Thế giới

Thuỵ Sĩ đề xuất cải cách mới nhằm chống hoạt động rửa tiền

Lam Ngọc Thứ Hai | 04/09/2023 11:27

Thuỵ Sĩ là trung tâm tài chính quan trọng của thị trường quốc tế. Ảnh: Bloomberg.

Những nỗ lực của Thuỵ Sĩ nhằm xóa bỏ tai tiếng rằng nước này đang tạo cơ hội cho các tội phạm tài chính rửa tiền.
Thuỵ Sĩ là trung tâm tài chính quan trọng của thị trường quốc tế. Ảnh: Bloomberg.

Thuỵ Sĩ mới đây đã đề xuất những biện pháp mạnh tay nhằm chống lại hoạt động rửa tiền ở quốc gia này. Trước đó, Thuỵ Sĩ thường chịu nhiều tai tiếng khi bị nhiều người cho rằng nước này là một “nơi trú ngụ” cho những đồng tiền “bẩn”.

Ở thời điểm hiện tại, Thuỵ Sĩ là quốc gia châu Âu duy nhất chưa có quy định về đăng ký chủ sở hữu ở cấp độ quốc gia. Vì vậy, mới đây Bộ Tài chính Thuỵ Sĩ đã công bố danh sách các biện pháp cải cách, theo đó yêu cầu những chủ sở hữu cuối cùng của các quỹ uỷ thác và doanh nghiệp phải công khai minh bạch danh tính. Qua đó, khắc phục những lỗ hổng trong hệ thống pháp lý của nước này.

Uy tín lung lay

Nhiều ý kiến cho rằng đây là điều cấp thiết, bởi chính sách hiện tại của Thuỵ Sĩ khá “lỏng lẻo” để giới tài phiệt và tội phạm toàn cầu có thể lợi dụng nhằm che giấu quyền sở hữu tài sản thông qua các định chế và chuyên môn tài chính của quốc gia trung tâm châu Âu.

 

“Dưới tư cách là trung tâm tài chính quan trọng của quốc tế, một hệ thống mạnh mẽ, có độ an toàn cao và hiện đại là điều cần thiết để chống lại các tội phạm tài chính. Hoạt động rửa tiền đã và đang gây tổn hại cho nền kinh tế Thuỵ Sĩ, đồng thời gây mất niềm tin của khách hàng vào hệ thống tài chính lâu đời của quốc gia”, bà Keller-Sutter, Bộ trưởng Bộ Tài chính Thuỵ Sĩ, cho biết.

Thuỵ Sĩ được xem là ngân hàng uy tín nhất cho việc cất giữ tài sản ở nước ngoài. Theo ước tính, hiện có khoảng 2.400 tỉ USD tài sản nước ngoài được cất giữ trong các ngân hàng Thuỵ Sĩ. Do đó, cộng đồng tài chính Thuỵ Sĩ đóng một vai trò to lớn trong việc mở và quản lý các quỹ uỷ thác cùng với hệ thống cất giữ tài sản ở những quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Dù có uy tín cao trên trường quốc tế về các tiêu chuẩn tài chính, nhưng điều không thể phủ nhận là hệ thống tài chính của nước này vẫn còn nhiều “khoảng trống”.

Từ lâu, Thuỵ Sĩ luôn là điểm đến ưa thích cho tài sản của giới siêu giàu Nga, tuy nhiên việc này lại ảnh hưởng đến uy tín của nước này trong mắt các khách hàng châu Âu giữa bối cảnh căng thẳng địa Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này đã khiến Thuỵ Sĩ chịu áp lực khi liên tục nhận về yêu cầu phải siết chặt các biện pháp kiểm soát tài chính có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Không chỉ vậy, đại sứ các nước G7 cho rằng hệ thống pháp lý của Thuỵ Sĩ đã tạo cơ hội cho Nga “lách” khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Những cải cách mới

Đây là lần thứ 2 Thuỵ Sĩ đề xuất những cải cách mới trong vòng 3 năm. Theo đó, nước này sẽ tiến hành cải tổ bộ luật chống sự xâm hại từ các tội phạm tài chính. Dựa trên những đề xuất mới, hệ thống đăng ký chủ sở hữu cuối cùng của tất cả các quỹ uỷ thác và doanh nghiệp sẽ chỉ mở cho các cơ quan giám sát, chính phủ, cảnh sát, các ngân hàng được cấp quyền và luật sư có quyền thẩm định chuyên sâu thay vì cho công chúng như trước đây.

Bà Keller-Sutter, Bộ trưởng Bộ Tài chính Thuỵ Sĩ, cho biết rửa tiền gây tổn hại đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng về hệ thống tài chính đất nước. Ảnh: FT.
Bà Keller-Sutter, Bộ trưởng Bộ Tài chính Thuỵ Sĩ, cho biết rửa tiền gây tổn hại đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng về hệ thống tài chính đất nước. Ảnh: FT.

Ngoài ra, đề xuất mới còn kèm các biện pháp quy định về nghĩa vụ đối với luật sư, kế toán và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác ở Thuỵ Sĩ. Việc này nhằm yêu cầu các bên liên quan phải có quyền thẩm định chuyên sâu về khách hàng, hồ sơ lưu trữ, qua đó giám sát và báo cáo các hành vi nghi ngờ rửa tiền cho các nhà chức trách có quyền hạn.

Song, những đề xuất này vẫn chưa được đưa vào hệ thống pháp lý chính thức. Cần phải có sự đồng thuận sau thời gian tham vấn của các cơ quan như Đảng, chính quyền các bang, tổ chức dân sự. Sau khi được thông qua sẽ đến hoạt động vận động hành lang, từ đó các ngân hàng và luật sư sẽ tiến hành thực hiện theo những quy định mới. Được biết, quá trình tham vấn sẽ diễn ra trong 3 tháng tới, trước khi trình bày dự luật chính thức trước Quốc hội Thuỵ Sĩ vào năm 2024.

Thuỵ Sĩ muốn đẩy nhanh việc thông qua những đề xuất mới nhằm phủ nhận các nghi vấn nước này đã không giám sát chặt chẽ dòng tiền tài chính từ nước ngoài chảy vào thị trường nội địa. Trong năm nay, một tòa án của Thuỵ Sĩ đã phán quyết 4 ngân hàng cấp cao ở nước này đã tạo “khe hở” cho hoạt động rửa tiền với tổng số tiền lên đến hàng chục triệu USD có liên quan đến Nga. Đó cũng là một phần trong nỗ lực cho thấy Thuỵ Sĩ tích cực hợp tác với các quốc gia châu Âu trong việc triển khai các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Có thể bạn quan tâm:

Trung Quốc sẽ tung thêm biện pháp để kích thích kinh tế?

Nguồn FT


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày