng "kinh tế bạc" sẽ mở ra cơ hội mới cho tăng trưởng.Dân số Trung Quốc đang đối mặt với hai xu hướng đáng lo ngại: thu hẹp và già hóa nhanh chóng, với tốc độ được dự báo tăng mạnh vào năm 2025. Tỉ lệ sinh trung bình hiện chỉ còn 1,1 trẻ trên mỗi phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Sau một đợt tăng nhẹ số ca sinh trong năm 2024, năm con rồng được xem là may mắn, tỉ lệ sinh dự kiến sẽ tiếp tục giảm. Cùng lúc đó, số người trên 60 tuổi dự kiến tăng từ 300 triệu vào năm 2023 lên hơn 400 triệu vào năm 2035, chiếm gần 1/3 dân số.
Xu hướng này đặt ra áp lực lớn lên nền kinh tế, khi số lượng người lao động trẻ ngày càng giảm, trong khi số người cao tuổi cần hỗ trợ lại tăng. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng "nền kinh tế bạc" có thể trở thành lối thoát.
Năm 2024, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố chính sách thúc đẩy kinh tế bạc, nhằm nâng cao phúc lợi cho người cao tuổi. Chính sách này khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe thông minh, sản phẩm chống lão hóa, du lịch, và lương hưu cá nhân. Đặc biệt, các sản phẩm du lịch theo chủ đề như "du lịch hoài cổ" và "du lịch tuổi trẻ" được nhấn mạnh. Chính quyền địa phương cũng được yêu cầu cải thiện dịch vụ, bao gồm cung cấp bữa ăn, chăm sóc tại nhà, và tổ chức các hoạt động văn hóa.
Tập trung vào nhóm người tiêu dùng cao tuổi là bước đi hợp lý trong bối cảnh xã hội già hóa. Thế hệ nghỉ hưu sắp tới, chủ yếu trong độ tuổi 50–60, được đánh giá là tầng lớp giàu có nhất trong xã hội, với hơn 230 triệu người sắp nghỉ hưu trong thập kỷ tới. Những người này đã làm việc trong giai đoạn kinh tế Trung Quốc bùng nổ, sở hữu nguồn tài chính dồi dào và thời gian để tận hưởng.
Ví dụ, công ty công nghệ giáo dục Quantasing đã thu hút 120 triệu người dùng tham gia các khóa học trực tuyến phát triển sở thích như thư pháp, thiền định và chơi piano. Dù hiện chỉ có 400.000 người trả phí, công ty kỳ vọng con số này sẽ tăng khi mở rộng sang các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và du lịch.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa Trung Quốc, giá trị của nền kinh tế bạc năm 2024 ước đạt 7 nghìn tỉ nhân dân tệ (khoảng 1 nghìn tỉ USD), tương đương 6% GDP. Con số này được dự báo tăng lên 30 nghìn tỉ nhân dân tệ vào năm 2035 và chiếm 1/3 GDP vào năm 2050. Các doanh nghiệp cũng đã nắm bắt xu hướng này, với số lượng đăng ký kinh doanh liên quan đến kinh tế bạc tăng hơn 40% từ năm 2019 đến năm 2023.
Mặc dù đầy hứa hẹn, phát triển nền kinh tế bạc không hề dễ dàng. Người cao tuổi thường dễ bị lừa đảo, đòi hỏi cần có các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ hơn. Ông Chen Gong, từ Đại học Bắc Kinh, cảnh báo rằng nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường mà thiếu nghiên cứu bài bản, khiến các chính sách phát triển dễ rơi vào tình trạng làm cho có.
Ông Cai Fang, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định bên cạnh việc thúc đẩy chi tiêu, cần đầu tư thêm vào các dịch vụ phúc lợi và xã hội cho người cao tuổi. Đảm bảo phúc lợi tăng trưởng song song với chi tiêu tiêu dùng sẽ là bài toán đầy thách thức cho chính phủ.
Có thể bạn quan tâm:
Công ty giáo dục trực tuyến lao đao trước cơn bão A.I
Nguồn The Economist
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư