Thế giới

Văn hóa sneaker hạ nhiệt khi người tiêu dùng quay lưng

Thứ Ba | 15/04/2025 21:49

Những mẫu sneaker từng được săn lùng với giá gấp 4 lần niêm yết nay được rao bán với giá chiết khấu. Ảnh: The Economist.

Giày sneaker từng làm mưa làm gió làng thời trang và sưu tầm, nay đang mất dần sức hút vì thị trường bão hòa và xu hướng tiêu dùng thay đổi.
Những mẫu sneaker từng được săn lùng với giá gấp 4 lần niêm yết nay được rao bán với giá chiết khấu. Ảnh: The Economist.

Cách đây vài năm, sneaker, những đôi giày thể thao đế cao su, từng là biểu tượng thời trang được săn đón bậc nhất. Từ sàn diễn đến hành lang văn phòng, sneaker hiện diện khắp nơi. Người hâm mộ sẵn sàng xếp hàng hàng giờ và trả giá gấp nhiều lần giá gốc để sở hữu những mẫu Air Jordan 1 bản giới hạn hay Yeezy đế thô sành điệu.

Nhưng giờ đây, cảnh tượng ấy đang dần lui vào quá khứ. Hàng người chờ đợi trước các cửa hàng giày thưa thớt dần. Những mẫu sneaker từng được săn lùng với giá gấp 4 lần niêm yết nay được rao bán với giá chiết khấu. Phải chăng người tiêu dùng đang quay lưng với sneaker?

“Văn hóa sneaker đã chết rồi”, Qias Omar, một “ShoeTuber” sở hữu hơn 3 triệu người theo dõi trên YouTube, Instagram và TikTok, than thở. Giới đam mê và giao dịch sneaker (sneakerhead) lo ngại thị trường thứ cấp trị giá khoảng 6 tỉ USD đang lao dốc. Một số nền tảng giao dịch trực tuyến tại Pháp và Hà Lan đã phá sản. Nhà bán lẻ châu Âu Sneakersnstuff cũng nộp đơn phá sản vào tháng 1, viện dẫn "sự suy giảm toàn cầu của thị trường sneaker bản giới hạn". Hiện công ty này đã được một nhà đầu tư Đức tiếp quản.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Circana, doanh số giày fashion and lifestyle sneakers tại Mỹ đã giảm 5,8% kể từ năm 2021 (sau điều chỉnh theo lạm phát).

Ông Drew Haines từ nền tảng bán lại StockX cho rằng đây chỉ là sự điều chỉnh thị trường về trạng thái bình thường. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi người dân phải ở nhà và có nhiều thời gian lướt mạng, nhu cầu sưu tầm, từ rượu vang đến đồng hồ, tăng mạnh, và sneaker cũng không ngoại lệ. Giới trẻ đặc biệt đam mê giày thể thao, sắm nhiều đôi để phối đồ đa dạng. Đứt gãy chuỗi cung ứng càng khiến sneaker khan hiếm, đẩy giá tăng cao.

Tuy nhiên, sự hạ nhiệt của cơn sốt sneaker không chỉ do dịch bệnh kết thúc. Trước đây, các thương hiệu kiểm soát nguồn cung nghiêm ngặt, chỉ tung ra những đợt hàng giới hạn để tạo hiệu ứng khan hiếm. Nhưng hiện nay, họ liên tục phát hành số lượng lớn, thậm chí tái sản xuất những mẫu từng được giới sưu tầm săn lùng. Dù giúp tăng doanh thu ngắn hạn, chiến lược này lại làm giảm độ hiếm, kéo theo giá trị sưu tầm đi xuống, theo tác giả Dylan Dittrich của cuốn Sneakonomic Growth.

Một yếu tố khác khiến sneaker “mất giá” là tình trạng hàng giả tràn lan. Phần lớn hàng nhái được sản xuất tại Trung Quốc, thậm chí trong cùng nhà máy với hàng chính hãng. Trên diễn đàn Reddit, nhiều người dùng nhận xét chất lượng hàng "rep" (replica) rất khó phân biệt với thật. Những mẫu hợp tác giới hạn giữa Nike và rapper Travis Scott là một trong những dòng bị làm giả nhiều nhất. Nhiều người mua cho biết những bản làm giả đạt độ giống thật đến 99%.

Thế nhưng, lý do cốt lõi có thể chỉ đơn giản là: xu hướng thời trang đã thay đổi. Một số mẫu sneaker nay đã lỗi mốt, đặc biệt là các thiết kế của Yeezy, thương hiệu do Kanye West sáng lập, bị Adidas chấm dứt hợp tác từ năm 2022 sau các phát ngôn bài Do Thái của rapper này. Các mẫu giày đang được ưa chuộng hiện nay như Hoka hay On, lấy cảm hứng từ giày chạy bộ, thiên về tính năng thể thao hơn là yếu tố thời trang hay giá trị sưu tầm.

Người tiêu dùng cũng đang chuyển hướng sang các kiểu giày khác như bốt, giày lười hay giày búp bê. Các hãng thể thao đã nhanh chóng thích nghi: New Balance và Hoka ra mắt dòng giày lười, Adidas trình làng phiên bản sneaker Mary Jane. Golden Goose, thương hiệu sneaker cao cấp, giờ cũng được biết đến với các mẫu bốt da phong cách cao bồi.

Các nhà mốt từng góp phần đưa sneaker lên sàn catwalk giờ đang hợp tác với các thương hiệu giày khác. Năm 2024, Louis Vuitton bắt tay cùng Timberland ra mắt bộ sưu tập bốt dã ngoại giới hạn, trong khi Balenciaga giới thiệu dòng dép sandal kết hợp Crocs.

Trong khi đó, giới sưu tầm sneaker chỉ còn hứng thú với những đôi thật sự độc lạ. Trong một phiên đấu giá trang phục thể thao gần đây tại Sotheby’s, nhà đấu giá lớn nhất thế giới, nhiều mẫu Nike được bán dưới mức giá ước tính. Đôi đắt nhất được bán với giá 190.500 USD, từng được huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant mang và ký tặng. “Giờ đây, chỉ những đôi thật sự đặc biệt mới có thể tạo ra mức giá đặc biệt”, ông Dittrich nhận xét.

Có thể bạn quan tâm:

Bạc hết thời làm "kép phụ"?

Nguồn The Economist


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày