Thế giới

Tại sao doanh số kim cương nhân tạo đang tăng vọt?

Hải Miên Thứ Hai | 25/12/2023 17:50

Có một thực tế là rất khó để chỉ ra điểm khác biệt của các viên kim cương nhân tạo so với kim cương tự nhiên, ngoại trừ điểm đáng chú ý duy nhất là giá tiền. Ảnh: CNN.

Doanh số bán LGD đã tăng vọt khi người mua ở Ấn Độ cảm thấy thị trường kim cương nhân tạo "dễ thở" hơn và họ hoàn toàn có thể tham gia.
Có một thực tế là rất khó để chỉ ra điểm khác biệt của các viên kim cương nhân tạo so với kim cương tự nhiên, ngoại trừ điểm đáng chú ý duy nhất là giá tiền. Ảnh: CNN.

Theo ông Paul Zimnisky, một nhà phân tích ngành tài chính và kim cương có trụ sở tại New York, doanh thu toàn cầu đối với kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm (LGD) đã tăng lên gần 12 tỉ USD vào năm 2022, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Phân tích cho thấy đó là mức tăng mạnh so với mức dưới 1 tỉ USD vào năm 2016.

Sự phổ biến ngày càng tăng

Theo CNN, có một thực tế là rất khó để chỉ ra điểm khác biệt của các viên kim cương nhân tạo so với kim cương tự nhiên, ngoại trừ điểm đáng chú ý duy nhất là giá tiền.

Ông Edahn Golan, Giám đốc điều hành của Edahn Golan Diamond Research and Data, cho biết lý do lớn nhất khiến người tiêu dùng đổ xô mua kim cương nhân tạo là vì chi phí. Ông Golan cho biết giá bán lẻ trung bình của viên kim cương nhân tạo tròn 1 carat phổ biến nhất dành cho nhẫn đính hôn là 2.318 USD.

Ông nói: “Mức giá này rẻ hơn tới 73% so với một viên kim cương tự nhiên có cùng kích thước, độ cắt và độ trong như viên kim cương nhân tạo, vì chúng có giá lên đến 8.740 USD”. Thêm vào đó, chi phí thấp hơn cho phép các cặp đôi mua một viên đá lớn hơn.

Ông Golan nói: “Một viên kim cương trong phòng thí nghiệm là một viên kim cương thật, nhưng có thể phải mất vài tuần để tạo ra nó. Kim cương tự nhiên được hình thành từ hơn 800 triệu đến ba tỉ năm và không có nguồn cung cấp vô tận.”

Điều này làm cho kim cương tự nhiên đắt hơn và giá có thể sẽ tăng khi việc Nga tấn công Ukraine đã thắt chặt chuỗi cung ứng kim cương thô tự nhiên. Các lệnh trừng phạt nhắm trực tiếp vào Alrosa, một trong những công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu một phần của chính phủ Nga. Đơn vị này chiếm 28% sản lượng kim cương toàn cầu.

Ông Dan Moran, chuyên gia kim cương thế hệ thứ ba và chủ sở hữu của hãng kim hoàn Concierge Diamonds có trụ sở tại LA, cho biết kim cương nhân tạo cũng đang trở nên phổ biến khi người tiêu dùng nhận thức và hiểu biết nhiều hơn về chúng. Ông Moran cho biết người mua kim cương nhân tạo điển hình thường dưới 40 tuổi và rất quan tâm đến ngân sách.

Trong khi đó, Kim cương được khai thác có một lịch sử gây tranh cãi liên quan đến việc sử dụng lao động trẻ em ở một số mỏ kim cương ở Châu Phi cũng như việc buôn bán trái phép để tài trợ cho xung đột ở các khu vực bị chiến tranh tàn phá.

Theo báo cáo từ trang web tổ chức đám cưới The Knot, thế hệ Millennials và Gen Z, là những cá nhân đặc biệt chú trọng về môi trường và có mối quan tâm về vấn đề đạo. Cũng vì thế họ rất để tâm đến các yếu tố này trong nguồn cung ứng kim cương tự nhiên, điều đó cũng tác động đến sở thích của họ đối với nhẫn đính hôn phi truyền thống.

Làn sóng tại quốc gia đông dấn nhất thế giới

Các chuyên gia trong ngành cho biết nhu cầu về kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm ở Ấn Độ đã tăng đều đặn, nhưng những viên kim cương được khai thác tự nhiên sẽ không sớm mất đi vẻ lấp lánh.

Ấn Độ hiện có dân số thanh niên lớn nhất thế giới. Các nhà phân tích cho biết ngày càng có nhiều người mua sắm thuộc thế hệ Millennial và Gen Z bị thu hút bởi cái gọi là LGD vì mức giá của chúng.

Giá của một viên kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm có thể rẻ hơn 5 lần so với một viên kim cương tự nhiên nhưng cả hai đều giống nhau về mặt hóa học.

Theo Limelight Diamonds, một trong những thương hiệu trang sức LGD lớn nhất Ấn Độ, một viên kim cương tự nhiên có giá khoảng 6.000 USD/carat trong khi viên kim cương LGD chỉ có giá 1.200 USD.

Cả hai cũng được phân loại dựa trên độ trong, màu sắc, đường cắt và carat - các đặc tính tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi để xác định giá trị và chất lượng của một viên kim cương.

Doanh số bán LGD đã tăng vọt khi người mua ở Ấn Độ, những người trước đây không thể mua kim cương do giá cao, giờ đây cảm thấy họ có thể tham gia thị trường này. 

Bà Pooja Sheth, người sáng lập và giám đốc điều hành của Limelight Lab Grown Diamonds cho biết: “Trước đây, chưa đến 5% phụ nữ Ấn Độ có đủ khả năng mua kim cương tự nhiên”.

 

Bà nhận xét: “Tuy nhiên, người tiêu dùng đang cảm thấy việc mua một viên kim cương phòng thí nghiệm sẽ có giá trị hơn và có một lượng lớn nhu cầu gia tăng từ những người mua mới, những người chưa từng mua một viên kim cương trước đây”.

Ấn Độ hiện là nước sản xuất kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm lớn thứ hai, sau Trung Quốc, quốc gia chiếm ít nhất một nửa sản lượng thế giới. Ông Golan cho biết quốc gia Nam Á này có thể sớm trở thành số 1.

Golan giải thích: Thị trường LGD của Trung Quốc lớn hơn về mặt sản xuất nhưng lại không đánh bóng được nhiều đá quý như Ấn Độ. Công nghệ được sử dụng ở Ấn Độ phức tạp hơn nhiều và có nhiều cơ hội để cải tiến theo thời gian trong tương lai”.

“Trung Quốc có thể tạo ra nhiều kim cương hơn với công nghệ họ đang sử dụng, nhưng Ấn Độ có thể tạo ra nhiều hơn và làm cho chúng tốt hơn”.

Có thể bạn quan tâm: 

Nền kinh tế nào hoạt động tốt nhất trong năm 2023?

Nguồn CNBC


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày