Thế giới

Những tổn thương của kinh tế toàn cầu khi áp thuế trả đũa

Thái Bình Thứ Hai | 23/07/2018 08:53

CNBC

Làn sóng áp thuế thương mại có thể ảnh hưởng đáng kể tới tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
CNBC

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Hậu quả như Đại suy thoái kinh tế

Bloomberg: Việt Nam đang chiến thắng trong chiến tranh thương mại


Đó là cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Buenos Aires, Argentina.

Theo Giám đốc Điều hành IMF Christine Lagarde, IMF sẽ cung cấp một báo cáo chi tiết về các tác động của việc áp thuế đối với thương mại toàn cầu. Theo đó, tác động đối với GDP trong trường hợp xấu nhất do các biện pháp trả đũa hiện thời nằm trong khoảng 0,5% trên bình diện toàn cầu.

Lời cảnh báo trên được đưa ra trước những căng thẳng thương mại đang bùng lên trong quan hệ giữa Mỹ với EU và giữa Mỹ với Trung Quốc. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc hiện đã áp các mức thuế lên hàng hóa của nhau trị giá 34 tỷ USD.

Dự kiến, tại hội nghị này, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm G20 sẽ tập trung thảo luận các chủ đề nổi bật và cấp thiết nhất của nền kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh nhiều nước đang lo ngại bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với EU và Trung Quốc.

Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị 500 tỷ USD.

Tuyên bố trên được ông Donald Trump đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC. Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ làm leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Mỹ, năm 2017, Mỹ nhập khẩu số hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 505 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc nhập khẩu 130 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Mỹ.

Mặc dù tất cả các nền kinh tế sẽ "chịu trận" nếu căng thẳng thương mại leo thang xa hơn, chính nước Mỹ sẽ trở thành "tâm điểm của sự trả đũa toàn cầu", dẫn tới một tỷ lệ lớn hơn hàng xuất khẩu của Mỹ bị áp thuế ở nước ngoài - theo báo cáo. "Bởi vậy mà nước Mỹ đặc biệt dễ tổn thương", IMF đánh giá.

Hiện tại, Washington và Bắc Kinh đã áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau. Mỹ còn dọa áp thuế 10% thêm 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, dẫn tới việc Trung Quốc cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng.

Ngoài ra, ông Trump cũng đang dọa áp thuế 25% lên xe hơi nhập khẩu, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của châu Âu sang Mỹ. Trong chuyến công du châu Âu vừa rồi, ông còn khiến các nhà lãnh đạo khu vực này lo ngại khi gọi Liên minh châu Âu (EU) là một trong những "kẻ thù" lớn nhất của Mỹ về thương mại.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (World Economic Outlook) mới nhất của IMF nói rằng có nhiều rủi ro lớn hơn đang nổi lên đối với nền kinh tế toàn cầu so với thời điểm đầu năm. IMF nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn mạnh, sự tăng trưởng "đang trở nên kém đều hơn, và rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng đang gia tăng".

IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 và 2019 ở mức 3,9%. Tuy nhiên, định chế này hạ mạnh dự báo tăng trưởng đối với kinh tế EU, Anh, và Nhật Bản.

Nhung ton thuong cua kinh te toan cau khi ap thue tra dua
Dự báo của IMF về tăng trưởng kinhh tế toàn cầu (cột ngoài cùng bên trái) và tăng trưởng kinh tế Mỹ, Canada, Eurozone, Đức, Pháp, Italy, Anh và Nhật Bản năm 2018. Màu đen là mức dự báo đưa ra hồi tháng 4, màu xanh là dự báo mới nhất. Đơn vị: % - Nguồn: IMF/Bloomberg.

Sự tăng trưởng trên diện rộng của kinh tế thế giới từ hai năm trước đã bắt đầu chững lại, ông Maurice Obstfeld, một chuyên gia kinh tế của IMF, khuyến nghị: "Các quốc gia cần chống lại lối tư duy hướng nội và nên nhớ rằng hợp tác đa phương có ý nghĩa sống còn trong việc giải quyết các vấn đề lợi ích chung".

IMF cũng cho rằng việc gia tăng sử dụng các biện pháp bảo hộ có thể cản trở đầu tư, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chậm lại sự phổ biến của các công nghệ làm gia tăng năng suất, và đẩy giá hàng hóa tiêu dùng tăng lên.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày