Thiếu hụt điện, Việt Nam sắp phải tăng nhập điện từ Trung Quốc?

Vũ Hoài Thứ Sáu | 11/10/2019 08:30

Thiếu hụt điện, Việt Nam phải nhập điện từ Trung Quốc. Nguồn:Thoibaotaichinhvietnam

Trong điều kiện nguồn cung thiếu hụt, nhu cầu về điện tăng cao, việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc là giải pháp bắt buộc cho tình thế thiếu điện trầm trọng…
Thiếu hụt điện, Việt Nam phải nhập điện từ Trung Quốc. Nguồn:Thoibaotaichinhvietnam

Mới đây, trong báo cáo ngành điện của Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities, CTS) công bố cho hay, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, sản lượng điện thương phẩm của Việt Nam ước tính đạt khoảng 235-245 tỷ kWh vào năm 2020, 352-379 tỷ kWh vào năm 2025 và tăng mạnh vào năm 2030, đạt khoảng 506-559 tỷ kWh.

Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện ước tính giai đoạn 2020-2025 là 8,42%, giai đoạn 2025-2030 là 7,53%. Tổng công suất nguồn điện cũng được quy hoạch tăng trưởng với tốc độ tương ứng. Cụ thể, tổng công suất các nhà máy điện đến năm 2020 là 60.000 MW, tăng 1,5 lần lên 96.500 vào năm 2025 và tăng gấp đôi vào năm 2030 lên 129.500 MW.

Tuy nhiên, theo báo cáo chính thức Bộ Công thương công bố vào tháng 6 năm 2019, trong 62 dự án nhà máy điện có công suất lớn trên 200 MW thì có đến 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Điều này dẫn đến tổng công suất các nguồn điện có khả năng đi vào vận hành thấp hơn Quy hoạch 10.000 MW. Do đó, hệ thống dự phòng điện hầu như không còn đến cuối năm 2019 và bắt đầu từ năm 2021 sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng. Trong đó, miền Nam vẫn là nơi thiếu hụt điện nhiều nhất với mức thiếu hụt dự báo tăng từ 3,7 tỷ kWh vào năm 2020 lên gần 10 tỷ kWh vào năm 2021 và cao nhất là thiếu 12 tỷ kWh vào năm 2023.

Nguồn: CTS
Nguồn: CTS

Theo đánh giá của CTS, tính thời điểm hiện tại, tiềm năng thủy điện của Việt Nam gần như đã được khai thác hoàn toàn. Các địa điểm có điều kiện thích hợp để xây dựng nhà máy thủy điện công suất lớn gần như đã hết. Trong giai đoạn từ năm 2013 trở về trước, công suất đặt của thủy điện luôn chiếm phần lớn và là nguồn sản xuất điện chính của Việt Nam.

Tuy nhiên, do đặc tính của thủy điện là phụ thuộc chủ yếu vào lượng mưa, dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện vào những năm xảy ra hiện tượng El Nino. Đồng thời, khí hậu và thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, hạn hán thường xuyên xảy ra khiến cho thủy điện không thể là nguồn cung điện ổn định và an toàn. Chính vì vậy, tỷ trọng của thủy điện trong cơ cấu nguồn điện liên tục giảm và dần được thay thế bằng nhiệt điện than. Cũng theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiệt điện than sẽ được tập trung phát triển và trở thành nguồn điện chính thay thế thủy điện. Sản lượng điện sản xuất từ nhiệt điện than tăng lên và chiếm khoảng 50% sản lượng toàn ngành.

Nguồn: CTS
Nguồn: CTS

Dựa trên giả định nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam trong các năm tới theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, CTS ước tính trong kịch bản tiêu cực, giai đoạn 2020-2021 Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 10-15 tỷ kWh điện và đến năm 2025 sẽ thiếu hụt khoảng 15-20 tỷ kWh.

Việt Nam phải tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc trong các năm tới?

Việc nhu cầu điện tăng cao khiến cho ngành điện Việt Nam luôn phải căng sức bổ sung thêm nguồn cung mới để đảm bảo an ninh năng lượng. Mặc dù công suất lắp đặt điện của Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây khiến cho hệ số công suất phụ tải đỉnh/công suất đặt giảm dần nhưng tình trạng thiếu điện vẫn còn tiếp tục diễn ra. Hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào để đáp ứng kịp thời nhu cầu điện năng tăng cao trong mùa khô, cho dù sản lượng nhập chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Nguồn: CTS
Nguồn: CTS

Trong giai đoạn trước, giá than trong nước bán cho các nhà máy điện được Chính phủ trợ giá, khiến giá than trong nước thấp hơn khá nhiều so với giá than quốc tế. Cơ chế trợ giá này đã bị cắt giảm trong những năm gần đây khiến giá than trong nước có xu hướng tiệm cận với giá than quốc tế. Mặt khác, sản lượng than trong nước không đủ cung cấp cho tất cả các nhà máy điện nên nhiều nhà máy phải sử dụng than nhập khẩu hoặc than hỗn hợp (pha trộn than nội địa và nhập khẩu) nhằm phục vụ cho việc sản xuất điện. Tuy nhiên, giá than khu vực đang trong xu hướng giảm nên việc sử dụng than nhập khẩu sẽ có lợi cho nhà máy điện than.

Nguồn: CTS
Nguồn: CTS

Việc sản xuất của các nhà máy thủy điện phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa trong năm.  Những năm gần đây, biến đổi khí hậu càng trở nên nghiêm trọng hơn, nhiệt độ Trái Đất tăng cao, hạn hạn xảy ra thường xuyên cũng tác động đến việc sản xuất điện của các nhà máy thủy điện.

Trước tình hình như hiện tại, CTS đánh giá, trong điều kiện nguồn cung thủy điện đã hết và không ổn định, nguồn nguyên liệu than và khí trong nước cho nhà máy nhiệt điện không được đảm bảo thì việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc là giải pháp bắt buộc cho tình thế thiếu điện trầm trọng trước mắt. Sản lượng điện mua thêm gấp đối từ năm 2020 so với năm 2018. 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày