Thế giới

Thuế quan của ông Trump: Tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu

Thứ Sáu | 04/04/2025 11:47

Tổng thống Donald Trump phát biểu về thuế quan tại Vườn Hồng thuộc Nhà Trắng ở Washington, DC, vào ngày 2/4/2025. Ảnh: Getty

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan mới, tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
Tổng thống Donald Trump phát biểu về thuế quan tại Vườn Hồng thuộc Nhà Trắng ở Washington, DC, vào ngày 2/4/2025. Ảnh: Getty

Ngày 2/4 (theo giờ Mỹ) tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump công bố và thi hành 2 mức thuế mới mà theo ông là nhằm mang lại sự độc lập cho nền kinh tế Mỹ. Theo đó, ông áp mức thuế cơ sở 10% lên toàn bộ các quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, có hiệu lực từ ngày 5/4. Mỹ sẽ tăng thuế lên các nước bị coi là có hoạt động thương mại không công bằng và thuế suất bổ sung này sẽ có hiệu lực vào ngày 9/4, ước tính ảnh hưởng 60 nước, theo Reuters.

Vòng áp thuế thương mại mới nhất của Mỹ sẽ làm suy yếu thêm sức mạnh của nền kinh tế thế giới vừa mới phục hồi sau đợt lạm phát tăng vọt sau đại dịch, bị đè nặng bởi khoản nợ kỷ lục và bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị.

Tùy thuộc vào cách Tổng thống Donald Trump và các nhà lãnh đạo các quốc gia khác hành động hiện nay, sự kiện này cũng có thể trở thành bước ngoặt cho một hệ thống toàn cầu hóa vốn cho đến nay vẫn coi trọng sức mạnh và độ tin cậy của nước Mỹ, thành phần lớn nhất của hệ thống này.

Trong những tháng tới, tác động chính sẽ là việc giá cả tăng lên do các loại thuế mới được áp dụng lên hàng hóa mà người tiêu dùng và các doanh nghiệp mua bán. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh.

Ông Antonio Fatas, một chuyên gia kinh tế tại Trường Kinh doanh INSEAD ở Pháp, cho biết: 'Tôi thấy nền kinh tế Mỹ và toàn cầu có thể sẽ trở nên kém phát triển hơn, bất ổn hơn, và có thể dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu."

Các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á, bao gồm cả Myanmar đang chịu chiến tranh và động đất, và một số quốc gia châu Phi nằm trong số các đối tác thương mại phải đối mặt với mức thuế quan cao nhất do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.

“Theo tôi, đây là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, ông Trump cho biết "đó là tuyên bố độc lập kinh tế của chúng ta". Nhưng thuế quan có thể sẽ vấp phải sự phản đối lớn ở một số nền kinh tế yếu nhất thế giới. Một chuyên gia cho biết ông Trump có thể sẽ nhắm vào các quốc gia nhận đầu tư từ Trung Quốc, bất kể tình hình ở quốc gia đó như thế nào.

Campuchia một nền kinh tế đang phát triển với 17,8% dân số sống dưới mức nghèo khổ theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực với mức thuế quan là 49%. Đứng thứ hai là quốc gia Đông Nam Á không giáp biển là Lào với 48%. Theo ADB, Lào có tỉ lệ nghèo đói là 18,3%.

Không kém cạnh là Việt Nam phải chịu thuế với 46% và Myanmar một quốc gia đang phải vật lộn với trận động đất kinh hoàng và nhiều năm nội chiến với mức thuế 44%. Indonesia phải đối mặt với mức thuế quan 32%, trong khi Thái Lan phải chịu mức thuế 36%.

Myanmar đang phải vật lộn với động đất và nội chiến phải chịu mức thuế 44%, Việt Nam cũng không kém với mức thuế 46%. Ảnh: TL
Myanmar đang vật lộn với động đất và nội chiến phải chịu mức thuế 44%. Việt Nam cũng không kém cạnh với mức thuế 46%. Ảnh: TL

Đối thủ cạnh tranh lớn và đối tác thương mại của Mỹ là Trung Quốc đã phải chịu mức thuế quan 34%, ngoài mức thuế 20% đã áp dụng trước đó.

Tiến sĩ Siwage Dharma Negara, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết thuế quan đối với các quốc gia Đông Nam Á thực chất là nhằm gây tổn hại cho Trung Quốc.

“Chính quyền nghĩ rằng bằng cách nhắm vào các quốc gia này, họ có thể nhắm vào đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia như Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia." Ông Negara cho biết, việc nhắm vào sản phẩm của họ có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và nền kinh tế của Trung Quốc.

“Mục tiêu thực sự là Trung Quốc nhưng tác động thực sự lên các quốc gia này sẽ khá đáng kể vì khoản đầu tư này tạo ra việc làm và doanh thu xuất khẩu.” Ông Negara cho biết, thuế quan đối với các quốc gia như Indonesia sẽ phản tác dụng đối với Mỹ và chi tiết về cách áp dụng vẫn chưa rõ ràng.

Các quốc gia khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất là một số quốc gia ở châu Phi, bao gồm Lesotho với mức thuế 50%, Madagascar với 47% và Botswana với 37%. Lesotho, một vương quốc miền núi nhỏ được bao quanh bởi Nam Phi, có tỉ lệ nhiễm HIV cao thứ hai trên thế giới, với gần một trong bốn người lớn dương tính với HIV. Ở Nam Á, Sri Lanka phải đối mặt với mức thuế 44%. Ở châu Âu, Serbia phải đối mặt với mức thuế 37%.

Tổng thống Donald Trump phát biểu về thuế quan tại Vườn Hồng thuộc Nhà Trắng ở Washington, DC, vào ngày 2 tháng 4 năm 2025. Leah Millis/Reuters
Tổng thống Donald Trump phát biểu về thuế quan tại Vườn Hồng thuộc Nhà Trắng ở Washington, DC, vào ngày 2/4/2025. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ đã biện minh cho những thay đổi này bằng cách nói rằng chúng là sự trừng phạt đối với những quốc gia từ lâu đã "lừa dối" nước Mỹ, và các khoản thuế này sẽ mang việc làm trở lại Mỹ.

Nigel Green, Tổng giám đốc điều hành của công ty tư vấn tài chính toàn cầu deVere Group, cho biết: “Thực tế rất rõ ràng, những mức thuế quan này sẽ đẩy giá hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng hàng ngày lên cao hơn, từ điện thoại đến thực phẩm và điều đó sẽ thúc đẩy lạm phát vào thời điểm mà lạm phát vốn đã dai dẳng một cách khó chịu.”

Ông Marcel Thieliant, người đứng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Capital Economics, cho biết: "Các nền kinh tế châu Á sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với nhiều khu vực khác bởi thuế trả đũa của Mỹ. Không chỉ vì các nền kinh tế châu Á phải đối mặt với mức thuế cao hơn so với nhiều nơi khác, mà họ còn phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu hàng hóa từ Mỹ."

Có thể bạn quan tâm:

Tác động thuế quan ô tô của Tổng thống Donald Trump qua 3 biểu đồ

Nguồn The Guardian, Reuters


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày